Bà giáo Đất mũi hết lòng với lớp học tình thương

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhằm sẻ chia với những trẻ nghèo, kém may mắn, cô giáo về hưu Lê Thị Bích Thủy (huyện Cái Nước, Cà Mau) đã mở lớp học tình thương và tận tụy gieo chữ gần chục năm qua.

Cô Thủy chuẩn bị quà cho các em trước khi ra về.
Cô Thủy chuẩn bị quà cho các em trước khi ra về.

Lớp học từ tâm

Xót xa trước hoàn cảnh trẻ nghèo, kém may mắn, mong muốn truyền cái chữ cho các em, từ năm 2013 cô Lê Thị Bích Thủy (65 tuổi, nguyên giáo viên Trường Tiểu học Thạnh Phú 1, Cái Nước, Cà Mau) quyết định mở lớp học tình thương.

Trong ngôi nhà ở con hẻm nhỏ tại ấp Tân Hòa, xã Thạnh Phú, 9 năm qua cô Thủy vẫn âm thầm gieo từng con chữ cho trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh không may.

Kể về những ngày đầu mở lớp, cô Thủy cho biết: “Tôi luôn trăn trở về hoàn cảnh của những đứa trẻ nghèo, kém may mắn. Bọn trẻ có đứa tới tuổi đến trường, có đứa hơn 10 tuổi nhưng vẫn không đi học. Tất cả cũng vì nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Là người biết chữ nên bản thân muốn truyền đạt hiểu biết của mình cho các em. Vì vậy, tôi quyết tâm mở lớp học tình thương này”.

Thời gian đầu, lớp cô Thủy chỉ có một vài em nhỏ đến học, cơ sở vật chất tạm bợ, có khi cô phải mượn nhà dân để dạy. Có hôm các em phải để tập học và viết bài trên lan can, còn cô Thủy thì mượn cánh cửa nhà vệ sinh làm bảng viết.

Cô tâm sự: Điều khó khăn nhất thời điểm đó không phải về cơ sở vật chất mà đó là sự quan tâm từ gia đình. Cha mẹ của các em vì cuộc sống mưu sinh, ít chữ thậm chí có người không biết chữ nên không quan tâm đến việc học hành của con. Để học trò thích đến lớp, nhiều hôm cô còn nấu hủ tiếu cho các em ăn.

Năm 2019, tình cờ biết được những khó khăn về cơ sở vật chất của lớp nên anh Phạm Thanh Sang (ấp Tân Hòa, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, Cà Mau) quyết định cho cô Thủy mượn căn phòng còn trống của nhà mình.

“Vì lớp có đối tượng học đặc biệt, chênh lệch nhau về độ tuổi, nhận thức và có cả tình trạng em vào học trước, em vào học sau nên cô phải uyển chuyển hơn trong cách dạy. Mỗi buổi lên lớp, tôi chia lớp thành hai nhóm theo vị trí bảng học hai bên. Một bên dành cho các bạn đọc chữ, một bên cô dạy Toán và một nhóm dành cho các bạn ngày đầu đến lớp”.

Cô Lê Thị Bích Thủy

Anh Sang chia sẻ: “Tôi tình gặp và biết cô Thủy mở lớp học tình thương dạy cho những đứa trẻ nghèo, bệnh tật, kém may mắn trong xóm. Tôi rất cảm động. Đặc biệt, khi thấy được những khó khăn về cơ sở vật chất của lớp học, tôi quyết định cho cô mượn căn phòng trống và lo tiền điện nước cho lớp.

Sau đó nhiều đoàn thiện nguyện, nhà hảo tâm có thiện ý muốn hỗ trợ xây dựng phòng học tươm tất hơn nên tôi quyết định cho cô và lớp học mượn khoảng đất trống để xây phòng học với thời hạn 10 năm. Tôi muốn góp chút ít vật chất, vì thương tụi nhỏ và rất cảm phục tấm lòng của cô Thủy”.

Giờ học của lớp tình thương.

