Để lật ngược thế cờ, các chỉ huy quân đội Thiên hoàng đề xuất biến máy bay thành bom, lao xuống tàu chiến và tàu sân bay Mỹ. Và phi đội Thần phong (Kamikaze) ra đời với hầu hết phi công tình nguyện chấp nhận hy sinh. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu một phi công cảm tử không hoàn thành nhiệm vụ và quay về?
Giải pháp táo bạo
Trong 18 tháng đầu tiên của Thế chiến thứ Hai, mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng thuận lợi đối với Nhật Bản. Họ đã đẩy lùi quân Mỹ, thậm chí chiếm luôn cả Philippines vào đầu năm 1942.
Nhưng Mỹ đã lật ngược tình thế bằng thắng lợi quyết định trong trận chiến Midway. Từ đó, tình hình trở nên tồi tệ đối với Nhật Bản, nhất là khi Mỹ chiếm Quần đảo Marshall vào năm 1944. Thiệt hại về tàu chiến và máy bay nhiều đến mức báo động khiến quân Nhật luôn thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của đối phương.
Đến tháng 10 năm 1944, phương cách duy nhất để người Nhật tiếp tục chiến tranh là thực hiện các bước quyết liệt nhằm loại bỏ máy bay và vũ khí của Mỹ, chấp nhận sự thiệt hại cho cả hai bên.
Sĩ quan Hải quân Nhật, Motoharu Okamura, tuyên bố: “Tôi tin rằng, cách duy nhất để xoay chuyển cuộc chiến theo hướng có lợi cho chúng ta là sử dụng các cuộc tấn công bổ nhào bằng máy bay. Sẽ có nhiều tình nguyện viên sẵn sàng hy sinh cứu nước”.
Okamura đã tìm kiếm tình nguyện viên để thực hiện nhiệm vụ này. Rất nhiều phi công Nhật Bản xem việc chết vì Tổ quốc là một vinh dự. Họ trở thành những chiến binh cảm tử và được đất nước cũng như các nhà lãnh đạo dành cho sự tôn trọng cao nhất.
Trước khi cất cánh làm nhiệm vụ, các máy bay được đổ lượng nhiên liệu tối đa nhằm tạo ra một vụ nổ lớn nhất có thể. Vì vậy, những tin đồn phi công được cấp ít nhiên liệu để không thể quay trở về là không đúng. Trong khi chiến thuật này có hiệu quả, gây thiệt hại đáng kể cho các tàu Mỹ, thì quân đội Nhật cũng mất đi phi công và máy bay.
Máy bay của phi đội Thần phong lao xuống tàu chiến Mỹ. |
Những trường hợp trở về
Không phải tất cả thành viên của phi đội Thần phong đều hy sinh. Các phi công trở về sau nhiệm vụ được chia thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên là những người mà máy bay của họ gặp sự cố máy móc, hoặc điều kiện thời tiết cản trở tầm nhìn mục tiêu.
Nếu có lý do rõ ràng, họ sẽ không bị trừng phạt và chuyến bay cảm tử sẽ được lên lịch lại. Nhóm thứ hai gồm những phi công không thể thực hiện nhiệm vụ vì bị kẻ địch phát hiện và được cấp trên cho phép trở về căn cứ.
Ngoài ra, trong nhóm trở về cũng có một số phi công tâm lý không vững. Mặc dù không bị xử tử nhưng họ vẫn bị trừng phạt, đôi khi rất khắc nghiệt và bị gọi là kẻ hèn nhát. Sau đó, những phi công này được đưa vào các đội bay thực hiện nhiệm vụ lần thứ hai. Vì ở trong một phi đội lúc nào cũng bị kiểm soát nên họ không thể tách riêng và trốn tránh.
Tuy thế, cũng có một số phi công do sợ hãi về cái chết vào giây cuối cùng đã liều lĩnh nhảy ra khỏi máy bay trước khi lao xuống mục tiêu, nhưng hầu hết đều thiệt mạng, chỉ một số ít sống sót bị bắt làm tù binh và được thả sau chiến tranh.
Tất cả đều tình nguyện?
Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, nhiều phi công Nhật Bản buộc phải tình nguyện mà không có lựa chọn nào khác. Để trở thành “bom người”, họ chỉ được huấn luyện về cách cất cánh, chứ không phải cách hạ cánh.
Kazuo Odachi là một trong số ít phi công cảm tử Kamikaze sống sót và đã kể lại nhiều chuyện trong hồi ký. Ông viết rằng, các sĩ quan Nhật Bản đã “im lặng sửng sốt” khi được giải thích về nhiệm vụ cảm tử và yêu cầu tình nguyện. Sự lo lắng thể hiện trên từng khuôn mặt, nhưng trước mệnh lệnh của các cấp chỉ huy họ không có cách nào khác.
Odachi gặp may do nhiều phi vụ cảm tử của ông bị hủy bỏ trước khi cất cánh hoặc khi đang ở trên không. Cũng vài lần, ông và đồng đội không tìm được mục tiêu, những lần khác máy bay của ông bị phát hiện và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải quay về.
Ngay trước nhiệm vụ cuối cùng của Odachi, Nhật Bản đã đầu hàng và ông may mắn trở thành một trong số ít phi công Kamikaze sống sót cho đến khi chấm dứt chiến tranh.
Theo cơ quan điều tra về bom chiến lược của Mỹ, hơn 2.500 nhiệm vụ Kamikaze đã được thực hiện. Chỉ khoảng 20 phần trăm các nhiệm vụ này thành công, số còn lại phần lớn bị bắn hạ trước khi máy bay chạm mục tiêu.
Nhiệm vụ Kamikaze đầu tiên xảy ra vào ngày 25 tháng 10 năm 1944, trong trận chiến Vịnh Leyte. Trong trận Okinawa, hơn 1.900 phi công cảm tử Kamikaze được giao nhiệm vụ đâm máy bay vào tàu Mỹ từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1945, số lượng lớn nhất trong bất kỳ trận chiến nào của Thế chiến thứ Hai. Kết quả là hơn 300 tàu Mỹ bị hư hỏng hoặc chìm, gần 5.000 thủy thủ Đồng minh thiệt mạng.