Sinh viên tình nguyện đứng lớp tình thương

GD&TĐ - Hè năm nay, nhiều sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải phân hiệu TPHCM không về quê mà ở lại làm thêm, kiếm thu nhập lo cho năm học mới.

“Cô giáo” sinh viên hướng dẫn bài cho học sinh.
“Cô giáo” sinh viên hướng dẫn bài cho học sinh.

Công việc ban ngày bận rộn nhưng chiều tối các em lại đến với lớp học tình thương tại khu phố Long Bửu, phường Long Bình (thành phố Thủ Đức, TPHCM) để dạy chữ, dạy tính cho trẻ em nghèo.

Ngày làm thêm, tối dạy trẻ nghèo

Như thường lệ, hết giờ làm việc tại một quán cà phê trên địa bàn TP Thủ Đức, Nguyễn Tiến Huy, sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải phân hiệu TPHCM vội vã lót dạ ổ bánh mì để kịp đến lớp học tình thương khu phố Long Bửu giảng bài. Đây là năm thứ 3 nam sinh không về quê dịp hè như nhiều bạn khác mà quyết định ở lại TPHCM đi làm thêm và giảng dạy tại lớp học đặc biệt.

Ở lớp học tình thương khu phố Long Bửu, Huy phụ trách dạy lớp 1. Dù là lớp bé nhất nhưng ngoài các em nhỏ từ 6 - 8 tuổi còn có những học trò lớn hơn Huy gần chục tuổi. Trong lớp cũng có những trò chậm tiến nên việc truyền đạt kiến thức tương đối vất vả. Nguyễn Tiến Huy chia sẻ, những ngày đầu tham gia giảng dạy, bản thân khá bỡ ngỡ vì chưa đứng lớp bao giờ. Tuy nhiên sau gần 1 tháng làm quen, nam sinh đã tự tin mỗi khi lên lớp giảng dạy.

Huy cho biết: “Gia đình em ở quê làm nông nên cuộc sống không khá giả. Vì vậy, từ năm nhất em đi làm thêm, giúp giảm đi một phần trợ cấp hàng tháng từ bố mẹ. Suốt những năm qua, để việc học không bị ảnh hưởng, hàng tuần em đều lên kế hoạch cụ thể cho việc đến trường cũng như làm thêm và tham gia giảng dạy ở lớp học tình thương. Dạy ở lớp học tình thương là trải nghiệm thú vị nhất của em thời sinh viên”.

Tương tự Huy, sinh viên Nguyễn Thị Hòa quê Quảng Bình cũng là một trong những “giáo viên” gắn bó với lớp học đặc biệt từ những ngày đầu vào TPHCM nhập học. Hè này, ban ngày Hòa làm thêm ở một quán trà sữa gần trường, chiều tối lại đến lớp học tình thương. Mỗi khi lên lớp, thấy học sinh đến lớp đầy đủ, tíu tít chào, vào giờ học lại say sưa con chữ, bao mệt mỏi trong Hòa như tan biến.

“Có lúc cả chục em vây quanh, nào hỏi bài, tập viết, tập đọc, giải toán… mệt không tả nổi. Nhưng thấy các em tiến bộ, lễ phép, ngoan ngoãn thì em hiểu công sức mình bỏ ra đã được đền bù. Em luôn mong sau khi hoàn thành chương trình tiểu học ở lớp học tình thương, các em nhỏ sẽ tiếp tục học lên để có một tương lai tươi sáng”, Hòa chia sẻ.

Giờ học của trẻ tại lớp học tình thương khu phố Long Bửu.

Giờ học của trẻ tại lớp học tình thương khu phố Long Bửu.

Nỗ lực truyền con chữ

Lớp học tình thương tại khu phố Long Bửu được anh Trần Lâm Thắng, trú ở phường Long Bình thành lập đến nay đã hơn 12 năm, hiện có 80 học sinh theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Thời gian học từ 18 giờ đến 20 giờ 30 phút từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần. Học sinh theo học đa phần là con em của những phụ huynh đến đây làm công nhân, buôn bán nhỏ, bán vé số...

