Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và nhu cầu thu thập, thống kê, xử lý các ca xét nghiệm ngày càng lớn, Trường Đại học Y Hà Nội đã phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trường trong trường (tổ chức đội hình sinh viên) phát động phong trào tình nguyện, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ngay sau khi vừa triển khai thông báo, đã có hơn 60 sinh viên đăng ký tham gia. Tuy nhiên đội hình hỗ trợ lần này chỉ lựa chọn 30 bạn. Đây là những sinh viên đăng ký sớm nhất, được Đoàn thanh niên trực tiếp tuyển chọn, tập huấn và đào tạo làm dụng cụ xét nghiệm và tấm kính chắn giọt bắn.
Chiến dịch tình nguyện lần này chia làm 2 đợt: đợt 1 huy động làm 1000 que lấy mẫu xét nghiệm ngày 9/4, đợt 2 làm 500 tấm chắn giọt bắn phát động bắt đầu vào ngày 11/4. Tất cả sinh viên tham gia đều được giao nguyên liệu và thực hiện tại nhà, đảm bảo không tiếp xúc trực tiếp trong thời gian cách ly.
Bạn Đỗ Mạnh Cầm (sinh viên lớp Y4F), Ủy viên thường vụ Đoàn trường, người trực tiếp phụ trách chương trình cho biết: “Trước đó nhà trường có phát động chiến dịch 100 sinh viên ĐH Y Hà Nội tham gia tuyến đầu chống dịch. Nhưng để đảm bảo về chuyên môn cũng như kinh nghiệm thì chỉ các sinh viên năm cuối được cử đi thôi.
Các bạn còn lại trong đó có mình cũng rất mong muốn được đóng góp cho công tác phòng dịch trên vai trò là 1 nhân viên y tế trong tương lai nên lần tham gia này cũng khá vui và tự hào vì cuối cùng mong muốn ấy cũng đã được cụ thể hóa bằng hành động thực tế. Tất cả tham gia với tinh thần trách nhiệm với công việc được giao”.
Được biết, để làm ra một bộ que thử lấy mẫu xét nghiệm và tấm chắn giọt bắn cần đảm theo các hướng dẫn và tiêu chuẩn do phòng thí nghiệm Đại học Y Hà Nội cung cấp. Một mẫu que thử đạt chuẩn phải có đầu bông gắn thật chặt, còn tấm chắn phải có phần đệm mút ốp lên trán. Nếu kích thước mút quá mỏng, tấm chắn sẽ sát mặt, khó sử dụng, dễ bị mờ khi thở và vướng với người đeo kính.
Đây cũng là thử thách đối với Cầm cũng như nhiều sinh viên khác khi cậu bạn phải tự mầy mò, sáng tạo sản phẩm làm sao có tính ứng dụng cao nhất trong thực tế.
“Que thử làm khó nhất, ban đầu bọn mình bị hỏng rất nhiều. Sau đó có 1 bạn tìm ra cách hơ nóng đầu que và lấy banh kẹp thành các gờ trước khi quấn bông, rồi bạn ấy chia sẻ cho các bạn khác.
Còn tấm kính chắn, bọn mình phải thử nhiều nguyên liệu và các kích cỡ mới làm ra được 1 sản phẩm phù hợp. Các mẫu hướng dẫn trên mạng cho tấm chắn chỉ để áp dụng trong cuộc sống, đi ra đường hay đi chợ xong là tháo ra, không cần đeo lâu, còn tấm chắn để các nhân viên Y tế sử dụng phải đeo nhiều, có khi cả ngày, kích thước không phù hợp sẽ rất khó chịu cho người dùng "- Cầm chia sẻ.
Kết thúc chiến dịch, 30 sinh viên đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu với tổng 1200 mẫu que xét nghiệm và 700 kính chống giọt bắn gửi cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội và Bệnh viện ĐH Y Hà Nội.