Lệch chuẩn về cảm xúc và hành vi
Theo số liệu của ComScore - một trong những công ty dẫn đầu thế giới về đo lường và đánh giá hiệu quả các giải pháp marketing trực tuyến, Việt Nam là nước có số lượng người sử dụng dịch vụ mạng xã hội này tăng nhanh nhất trên thế giới với khoảng 35 triệu người dùng. Con số này đồng nghĩa với việc hơn 1/3 dân số của nước ta đang sở hữu một tài khoản Facebook, trong đó đông đảo nhất có lẽ là bộ phận thanh, thiếu niên.
Bên cạnh những lợi ích vượt trội không thể phủ nhận, mạng xã hội vẫn phát sinh những quan ngại, trong đó biểu hiện thiếu văn hóa, lệch chuẩn của một bộ phận người sử dụng là vấn đề đáng lo ngại.
TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng: Khi sử dụng Facebook, một số thanh niên nhận thức sai lầm cho rằng, mạng xã hội là thế giới ảo, không thật, do đó, họ thường ẩn danh, có xu hướng tự do trong bình phẩm, chia sẻ và bộc lộ quan điểm cá nhân. Họ không chỉ dễ dãi trong cách hành xử trên mạng, mà còn coi mạng xã hội như một công cụ để xả stress, soi mói cuộc sống của người khác và thể hiện cái tôi cá nhân.
Đáng ngại hơn, một bộ phận giới trẻ đang bị cuốn vào mạng xã hội dẫn đến lãng quên cuộc sống thật, có xu hướng đi tìm thú vui qua những dòng bình luận và “câu like”. Thậm chí, để làm việc này, họ sẵn sàng đánh đổi cả nhân phẩm, danh dự, thậm chí cả mạng sống của mình.
Kết quả nghiên cứu “Biểu hiện lệch chuẩn của SV trên mạng xã hội Facebook” do tác giả Hoàng Trung Học và Nguyễn Quỳnh Dung (Học viện Quản lý Giáo dục) cho thấy, những hành vi lệch chuẩn của sinh viên khi sử dụng Facebook xuất hiện phổ biến trên cả 3 phương diện: Nhận thức, cảm xúc, hành vi, trong đó những biểu hiện lệch chuẩn về cảm xúc và hành vi bộc lộ rõ nét hơn cả. Sinh viên có nhiều biểu hiện lệ thuộc vào Facebook, coi đây là nơi bộc lộ thoải mái, không giới hạn những quan điểm và cảm xúc cá nhân.
Chính vì vậy, họ thường biểu lộ cảm xúc thái quá, mất kiểm soát về bản thân về các sự kiện trên mạng. Họ cũng không ngần ngại mắng chửi, dùng lời lẽ xúc phạm người khác một cách phản văn hóa vì những lí do khác nhau.
Nghiện, lệ thuộc Facebook
Bạn Hoàng Thu Trang, 22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) kể lại, có lần lướt qua Facebook của một người bạn học thời phổ thông, thấy bạn viết status với nội dung nói xấu thầy cô giáo. Trang có để lại bình luận góp ý với bạn không nên viết những vấn đề nhạy cảm thế này trên tường cá nhân, thì bị bạn của mình trả lời lại bằng những ngôn từ không hay và chặn Trang ngay sau đó.
Không ít sinh viên có cảm giác lệ thuộc vào Facebook. Họ có cảm giác bứt dứt, khó chịu khi không sử dụng Facebook hằng ngày. Cảm xúc này nếu trở nên phổ biến sẽ làm cho cá nhân phân tán chú ý, mất thời gian. Rõ ràng, thế giới ảo đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống thực của họ.
Bạn Phùng Thanh Nhàn, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) cho biết: “Cứ mỗi buổi sáng đến trường, việc đầu tiên của tôi là lướt một vòng Facebook, vừa là để trả lời những comment từ hôm trước, like các trạng thái, hình ảnh, liên kết mà bạn bè mới đưa lên, rồi mới yên tâm vào học. Nói là yên tâm, nhưng hễ có chuông báo là lại vào Facebook để “chém gió” tiếp. Vì mải mê Facebook, nên rất nhiều lần tôi cũng bị giáo viên nhắc nhở về việc sử dụng điện thoại trong giờ học của mình”.
TS Hoàng Trung Học cho biết, việc rất nhiều sinh viên bị phụ thuộc vào Facebook khiến họ thấy bí bách, phản ứng tiêu cực, đầy bức xúc trước những ý kiến trái chiều; cảm thấy hẫng hụt khi đăng hình ảnh hay trạng thái cảm xúc cá nhân mà không nhận được nhiều lượt like, đang có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc, tâm trạng, hành vi, khả năng chú ý và cả thời gian, thậm chí chất lượng cuộc sống khi sử dụng Facebook. Những biểu hiện lệch chuẩn này đang đẩy họ đến gần với hội chứng nghiện, lệ thuộc Facebook, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và kết quả học tập của các em.
Ngăn chặn hành vi lệch chuẩn
Phân tích về hành vi lệch chuẩn của sinh viên trên Facebook, TS Hoàng Trung Học cho biết: Cuối tháng 2, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip hai sinh viên đánh nhau trong sự cổ vũ nhiệt tình của các bạn cùng lớp. Lý do là sinh viên L đã lên mạng xã hội để nói xấu một người bạn tên là S về một việc xảy ra trước đó. S đã kể lại sự việc cho M nghe. Sau cuộc nói chuyện, 2 sinh viên này xảy ra mâu thuẫn, ghét nhau và liên tục nhắn tin, đưa lên Facebook để nói xấu nhau.
Facebook xuất hiện phổ biến trên cả 3 phương diện: Nhận thức, cảm xúc, hành vi, trong đó những biểu hiện lệch chuẩn về cảm xúc và hành vi bộc lộ rõ nét hơn cả”. TS Hoàng Trung Học
Tới giữa tháng 3, hai sinh viên đã quyết định gặp để “xử lý” nhau ngoài đời thực. Điều đáng nói là, sự việc đã xảy ra nghiêm trọng, trong đó một nhóm sinh viên đã sử dụng hung khí để đánh khiến một nữ sinh khác bị rách mặt
Rõ ràng, hành vi xúc phạm nhau trên mạng là những hành vi lệch chuẩn cần bị lên án vì nó đang ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi ứng xử thực ở thế hệ trẻ, đặc biệt là giới sinh viên.
Thực tế đã có trường hợp các thế lực phản động lợi dụng Facebook như một công cụ để lôi kéo sinh viên chống phá Nhà nước. Đó là những hành vi lệch chuẩn nghiêm trọng cần được ngăn chặn để tránh làm thế giới ảo ảnh hưởng đến sự lành mạnh, an toàn của thế giới thực.
Theo TS Hoàng Trung Học, việc nhận thức Facebook như là công cụ để giải tỏa cảm xúc tiêu cực là khá nguy hiểm, khi người dùng hoàn toàn có thể sử dụng Facebook làm nơi trút giận hoặc bộc lộ không hạn chế những cảm xúc tiêu cực, gây ra những hành vi phản cảm.
Hơn nữa, biểu hiện lệch chuẩn này cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho người sử dụng như: Lệ thuộc vào thế giới ảo, coi Facebook là nơi để xả giận, từ đó làm cho người khác cảm thấy nặng nề, khó chịu. Đó là những biểu hiện lệch chuẩn về mặt nhận thức, cần được điều chỉnh hướng đến sự hợp chuẩn về văn hóa trên thế giới Facebook.