Sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ bằng mọi giá

Nhiều gia đình Trung Quốc sẵn sàng bỏ ra 40.000 USD (khoảng 870 triệu đồng) để cho con cái được du học tại Mỹ.

Sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ bằng mọi giá

Jessica Zhang, 21 tuổi, sinh viên tại tỉnh Giang Tô. Khả năng tiếng Anh của Zhang chỉ ở mức trung bình nên cô không thể tự mình làm hồ sơ xin du học tại Mỹ . 

Vì thế, cha mẹ Zhang đã chi 4500 USD (gần 100 triệu đồng) để thuê người làm đơn xin học, viết bài luận và soạn thư giới thiệu giúp con gái.

Ngoài ra, cha mẹ Zhang cũng bỏ tiền làm thị thực và chọn trường cho con. “Thật rắc rối nếu tôi phải tự làm hồ sơ xin học Đại học bên Mỹ!” – Zhang nói. 

Đến tháng Tám tới, Zhang sẽ sang Mỹ học Đại học. Đến giờ cô vẫn băn khoăn không biết mình có gian lận không và có thể bị trục xuất không?

Giáo dục Mỹ ngày càng hấp dẫn với các sinh viên và cả nhà tuyển dụng. Nhiều công ty “chuộng” bằng cấp tại Mỹ và họ cho rằng, khi đi học tại Mỹ về thì tiếng Anh trôi chảy là một lợi thế. 

Nắm bắt xu thế đó, nhiều phụ huynh quyết định cho con sang Mỹ học. Khi kinh tế Trung Quốc phát triển, các bậc phụ huynh cũng có điều kiện cho con cái đi du học dễ dàng hơn.

Trong tám năm trở lại đây, các Trường Đại học, Cao đẳng tại Mỹ đã thành lập nhiều trung tâm tư vấn, các cơ sở tuyển sinh tại Trung Quốc. Đây là nơi cung cấp, tư vấn thông tin cho các em sinh viên, các bậc phụ huynh về điều kiện tuyển sinh vào các trường Đại học tại Mỹ.

Tuy nhiên, một nghịch lý tại Trung Quốc cho thấy: Phần lớn giáo viên Trung học không biết viết thư giới thiệu bằng tiếng Anh. Và cha mẹ lại cần sự giúp đỡ từ bên thứ ba. 

Không chỉ thư giới thiệu, cả hồ sơ xin học hay bài luận cũng đều phải đi thuê người viết hộ. Zhang nói rằng, tất cả bạn bè của cô đều thuê người ngoài viết bài luận dù biết là sai trái. 

Thậm chí, cô còn chưa từng gặp mặt những người viết thuê nên cô không biết nội dung của bài luận là gì, nội dung của thư giới thiệu như thế nào?...

Sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ bằng mọi giá ảnh 1
Vì muốn con được du học tại Mỹ, những gia đình Trung Quốc sẵn sàng bỏ tiền thuê người làm viết luận hộ, làm giấy giới thiệu hộ.
Marc, một người nói tiếng Anh như người bản địa, hiện đang sống ở Bắc Kinh. Anh là một người chuyên viết bài luận thuê, viết đơn xin học thuê cho các sinh viên trẻ ở Trung Quốc muốn xin vào các trường Đại học ở Mỹ.

Mỗi năm, Marc viết các bài luận cá nhân dựa trên tập hợp các câu hỏi và câu trả lời được đưa sẵn bởi một Trung tâm tuyển sinh. Anh được trả 100 USD cho mỗi bài luận dài 1000 từ. Đến nay, anh đã viết hơn 40 bài. Tuy nhiên, sau đó Marc đã nghỉ việc vì không cần tiền và cũng do cắn rứt lương tâm.

Jon Sanagelo - Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Nghiên cứu giáo dục nước ngoài (Bossa) cho biết, họ đã lập một trung tâm xác minh giúp các trường đánh giá hồ sơ xin học của sinh viên Trung Quốc. Tuy nhiên, việc xác minh, đánh giá cũng gặp rào cản vì các Trung tâm tư vấn thường không hồ sơ gốc của sinh viên.

Hiện cả Trung Quốc chỉ có 400 Trung tâm tư vấn du học được Bộ Giáo dục chứng nhận. Hàng ngàn trung tâm khác đều không có giấy phép. Các trung tâm thường đưa ra mức giá 3000 USD – 40000 USD cho một suất đi học Đại học ở Mỹ, nếu hồ sơ bị trả lại, họ sẽ không hoàn lại tiền.

Sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ bằng mọi giá ảnh 2Các trường hợp gian lận khi bị phát hiện sẽ được xử lý rất nghiêm.

Về phía mình, các trường Đại học tại Mỹ rất bức xúc trước tình trạng sinh viên Trung Quốc làm giả hồ sơ để vào trường. Họ coi đấy là hành vi phá hoại hệ thống giáo dục, phá hoại nỗ lực đào tạo ra những sinh viên xuất sắc của các trường. 

Các trường Đại học tại Mỹ thường có cách để đánh giá tính xác thực các bài luận của sinh viên xin nhập học. Bất kỳ sinh viên nào có ý định gian lận sẽ bị cấm nhập học hoặc trục xuất nếu đã vào trường.


Tuy nhiên, có nhiều trường không cưỡng lại được món lợi khổng lồ từ các sinh viên nước ngoài và sẵn sàng “nhắm mắt” cho qua các trường hợp gian lận.

Năm 2013, sinh viên Trung Quốc đã đóng góp khoảng 8 tỷ USD cho kinh tế Mỹ. Đây là một con số không nhỏ và các trường không muốn bỏ lỡ. 

Cũng từ năm đó, có khoảng 8000 sinh viên Trung Quốc bị đuổi học vì gian lận. Nhưng đó chỉ là một tỉ lệ rất nhỏ so với 270.000 sinh viên Trung Quốc hiện đang theo học tại Mỹ.

Các trường thường có một bài kiểm tra tiếng Anh ngay khi mới vào trường. Cho dù có giả giấy tờ tốt đến đâu thì khả năng thật sự cũng không thể giấu được. 

Nếu bị phát hiện trình độ ngoại ngữ quá kém, sinh viên sẽ phải học phụ đạo nâng cao ngôn ngữ. Đó là một điều đáng buồn mà nhiều sinh viên không muốn phải đối mặt.

Theo afamily.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