Giờ học của lớp tình thương.

Hành trình không mệt mỏi

Dù ngày nắng hay ngày mưa, cứ đều đặn từ 14 giờ đến 15 giờ 30 phút các ngày thứ Tư, thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, trẻ nhỏ lại ôm tập sách tới lớp nghe cô Thủy dạy. Trong gian nhà rộng khoảng 20m2 được các nhà hảo tâm tài trợ, có hơn chục em nhỏ cặm cụi nắn nót từng con chữ, nhẩm đi nhẩm lại bảng cửu chương.

Đối tượng học của lớp rất đặc biệt. Ngoài những em có hoàn cảnh nghèo còn có những em vừa nghèo, vừa mang trong mình bệnh tật bẩm sinh như chân đi đứng không vững hoặc thiểu năng trí tuệ. Thậm chí có những đứa trẻ cha mẹ ly hôn, mất cha hoặc mất mẹ phải sống với ông, bà.

Ông Nguyễn Khắc Nhu, ông ngoại của bé Nguyễn Chí Nguyện chia sẻ: “Mẹ mất, ba thì bỏ đi, tôi nuôi cháu từ nhỏ tới giờ. Nhà tôi nghèo nên không có điều kiện cho cháu đi học”.

Học trò lớp tình thương có độ tuổi từ bảy đến mười bảy tuổi. Vì vậy, mỗi đem có khả năng tiếp thu và ghi nhớ khác nhau, nên cô không soạn giáo án chung cho cả lớp, mà uyển chuyển cách dạy theo từng em.

Để động viên, khích lệ tinh thần học tập, cô Thủy luôn chuẩn bị phần quà khi trẻ có tiến bộ trong học tập. Đó có thể là sữa, tập, xà bông... do nhà tài trợ tặng. Cô Thủy xúc động chia sẻ: “Lớp có em bị thiểu năng trí tuệ nên việc học rất khó khăn, có một chữ nhưng học mãi không nhớ. Nghe em bảo "con học không ngủ luôn cô nhưng con vẫn chưa nhớ", thấy thương vô cùng. Đó cũng chính là động lực để tôi cố gắng”.

Chị Lê Thị Nữa, phụ huynh em Lê Thùy Dương cho biết: “Bé Dương bị bệnh bẩm sinh, trí nhớ kém nên vào lớp 1 nhưng không học được, tôi cho bé nghỉ học. Năm nay bé 17 tuổi mà không biết chữ. Thế nhưng khi đến lớp học của cô giáo Thủy thì học được và viết chữ rất đẹp. Tôi biết ơn cô giáo Thủy rất nhiều”.

Lớp học tình thương của cô Thủy luôn mở rộng vòng tay.
Lớp học tình thương của cô Thủy luôn mở rộng vòng tay.

Ngoài dạy cho các em biết chữ, cô Thủy còn dạy thêm kỹ năng sống, cách ứng xử, đạo đức... Ngoài ra, đối với những em nữ, cô còn dạy nghề may với mong muốn sau khi rời lớp học, các em biết chữ, có nghề để tự nuôi sống bản thân.

Các thế hệ học trò đi qua, cô Thủy rất tự hào khi các em đã biết chữ, có những em còn có thêm nghề may phụ giúp gia đình sau khi có chồng; có em hiện làm nghề sửa xe ôtô tại TPHCM.

Dù tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng kém nhưng với tình yêu thương vô bờ bến dành cho các em nghèo, khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, cô vẫn hàng ngày cố gắng, nỗ lực dìu dắt các em vươn lên. "Chỉ mong các em có chút tri thức, thay đổi cuộc đời, có tương lai tươi sáng hơn", cô Thủy bày tỏ.

“Tôi hy vọng mình có sức khỏe tốt để có thể dạy lâu hơn; hy vọng lớp ngày càng được sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng, được nhiều thầy cô giáo tình nguyện đến lớp dạy, để lớp được duy trì, phát triển hơn”, cô Bích Thủy bộc bạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