Các em không có điều kiện đến học tại các trường công lập. Hiểu hoàn cảnh của những đứa trẻ nên hàng năm mọi dụng cụ học tập, sách, vở và đồng phục đều được anh Thắng và các bạn sinh viên vận động mạnh thường quân hỗ trợ.

Những năm đầu thành lập, công việc giảng dạy do anh Thắng hoàn toàn phụ trách nhưng năm 2015, biết đến lớp học đặc biệt này nhiều thế hệ sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải phân hiệu tại TPHCM đã đến hỗ trợ.

Nguyễn Mạnh Hoài, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tình nguyện Handmade (Trường Đại học Giao thông Vận tải, phân hiệu TPHCM) chia sẻ: “Câu lạc bộ là nơi tập hợp các bạn sinh viên tình nguyện tham gia giảng dạy tại lớp học tình thương. Suốt thời gian qua, thế hệ này ra trường thì sinh viên khác tiếp nối. Dù mỗi người một ngành học, quê hương và hoàn cảnh khác nhau nhưng tất cả đều mong muốn truyền đạt kiến thức giúp các em nhỏ biết đến con chữ, phép tính”.

Cũng theo chia sẻ của Hoài, ở lớp, mỗi học sinh là một câu chuyện, hoàn cảnh đáng thương. Xuất phát điểm các em đều là những đứa trẻ khó dạy, chậm phát triển, nhiều em không có trọn vẹn tình thương gia đình, nhưng đến với lớp, tất cả đều lễ phép, ngoan ngoãn. Ngoài học văn hóa, các em còn được dạy kỹ năng sống để tự bảo vệ bản thân như chống xâm hại tình dục, ma túy, bạo lực gia đình...

“Sinh viên tham gia giảng dạy tại đây đều yêu thương và quý mến các em nhỏ. Nhiều bạn tâm niệm, sau khi ra trường nếu có điều kiện ở lại và làm việc tại TPHCM hay về các tỉnh công tác vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành với lớp học đặc biệt này”, Hoài tâm sự.

Chia sẻ về những “thầy giáo” sinh viên, em Mỹ Ngọc (sinh năm 2007), vừa học xong lớp 5 tại lớp học tình thương cho biết: “Các thầy cô dạy rất ân cần và mang đến nhiều kiến thức bổ ích. Thời gian qua, nhờ có thầy cô nhiệt tình chỉ dạy mà em đã đọc viết, tính toán thành thạo. Em đã hoàn thành chương trình học ở lớp học tình thương và đang tìm hiểu để đi học một nghề phù hợp, mong mai này có tương lai tươi sáng hơn”.

Anh Trần Lâm Thắng cho biết: “Từ ngày có các tình nguyện viên là sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải phân hiệu TPHCM, công việc của tôi được giảm tải rất nhiều. Nhờ có các bạn tình nguyện, chất lượng giảng dạy và khả năng tiếp thu bài của các em tiến bộ hơn trước. Đặc biệt, các bạn có nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa sôi nổi, thiết thực, thu hút đông đảo các em nhỏ tham gia”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiên liệu hàng không từ thực vật có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong việc giảm lượng khí thải carbon.

Cuộc cách mạng nhiên liệu hàng không

GD&TĐ - Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Washington (WSU, Mỹ) có thể đã tìm ra cách biến chất thải nông nghiệp thành nhiên liệu hàng không.

Tác phẩm 'Hải Phòng những đêm không ngủ' của Vũ Văn Lâm (Hải Phòng) - Huy chương Vàng thể loại hiện thực. Ảnh: BTC

Thưởng lãm ảnh nghệ thuật xuất sắc

GD&TĐ - Sau Hà Nội, Triển lãm Ảnh nghệ thuật Việt Nam năm 2024 sẽ tiếp tục được trưng bày tại tòa nhà số 15 Lê Lợi, TP Huế từ 25/10 đến ngày 3/11.