(GD&TĐ) - Một chương trình rất ý nghĩa được Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tổ chức chiều 6/10 giúp các sinh viên có một cái nhìn tổng quan về cuộc hành trình khám phá không gian bao la của con người từ những ngày đầu tiên.
Sinh viên USTH tìm hiểu công nghệ vũ trụ. Ảnh: gdtd.vn |
Đây là hoạt động hưởng ứng tuần lễ thiên văn quốc tế 2013 với chủ đề Exploring Mars, Discovering Earth và chào mừng sự kiện Việt Nam phóng thành công vệ tinh VNREDSat-1.
Chương trình cũng mô tả hành trình tiến đến Hỏa Tinh đầy khó khăn; đồng thời giới thiệu về sự phát triển của công nghệ vũ trụ tại Việt Nam, chia sẻ những thành công đã đạt được trong thời gian qua và mục tiêu phía trước trên chặng đường đưa nền công nghệ vũ trụ Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Thiên văn học - Công nghệ vũ trụ là ngành khoa học đã phát triển từ rất lâu trên thế giới nhưng vẫn còn rất mới mẻ tại Việt Nam. Cách đây hơn 10 năm, một nhóm các bạn trẻ yêu thích khám phá bầu trời đã đặt tiền đề đầu tiên cho việc phát triển bộ môn khoa học này trong cộng đồng sinh viên, học sinh tại Việt Nam.
Sau đó, lần lượt các Câu lạc bộ (CLB) Thiên văn học nghiệp dư ra đời. Nếu như ở Miền Bắc có CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) là đại diện tại Hà Nội, ở Miền Nam có CLB Thiên văn học nghiệp dư thành phố Hồ Chí Minh (HAAC), thì ở Miền Trung có CLB Thiên văn Đà Nẵng (DAC) - trước đây là CLB Thiên văn Bách khoa).
Cùng với sự phát triển của Khoa học - Công nghệ - Giáo dục, cộng đồng thiên văn học cả nước phát triển nhanh chóng, số lượng học sinh, sinh viên tham gia nghiên cứu, tìm hiểu thiên văn học và công nghệ vũ trụ ngày càng nhiều.
Tháng 10/2012, khoa Công nghệ Vũ trụ và Ứng dụng đã khai giảng khóa đầu tiên hệ Master tại Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, ngành công nghệ vũ trụ được đào tạo một cách bài bản theo chương trình tiên tiến đến từ Pháp.
Hải Bình
TIN LIÊN QUAN |
---|