Các thành viên nhóm gồm Võ Hữu Quang Duy, Đỗ Vinh Đường, Nguyễn Đức Minh, Văn Hữu Đạt, Lê Hồng Phước.
Tận dụng bã thảo dược
Trưởng nhóm Võ Hữu Quang Duy cho biết, hiện nay các trại nấm sử dụng mùn cưa làm nguyên liệu chính trồng nấm. Tuy nhiên, nguyên liệu này đang ngày càng khan hiếm và giá cả tăng cao, nên nhu cầu tìm nguồn thay thế cấp thiết. Nhóm đã tìm hiểu và nhận thấy, các nhà máy sản xuất thuốc Đông y mỗi ngày xả ra từ 25 - 30 tấn bã thảo dược và còn phải tốn chi phí từ 20 - 24 triệu đồng để xử lý.
Bã thảo dược là nguồn nguyên liệu tốt để trồng nấm thay thế nguyên liệu mùn cưa “truyền thống”, bởi trong đó có hoạt chất tác dụng kháng viêm, tăng đề kháng, giảm cholesterol. Chính vì vậy, nhóm đã ứng dụng mô hình tuần hoàn, sử dụng bã thảo dược vừa làm “đầu vào” để trồng nấm bào ngư, vừa giúp các nhà máy sản xuất thuốc Đông y giải quyết “rác”.
“Điểm đặc biệt của ý tưởng này là nấm bào ngư sẽ được trồng trên nền thảo dược có hoạt chất tác dụng kháng viêm, tăng đề kháng, giảm cholesterol. Theo ứng dụng mô hình tuần hoàn, nấm bào ngư được trồng ra sẽ có chức năng tương tự. Phôi sau khi thu hoạch nấm sẽ được xử lý để ra phân bón hữu cơ vi sinh”, Duy nói.
Nhóm sinh viên đã tiến hành quy trình công nghệ gồm nhiều giai đoạn. Đầu tiên, bã thảo dược sẽ được vận chuyển về trại nấm để tiến hành xử lý sơ bộ. Ở các giai đoạn sau, nhóm sẽ ủ vật liệu rồi đóng nguyên liệu vào túi, đồng thời hấp khử trùng để cho ra được các bịch phôi nấm từ bã thuốc. Từ đó, nhóm sẽ tiến hành cấy meo, ủ tơ khoảng từ 25 ngày đến 1 tháng và tưới bịch phôi. Cuối cùng sẽ thu được sản phẩm nấm bào ngư thảo dược.
Nấm bào ngư thảo dược của nhóm bán trên các sàn thương mại điện tử. |
Phát triển nấm giàu dược tính
Áp dụng công nghệ bảo lưu dược chất bên trong dược liệu và chuyển dược chất từ bã dược liệu vào bên trong nấm, sau nhiều lần thử nghiệm đã được Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) và Công ty CP Dịch vụ KHCN Thế Kỷ Mới đánh giá đạt tiêu chuẩn.
Đến nay, nhóm đã cung ứng phôi cho nhiều trại trồng nấm, phân bón cung cấp cho nông dân ở tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và sản phẩm nấm bào ngư được bán nhiều trên các trang mạng xã hội.
Bên cạnh đó, để việc trồng nấm bào ngư thành công, nhóm Duy đã áp dụng chuyển đổi số bằng công nghệ trồng khép kín với những thiết bị như: Máy xay bã thuốc, hấp khử trùng phôi nấm, hệ thống thông gió, phun sương và máy đóng phôi nấm.
“Điều quan trọng giúp nấm bào ngư phát triển là các yếu tố về dinh dưỡng, pH nhiệt độ và ánh sáng xung quanh. Từ đó tích hợp IoT vào công nghệ nuôi trồng, giúp kiểm soát chặt chẽ về môi trường trồng nấm. Hệ thống được trang bị các cảm biến riêng biệt nhằm lấy đúng thông số và chính xác nhất”, Quang Duy nói.
Nhận định về sản phẩm của nhóm, ThS Trần Thành, chuyên viên nghiên cứu Viện Ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành), cho hay dự án mang tính bảo vệ môi trường cao và hướng đến sự phát triển bền vững.
Giúp giữ và chuyển hóa những thành phần dược tính như polysaccharide và saponin với công dụng kháng viêm, tăng đề kháng, giảm cholesterol của bã thảo dược sang nấm bào ngư.
ThS Trần Thành nhận định, đây là một dự án với ý tưởng khá mới khi phát triển cây nấm trên nền thảo dược, điều này không chỉ mang lại dinh dưỡng cao hơn, mà còn làm tăng giá trị cho nấm bào ngư.
Thị trường có nhiều loại nấm dược liệu, trong đó nấm bào ngư có sức cạnh tranh kém. Sản phẩm của nhóm giúp nấm bào ngư gia tăng giá trị và sức cạnh tranh. Nấm trồng trên bã dược liệu có thể thấp thụ dưỡng chất trong dược liệu nên cho chất lượng cao.
Sinh viên Nguyễn Đức Minh, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, sau Covid-19, các mặt hàng chăm sóc sức khỏe được người dùng tìm đến nhiều. Hiện sản phẩm mới chỉ được sản xuất tại phòng thí nghiệm của nhà trường. Tương lai nhóm sẽ tìm nhiều bã thuốc khác nhau để cho ra các sản phẩm mới, có thành phần phong phú để tạo ra các nguồn nấm dinh dưỡng giá trị cao.