Ông Vũ Duy Cảng - Trưởng phòng giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Thanh Hóa): Khen đúng, khen trúng.
Cuối học kỳ I và cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh bình bầu những học sinh đạt thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác; tham khảo ý kiến cha mẹ học sinh; tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.
Đây là quy định rất “mở”, và chính vì mở như vậy nên các nhà trường có điều kiện ghi đúng với thành tích của học trò, đúng năng lực, sở trường của các em.
Nôi dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định.
Theo quy định cũ (Thông tư 32), việc xếp loại học sinh quy định cụ thể là học sinh xuất sắc, học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Cách đánh giá như vậy rất chung chung, không biết học sinh được khen thưởng giỏi toàn diện, hay giỏi về một lĩnh vực nào đó.
Nay với quy định mới, Sở GD&ĐT Thanh Hóa theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, không đưa ra một quy chuẩn nào trong việc ghi giấy Khen. Các nhà trường hoàn toàn chủ động trong việc này, cốt sao khen đúng, khen trúng. Học sinh xuất sắc về mặt nào thì ghi trong giấy khen có thành tích về mặt ấy. Nếu là học sinh giỏi toàn diện, có thể ghi: Có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện…
Tôi tin rằng, các Hiệu trưởng hoàn toàn biết cách mình phải khen thưởng như thế nào cho phù hợp, không có gì khó khăn cả. Tại Thanh Hóa, các nhà trường đã hoàn thành việc tổng kết học kỳ I và không trường nào có ý kiến, băn khoăn gì về việc này.
Riêng việc đánh giá xếp loại giáo viên vẫn như bình thường, có điều, quan tâm nhất đến việc giáo viên tổ chức cho học sinh học tập, rèn luyện, không quan tâm nhiều đến việc giáo viên “diễn” bài học như thế nào.
Ở Thanh Hóa, Sở GD&ĐT có soạn thảo phiếu đánh giá xếp loại giờ dạy của giáo viên, trong đó quan tâm nhiều đến chất lượng của học sinh.
Ông Mai Xuân Dương - Phó trưởng phòng Tiểu học Sở GD&ĐT Nghệ An: Yêu cầu tính chủ động cao hơn từ phía nhà trường
Cách đánh giá theo Thông tư 30 nhắm phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động viên, khích lệ và hát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học sinh để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định đúng những ưu điểm nổi bật và những hạn chế của mỗi học sinh để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh… Mục đích cuối cùng là vì sự tiến bộ của học sinh.
Vào cuối học kỳ I và cuối năm học, hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm họp với các giáo viên dạy cùng lớp, thông qua nhận xét quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác để tổng hợp đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của từng học sinh. Các mặt đánh giá bao gồm: Kết quả học tập, năng lực, phẩm chất.
Quy định xếp loại, khen thưởng theo Thông tư 30 không “phích” cứng là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến… mà yêu cầu tính tự chủ cao hơn ở mỗi nhà trường, trách nhiệm cao hơn từ các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn. Việc ghi giấy khen cũng vậy.
Tại Nghệ An, khen thưởng cho học sinh có thành tích đột xuất như giúp đỡ bạn, cứu bạn…,học sinh nổi trội mặt nào thì khen thưởng mặt đó, như thế sẽ động viên được các em nhiều hơn. Việc khen thưởng cũng không đặt ra tiêu chí cụ thể nào về phần trăm, số lượng, không cào bằng.
Ông Nguyễn Quốc Nam – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Ninh Bình): Thay đổi cách ghi giấy khen sát với kết quả học tập, năng lực học sinh.
Liên quan đến công tác khen thưởng theo hướng dẫn tại Thông tư 30, tôi cho rằng: tại Điều 16 của Thông tư đã hướng dẫn khá cụ thể. Với cách khen thưởng như hướng dẫn của Thông tư sẽ sát với kết quả và năng lực của học sinh hơn.
Tại Ninh Bình, qua kiểm tra khảo sát thực tế tại nhiều trường trên địa bàn tôi nhận thấy: Hiệu trưởng các trường tiểu học đã làm rất tốt, họ vận dụng linh hoạt và đúng với hướng dẫn của Thông tư. Nội dung, số lượng học sinh được khen thưởng, tuyên dương do hiệu trưởng quyết định.
Hiện chúng tôi đang hướng dẫn các trường thực hiện theo hướng:
Trước tiên để các em học sinh tự bình xét lẫn nhau, sau đó giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm tham khảo ý kiến của học sinh và cuối cùng là lập danh sách báo cáo hiệu trưởng để quyết định khen thưởng học sinh.
Khi khen thưởng, chúng tôi yêu cầu các trường: Học sinh giỏi ở lĩnh vực nào thì khen thưởng ở lĩnh vực đó. Ví dụ trước đây theo Thông tư 32 thì trong giấy khen thường được ghi chung chung với nội dung khen là học sinh giỏi hoặc học sinh tiên tiến.
Còn hiện nay, cách ghi giấy khen sẽ sát với kết quả học tập và năng lực của các em hơn. Ví dụ: Nếu các em có nhiều thành tích trong việc thực hiện hoạt động các môn học, khi viết giấy khen nhà trường có thể viết: “Tặng giấy khen cho em Nguyễn Văn A vì có nhiều thành tích trong việc thực hiện hoạt động các môn học”,
Hoặc “tặng giấy khen cho em Nguyễn Văn B có nhiều thành tích trong hoạt động thực hiện hoạt động học tập và hình thành phát triển năng lực phẩm chất”
Hay như là: “Tặng giấy khen cho em Nguyễn Văn C vì có nhiều tiến bộ trong học tập”.
Chúng tôi khuyến khích các trường không nên dùng từ “cố gắng” mà thay bằng từ “tiến bộ” để bao hàm đầy đủ sự phát triển của các em trong các mặt học tập và các hoạt động liên quan đến phát triển năng lực cá nhân.