Sinh viên trải lòng về những “điểm tựa” giữa mùa dịch

GD&TĐ - Hai năm kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19, sinh viên dường như đã dần quen với những phương pháp học tập mới, vượt qua những khó khăn không thể đến trường.

Mỗi sinh viên đều có những băn khoăn khi sắp ra trường.
Mỗi sinh viên đều có những băn khoăn khi sắp ra trường.

Tuy nhiên, khi mà thời gian còn lại trên giảng đường đại học không còn nhiều, các bạn bắt đầu phải đối mặt với nhiều nỗi lo lớn hơn.

Trăn trở trước con đường lập thân, lập nghiệp

Trên thực tế, ngay cả khi không tồn tại đại dịch Covid-19, vấn đề học tập và việc làm vẫn luôn là một nỗi lo âu thường trực ở các bạn sinh viên năm ba, năm tư đang sắp sửa bước vào đời. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Covid-19 có xu hướng làm các bạn sinh viên gia tăng tình trạng lo lắng về việc làm theo chiều hướng nghiêm trọng và tiêu cực hơn, bắt nguồn từ những nguyên nhân như việc tốt nghiệp muộn hơn so với dự kiến hay thị trường lao động bị thu hẹp do các doanh nghiệp hạn chế tuyển dụng cũng đều là những trăn trở lớn trong giai đoạn này.

“Mặc dù đã trải qua gần 4 năm trên giảng đường đại học, nhưng cũng giống như rất nhiều các bạn khác, mình vẫn còn rất mông lung về tương lai của bản thân. Mình thích gì? Điểm mạnh của mình là gì? Mình muốn làm gì?” - Bạn Phạm Nữ Tâm (sinh viên Đại học Ngoại thương) đã tự đặt những câu hỏi này cho bản thân rất nhiều lần, nhưng mọi thứ vẫn như vô định.

Việc nhận ra mình sắp ra trường, sắp phải gia nhập thị trường lao động và cần đẩy nhanh hơn việc tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân càng khiến Tâm cảm thấy lo lắng hơn.

Còn Nguyễn Thị Mai Uyên – sinh viên năm 4 Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội thì đang gặp phải những trăn trở và không biết “Liệu mình có đang đi đúng hướng không? Mình nên tiếp tục chọn ngành này hay chuyển hướng sang ngành khác?”, nhất là khi thị trường lao động ngày càng cạnh tranh do ảnh hưởng bởi COVID-19.

Nguyên nhân lớn nhất có lẽ vì không phải ai cũng có tâm thế sẵn sàng để bước ra đời, dù ở thế hệ nào, có dịch hay không thì nỗi lo âu ấy vẫn xuất hiện. Câu chuyện việc làm là mối lo không chỉ của sinh viên mà cả những người đang làm ở các doanh nghiệp. Thời kỳ nghỉ dịch chính là khoảng thời gian lý tưởng để các bạn sinh viên chủ động rèn luyện kiến thức, kỹ năng chuyên môn nhằm nâng cao hơn nữa trình độ nhân lực của mình.

Hành trình DynaGen Mentoring nhìn lại – những bài học vô cùng quý giá

Diễn ra từ tháng 6/2021, chương trình “Cố vấn nghề nghiệp – DynaGen Mentoring” được xây dựng dành riêng cho sinh viên DynaGen Initiative khóa II, với mục đích giúp các bạn sinh viên có một định hướng rõ ràng về con đường nghề nghiệp của bản thân, tiếp cận nhiều cơ hội, môi trường trải nghiệm thực tế về ngành nghề của mình thông qua hoạt động kết nối Mentor (Cố vấn) - Mentee (Người được cố vấn). Chương trình do Sáng kiến hỗ trợ sinh viên – DynaGen Initiative phối hợp thực hiện cùng Mentori Việt Nam.

Mỗi sinh viên DynaGen đã có tối đa 3 phiên cố vấn 1:1 và 3 buổi hội thảo trực tuyến cùng các Mentor dày dặn kinh nghiệm: Hội thảo trực tuyến “Tìm kiếm công việc bạn yêu thích” với sự tham gia của anh Nguyễn Quý Tiến - Founder Mentori Vietnam, Hội thảo “Làm sao để có một buổi Mentoring hiệu quả” với sự tham gia của chị Trần Thị Thùy Linh - Marketing Manager tại Mentori Vietnam và Hội thảo trực tuyến cuối cùng mang tên “Tư duy phát triển - Bắt đầu cho sự thành công” với sự tham gia của diễn giả Lê Quang Anh - Giám đốc Quản trị Chiến lược tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam.

