Cựu phi công Hisao Horiyama. Ảnh: Guardian |
Ông Hisao Horiyama lần đầu tiên được biết cách mình sẽ chết thông qua một tờ giấy trắng năm 21 tuổi.
Đó là vào cuối năm 1944 khi quân Đồng Minh dần chiếm thế thượng phong trước Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, các lãnh đạo quân sự của Tokyo quyết định thành lập biệt đội Thần phong, gồm những binh sĩ tận trung, sẵn sàng chết vì chiến thắng của Thiên hoàng. Và ông Horiyama là một trong số đó.
"Bỏ lỡ cơ hội được chết"
Để các đợt tấn công cảm tử thành công, lực lượng không quân và hải quân cần một đội phi công trẻ. Nhiều người trong số họ được điều chuyển từ lực lượng khác và từ các trường đại học tốt nhất của Nhật Bản.
Trước khi được lệnh chuyển sang không quân, ông Horiyama vốn là anh lính trẻ thuộc một đơn vị pháo binh của quân đội hoàng gia Nhật Bản.
Ông cho biết sau khi hoàn thành khóa đào tạo, những thành viên của biệt đội Thần phong nhận được một tờ giấy trắng ghi 3 lựa chọn: tha thiết tình nguyện chết, tình nguyện chết, hoặc rút lui.
Tuy nhiên, khi buộc phải tham gia cuộc chiến giữa Nhật Bản và phe Đồng minh lúc mới 21 tuổi, ông Horiyama hiểu rằng mình chỉ có lựa chọn duy nhất. Không chút do dự, ông chấp nhận việc lái chiến đấu cơ lao vào mạn tàu chiến của Mỹ.
"Khi chúng tôi vừa tốt nghiệp trường đào tạo của quân đội, Thiên hoàng Hirohito đã cưỡi một con ngựa trắng tới thăm đơn vị của chúng tôi. Khi đó tôi nghĩ, đây là dấu hiệu cho thấy ngài sẽ đích thân yêu cầu chúng tôi thực hiện nhiệm vụ", ông kể. "Tôi biết là mình chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài phải chết vì ngài. Thời điểm đó, chúng tôi đều tin rằng, Thiên hoàng và đất nước Nhật Bản là một và giống nhau".
Với hành động tự sát này, ông, cũng như nhiều người khác, sẽ kết thúc cuộc đời của mình trong danh dự là một chiến sĩ ưu tú của Thiên hoàng lúc bấy giờ.
"Chúng tôi không nghĩ nhiều về cái chết. Chúng tôi được huấn luyện để kiềm chế cảm xúc. Thậm chí nếu buộc phải chết, chúng tôi cũng phải tự nhủ rằng, mình chết vì lý do chính đáng. Chết chính là bước cuối cùng để hoàn thành nhiệm vụ và chúng tôi được lệnh không được quay trở về. Chúng tôi biết rằng nếu sống sót trở về, chỉ huy sẽ rất tức giận", ông Horiyama cho hay.
Một máy bay thuộc phi đội Thần phong lượn bên tàu chiến Mỹ năm 1944. Ảnh: AP |
Như mọi phi công được tuyển chọn để làm nhiệm vụ cảm tử, ông Horiyama được viết một chúc thư và một lá thư gửi cho bố mẹ.
"Tôi là một đứa trẻ ngang ngược và hay bị điểm kém ở trường. Tôi nói với bố tôi rằng tôi xin lỗi vì từng là một đứa học sinh kém, xin lỗi vì đã phá hỏng 3 chiến đấu cơ trong quá trình huấn luyện. Và tôi cũng rất tiếc khi cuộc chiến này dường như đang chống lại Nhật Bản. Tôi muốn chứng minh bản thân với ông ấy và đó là lý do tại sao tôi tình nguyện tham gia đơn vị chiến đấu đặc biệt này", ông kể.
"Nhưng mẹ tôi đã rất buồn. Ngay trước khi qua đời, bà nói với tôi rằng bà sẽ không bao giờ tha thứ cho bố tôi nếu tôi tử trận trong đợt tấn công nào đó. Vì vậy, tôi rất cảm kích Thiên hoàng khi ông quyết định đầu hàng".
Nhật Bản vẫn kêu gọi các phi công tham gia nhiệm vụ cảm tử cho đến tận ngày 15/8/1945, ngày hoàng đế Hirohito tuyên bố với những người chịu ảnh hưởng của vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki rằng Nhật Bản đầu hàng.
"Tôi không thể nghe rõ thông báo đó trên đài NHK do tạp âm. Một người bật khóc lớn. Và đó là lúc tôi biết, chúng tôi đã thua trận", ông Horiyama nói.
70 năm trôi qua, ông Horiyama, 92 tuổi, hiện sống với vợ ở Tokyo. Trong phòng khách, ông đặt mô hình của một chiếc chiến đấu cơ bên cạnh kệ sách. Một góc nhà khác lại xếp đầy hộp các-tông với những tấm ảnh đen trắng chụp các phi công của biệt đội Thần phong, những mẩu tin về các cựu chiến binh được cắt ra từ báo hay tạp chí.
"Tôi thấy rất tồi tệ vì không thể hy sinh thân mình cho đất nước. Những đồng đội đã hy sinh của tôi sẽ được tưởng nhớ trong vinh quang, còn tôi đã bỏ lỡ cơ hội để chết theo cách ấy. Tôi có cảm giác như mình đã khiến tất cả mọi người thất vọng".
