Đường dây lừa đảo bán thuốc qua mạng với hơn 7000 bị hại

GD&TĐ - Qua fanpage trên mạng xã hội Facebook, các đối tượng mạo danh các bệnh viện lớn để bán thuốc với số tiền gần 50 tỷ đồng của hơn 7000 bị hại.

Đối tượng Phạm Viết Trung tại cơ quan điều tra.
Đối tượng Phạm Viết Trung tại cơ quan điều tra.

Ngày 7/10, thông tin từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bắc Ninh) chủ trì phối hợp với Công an huyện Tiên Du vừa triệt phá đường dây lừa đảo trên mạng xã hội Facebook.

Cụ thể, đối tượng Phạm Viết Trung (SN 1995 ở Hoa Lư, Ninh Bình) đã thuê căn hộ tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) để mở văn phòng và thuê 21 đối tượng để lập các fanpage có hình ảnh, logo của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân đội 103. Thủ đoạn này nhằm thu hút những người bệnh có nhu cầu tìm hiểu chữa bệnh để lại thông tin cá nhân như họ tên, số điện thoại…

Sau đó, các đối tượng sẽ gọi điện và tự xưng là bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hoặc Bệnh viện Quân y 103.

Qua điện thoại, các đối tượng tư vấn và mời chào mua các liệu trình điều trị bệnh tiểu đường, huyết áp mà các đối tượng này quảng cáo là sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng độc quyền của các bệnh viện trên điều chế, sản xuất.

Khi thấy khách có nhu cầu sử dụng loại nào thì các đối tượng đặt mua lại các sản phẩm của các hộ kinh doanh thuốc đông y ở huyện Ba Vì (TP Hà Nội) rồi lừa bán với giá cao hơn gấp nhiều lần giá nhập vào.

Bằng phương thức, thủ đoạn này, từ tháng 5/2022 đến nay, Phạm Viết Trung và đồng bọn đã chiếm đoạt tổng số tiền gần 50 tỷ đồng của hơn 7000 bị hại trên toàn quốc, trong đó có nhiều bị hại ở Bắc Ninh.

Cơ quan chức năng đã thu giữ 67 điện thoại, 37 máy tính các loại. Bên cạnh đó là hơn 3400 hộp sản phẩm khác nhau và nhiều giấy tờ, tài liệu, con dấu, đồ vật khác có liên quan.

Đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 22 đối tượng về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tiếp tục đấu tranh mở rộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