Đây là cơ hội hiếm có để sinh viên được Mentor chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và giải đáp những thắc mắc liên quan đến nghề nghiệp mà các bạn đang hướng tới.

Trải qua hơn 2 tháng tham gia chương trình, mỗi bạn sinh viên đã tự giải tỏa được những băn khoăn bấy lâu nay của bản thân, tìm được cho mình những “điểm tựa” về cả tinh thần và tri thức.

Sinh viên trải lòng về những “điểm tựa” giữa mùa dịch ảnh 1
Sinh viên trải lòng về những “điểm tựa” giữa mùa dịch ảnh 2
Sinh viên trải lòng về những “điểm tựa” giữa mùa dịch ảnh 3

“Sự bùng nổ của nguồn lao động, cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid kéo dài, sẽ mang đến những khó khăn nhất định đối với thế hệ sinh viên Gen Z. Tuy nhiên, không nên vì những thách thức đó, mà các bạn lại hoảng sợ, hoặc chùn bước. Hãy trang bị kĩ năng, và năng lực cho bản thân để có tâm thế sẵn sàng nhất khi bước vào thị trường lao động.

Các bạn hãy luôn giữ cho mình lửa nhiệt huyết, trang bị cho bản thân các kỹ năng có thể chuyển đổi (transferable skills), chủ động tìm kiếm người cố vấn, hỗ trợ (mentors, coaches…) để được trợ giúp cần thiết để lấp các lỗ hổng về kiến thức, kĩ năng, cũng như định hướng nghề nghiệp”, chị Bùi Thị Huyền Tâm - một trong những Mentor của DynaGen Mentoring, Finance Manager tại China Huadian Engineering Co., Ltd chia sẻ lời khuyên dành cho sinh viên DynaGen nói riêng và thế hệ Gen Z nói chung.

Tiếp tục sứ mệnh của những “điểm tựa”

Sáng kiến Hỗ trợ Sinh viên - DynaGen Initiative là chương trình lớn và dài hạn do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt khởi xướng, nhằm phát triển tài năng trong sinh viên và hỗ trợ sinh viên - thanh niên lập thân/lập nghiệp thông qua hoạt động tập huấn, hội thảo, tọa đàm, thực tập/thực hành,...

Trong năm thứ 2 của Dynagen Initiative, sinh viên được tham gia chương trình huấn luyện được cải tiến với nhiều điểm mới hấp dẫn hơn như “Chinh phục nhà tuyển dụng”, “Hoàn thiện để thành công”, “Trở thành người lãnh đạo”, Khai vấn nghề nghiệp, “Cố vấn nghề nghiệp – DynaGen Mentoring”... giúp sinh viên hoàn thiện các kỹ năng mềm, nâng cao năng lực học tập và làm việc hiệu quả.

Với sự đồng hành cùng Mentori Việt Nam trong chương trình DynaGen Mentoring đã góp phần tạo nên những thành công trên hành trình năm thứ 2 của DynaGen Initiative.

“Quỹ Vì Tầm Vóc Việt nói chung và dự án Dynagen Initiative nói riêng đều có những ảnh hưởng rất tích cực trong lĩnh vực giáo dục và có những hoạt động vô cùng ý nghĩa dành cho sinh viên. Nhận thấy được điểm chung trong giá trị này, Mentori đã lựa chọn Dynagen là đơn vị đồng hành với mong muốn góp phần phát triển tài năng của sinh viên và hỗ trợ sinh viên trong con đường định hướng bản thân.

Không chỉ với chương trình này, trong thời gian tới, Mentori mong muốn có thể lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng trong thời buổi dịch bệnh khó khăn, đồng thời tạo ra cơ hội cho các bạn sinh viên trẻ tham gia hoạt động coaching - một hoạt động chưa quá phổ biến ở Việt Nam nhưng đang nằm trong nhóm các ngành phát triển nhanh nhất thế giới.” – Nguyễn Quý Tiến - Founder Mentori Vietnam chia sẻ.

Covid-19 chỉ là một trong vô vàn “phép thử” cuộc đời, chọn lựa cúi đầu cam chịu hay chủ động đương đầu tất cả phụ thuộc vào bản lĩnh của mỗi sinh viên. Với sự hỗ trợ từ các tổ chức như DynaGen Initiative, Mentori Việt Nam, các bạn sinh viên sẽ vững vàng hơn trước lựa chọn cho tương lai sắp tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...