Thoát chết vào phút chót
Tính đến tháng 1/1945, đã có hơn 500 chiếc chiến đấu cơ Thần phong tham gia nhiệm vụ cảm tử. Con số này ngày càng tăng do nỗi lo sợ rằng Mỹ sẽ chiếm đóng các đảo lớn của Nhật.
Khi chiến tranh kết thúc, hơn 3.800 phi công đã hy sinh. Mặc dù vẫn có những bất đồng về tính hiệu quả của biệt đội Phong thần, những đợt tấn công tự sát như vậy đã giúp Nhật đánh chìm hoặc gây thương vong lớn cho tàu chiến của Mỹ và phe Đồng minh.
Tuy nhiên, không phải phi công nào trong biệt đội Thần phong cũng nhiệt thành trong lý tưởng hy sinh vì Tổ quốc như ông. Khi biết mình được chọn để cho nhiệm vụ cảm tử này, Takehiko Ena đã vô cùng bối rối.
Cựu phi công Takehiko Ena. Ảnh: Guardian |
"Tôi có cảm giác máu đang chảy trên mặt mình. Tôi và những phi công khác đã chúc mừng nhau ngay khi lệnh ban xuống. Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng đó chẳng phải là tin tức đáng để chúc mừng", ông kể.
Ông Ena, 92 tuổi, được đưa vào hải quân khi vẫn còn là cậu sinh viên 20 tuổi học ngành kinh tế tại đại học danh tiếng Waseda ở Tokyo. Ông Ena được cử tới tham gia đội phi công ở Kyushu, hòn đảo lớn ở cực nam của Nhật Bản, hồi tháng 4/1945. Đây là thời điểm biệt đội Thần phong hoạt động mạnh nhất.
Ông được tham gia lái thử nghiệm một chiến đấu cơ gắn một quả bom nặng 800 kg ở khung gầm. Và chiếc máy bay này chỉ có đủ nguyên liệu để bay một chiều.
Đây là một phần trong chiến dịch Kikusui (tạm dịch là hoa cúc), một chiến dịch đánh bom cảm tử tham vọng của Nhật Bản nhằm chống lại tàu chiến của phe Đồng minh trong trận chiến ở Okinawa. Vào thời điểm đó, Okinawa là một trong những chiến trường đẫm máu nhất ở Thái Bình Dương.
Vào giai đoạn cuối của Thế chiến thứ II, Nhật Bản phần lớn sử dụng những chiếc máy bay cũ được tu sửa để thực hiện nhiệm vụ cảm tử. Rất nhiều chiếc máy bay không thể khởi động hoặc gặp sự cố về động cơ trên đường tiến tới mục tiêu. Phần lớn trong số đó đều bị tàu của phe Đồng minh bắn hạ trước khi tiếp cận.
Đây là nỗi tuyệt vọng đối với các lãnh đạo quân sự Nhật Bản nhưng lại là sự cứu rỗi dành cho ông Ena.
Ngày 28/4/1945, ông Ena lái máy bay trên đường băng ở sân bay Kushira, tỉnh Kagoshima, để đi thực hiện nhiệm vụ, nhưng chiếc máy bay không thể cất cánh. Nhiệm vụ thứ hai của ông cũng kết thúc trong thất bại khi ông phải hạ cánh khẩn cấp xuống một căn cứ quân đội do trục trặc về động cơ.
Hai tuần sau đó vào ngày 11/5, ông tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thứ ba cùng với một phi công 20 tuổi và nhân viên truyền tín hiệu 18 tuổi.
"Về bề ngoài, chúng tôi đang phục vụ cho đất nước của mình. Chúng tôi tự nhủ rằng, chúng tôi đã được chọn để hy sinh. Còn tôi chỉ muốn bảo vệ bố mẹ tôi thôi. Lúc đó, chúng tôi đều sợ hãi", ông nói.
Và rồi, động cơ máy bay của ông Ena lại gặp trục trặc, buộc ông phải hạ cánh xuống biển. Ba thanh niên sống sót và bơi vào hòn đảo Kuroshima gần đó. Họ sống ở đó trong hai tháng rưỡi trước khi được một tàu ngầm của Nhật Bản đón đi.
Ông Ena khi còn là thành viên của Thần phong. Ảnh: Guardian |
Ngay sau đó, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng. Chiến tranh kết thúc và nhường chỗ cho định hướng lạc quan về tương lai, dù Nhật Bản phải đối mặt với gánh nặng tái thiết những thành phố bị tàn phá nặng nề và bồi thường chiến phí.
"Chúng tôi cảm thấy buồn cho những người bạn đã hy sinh trong cuộc chiến nhưng chúng tôi cũng cố gắng hình dung xem mình sẽ tái thiết Nhật Bản như thế nào", ông nói.
Khi được hỏi về nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm cho phép quân đội Nhật Bản chiến đấu cùng các đồng minh ở hải ngoại lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II, ông Ena tỏ ra giận dữ.
"70 năm qua chúng tôi được bảo vệ bởi một Hiến pháp luôn hướng tới hòa bình. Tôi rất biết ơn vì chúng ta đã không tiếp tục chiến tranh vào năm 1945. Người Nhật Bản nên hạnh phúc vì điều đó", ông Ena nói.