Nhiều năm qua, người dân phường Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội đã quen thuộc với hình ảnh một bà giáo hàng ngày đi xe ôm đến Nhà văn hóa khu dân cư số 2 để dạy một lớp học đặc biệt có tên "Lớp học linh hoạt" với học sinh là những đứa trẻ khuyết tật, lang thang cơ nhỡ.
Lớp học của bà giáo Côi năm nay có 24 học sinh, học sinh bé nhất là 7 tuổi và học sinh lớn nhất đã 35 tuổi. Đây đều là những học sinh khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn đến từ nơi trong quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng.
Bà giáo và lớp học đặc biệt |
Các em học sinh ở lớp học linh hoạt sẽ được học một chương trình riêng tùy theo trình độ của mỗi bạn. Vì vậy, lớp được chia thành từng tốp: lớp 1, lớp 2, 3, 4… Cũng có khi thì các bạn lớp trên sẽ kèm các bạn lớp dưới nếu đủ khả năng.
Sau khi tốt nghiệp lớp học, nhiều học sinh có lực học tốt sẽ được bà Côi giới thiệu đi học các lớp học có trình độ cao hơn tại trung tâm giáo dục thương xuyên hoặc đi học nghề.
Ngoài học chữ, học sinh của bà giáo Côi còn được học về kĩ năng sống, về các ứng xử với mọi người xung quanh. Học sinh nam được bà dạy cho cách sửa sang các đồ dùng trong nhà, hay cách nấu cơm, cách đi chợ..
Bà giáo rèn nét chữ cho học trò |
Còn học sinh nữ, những bài học đối với những học sinh khuyết tật đơn giản chỉ là cách vệ sinh thân thể, kèm những bài học về giới tính. Bà Côi luôn nhắc các con rằng hãy trải rộng lòng để đón nhận cuộc sống, phấn đấu vì tương lai tốt đẹp hơn.
Hầu hết học sinh trong lớp học linh hoạt của bà giáo Côi đều thích đi học và đi học rất đều vì các con coi đi học là một niềm vui lớn. Đến đây không chỉ được học chữ mà còn được thụ hưởng những tình thương yêu của bà giáo, của những bạn bè cùng cảnh ngộ.
Bà Côi chấm điểm cho học trò |
Ngày trước, bà giáo Côi từng là Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, và cũng là người tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Từ năm 1994, bà đã tham gia các dự án giáo dục dành cho trẻ em nghèo, trẻ em lang thang cơ nhỡ, khuyết tật.
Lớp học của bà Côi cũng đã từng nhiều lần chuyển địa điểm, từ ngõ Giếng Mứt phố Bạch Mai, đến ngõ Hoàng Mai rồi bây giờ là tại Nhà văn hóa khu dân cư số 2 phường Tân Mai (Số 20 ngõ 531 đường Trương Định, Hà Nội).
25 năm gắn bó với lớp học tình thương, có quá nhiều kỷ niệm khiến bà không thể nào quên. Bà nhớ lại, có HS có khi đang học thì bệnh tình tái phát, đột nhiên ngất xỉu, động kinh, la hét. Những lúc đó, bà thành một bác sĩ, xem xét biểu hiện của bệnh rồi mua thuốc, xoa bóp, bấm huyệt cho các em tỉnh lại.
Nhà văn hóa khu dân cư số 2 phường Tân Mai, nơi đặt lớp học tình thương của bà giáo Côi |
Nhiều em trước kia chưa đi học nghịch ngợm, ngỗ ngược nhưng khi được bà giáo giảng giải, chỉ bảo tận tình, “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng, bà đã cảm hóa các em thành người ngoan ngoãn, biết giúp đỡ người khác.
Chứng kiến học trò của mình đổi thay và nỗ lực sống tốt hàng ngày chính là động lực giúp bà giáo Nguyễn Thị Côi vượt qua mọi gian nan và gắn bó cả cuộc đời với lớp học đặc biệt của mình.
"Phần thưởng lớn nhất đối với tôi là sự tiến bộ của các con. Nhờ học chữ, nhiều con đã có cuộc sống tốt hơn, thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn. Nhờ lớp học này, các con đã biết đọc, biết viết, thậm chí có 2 học sinh từ không biết chữ đã học lên đến trình độ đại học. Đó là niềm vui không gì có thể so sánh được"- Bà Côi bộc bạch.