Sinh viên tiếp cận tình huống thực tế về quản lý dự án xây dựng

GD&TĐ - Sinh viên ngành Quản lý dự án, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã được các chuyên gia trong ngành chia sẻ kinh nghiệm từ các tình huống thực tế.

Các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm về quản lý dự án xây dựng sẽ giúp Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cập nhật các kiến thức thực tế vào bài giảng.
Các ý kiến trao đổi tại Tọa đàm về quản lý dự án xây dựng sẽ giúp Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cập nhật các kiến thức thực tế vào bài giảng.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, ĐHĐN cho biết: “Quản lý dự án có vai trò rất quan trọng khác nhau. Với những dự án xây dựng thường xuyên phải đối mặt với những thay đổi, phát sinh, điều kiện khó khăn không lường trước được, thì năng lực và vai trò của người quản lý dự án lại càng đóng một vai trò chính yếu cho sự thành công của dự án".

Với mục tiêu đưa kiến thức, kỹ năng thực tế và kinh nghiệm hành nghề quản lý dự án xây dựng vào nhà trường, Khoa Quản lý dự án đã phối hợp và tổ chức tọa đàm “Quản lý dự án xây dựng”. Các diễn giả khách mời ở góc độ quản lý nhà nước, góc nhìn chuyên gia, và kinh nghiệm nhà thầu sẽ giúp sinh viên nắm được yêu cầu công việc, chuẩn bị tốt kỹ năng, kiến thức đáp ứng những đòi hỏi của thực tế.

Bên cạnh các tham luận, các nhà quản lý, kỹ sư xây dựng đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến công việc thực tế của người làm quản lý dự án xây dựng.

Bên cạnh các tham luận, các nhà quản lý, kỹ sư xây dựng đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến công việc thực tế của người làm quản lý dự án xây dựng.

TS. Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, người làm quản lý dự án xây dựng phải được đào tạo, trang bị cũng như phải tự học, tích lũy nhiều kinh nghiệm thì mới làm tốt vai trò điều hành ngay từ đầu dự án, biết tuân thủ trình tự các bước thủ tục để bị trả hồ sơ khi phê duyệt, ảnh hưởng tiến độ, sau đó biết vận hành trơn tru, chặt chẽ đối với dự án, không để xảy ra thất thoát, kém chất lượng. Người hành nghề quản lý dự án xây dựng phải am hiểu và tinh tế, biết xử lý hài hòa các mối quan hệ trong thời gian điều hành.

Theo ông Phạm Cảnh Đông – Tổng Giám đốc Công ty NOVA E&C, một quản lý dự án xây dựng đều phải có 6 kỹ năng mà mỗi thành viên của: Tạo ảnh hưởng; Giao tiếp; Quản lý cảm xúc: Làm việc nhóm; Thích ứng hoàn cảnh và Nhận thức (phán đoán, ra quyết định, giải quyết vấn đề, phân tích – phản biện, sáng tạo và cải tiến, tầm nhìn.

Từ thực tiễn công việc, ông Võ Thanh Hải – Giám đốc quan hệ đối tác PMI Vietnam Chapter đúc kết: “Có một tổng kết về công việc của người quản lý dự án xây dựng ở một dự án, đó là 86% thời gian được dành cho tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi, nên giao tiếp tốt, tinh tế phải là một phẩm chất. Nói về khả năng nhận thức trong tổ chức công việc, người quản lý dự án xây dựng đôi khi phải nắm rõ về khách hàng, về đối tác cùng làm việc, hiểu được cả phong cách văn hóa”.

Trong bối cảnh hiện nay, hành nghề quản lý dự án xây dựng phải tinh thông công nghệ mới, tiến bộ kỹ thuật mới trong xây dựng nếu không, sẽ trở thành vật cản, nhà thầu không thể đưa công nghệ mới, giải pháp mới vào công trình, vài dự án, gây ảnh hưởng đến tiến độ, thậm chí là chất lượng.

Theo PGS.TS Phạm Anh Đức – Trưởng khoa, Khoa Quản lý dự án, Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, tiềm năng áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong quản lý dự án xây dựng ngày càng rõ nét, bởi AI sẽ tăng cường hiệu quả năng suất, cải thiện an toàn lao động, cải thiện chất lượng công trình, AI sẽ quản lý tài nguyên thông minh hơn khi tích hợp hoàn hảo dữ liệu và tự động hóa quy trình.

Có nhiều xu hướng áp dụng AI trong quản lý dự án xây dựng: Sử dụng công nghệ blockchain (giúp lưu trữ, quản lý thông tin về quá trình xây dựng, giúp cải thiện quản lý rủi ro, mang đến tính an toàn cao cho dự án); Robot và tự động hóa (tối ưu hóa quá trình thi công); kết hợp ứng dụng công nghệ mới (đơn cử như sử dụng drone giám sát, xác định hiện trạng công trình);

Tăng cường thực tế (AR) và thực tế ảo (VR) tạo ra các mô hình 3D để dễ dàng quản lý, đưa ra các quyết định thông minh và kịp thời về dự án; Hệ thống Chatbot – Trợ lý ảo (hỗ trợ cấp quản lý và nhân viên tra cứu, tư vấn,…); sử dụng máy học và khai thác dữ liệu (kiểm soát tác động của thời tiết, của môi trường đến tiến độ, đến chất lượng, kiểm soát rủi ro); IoT và cảm biến thông minh (thu thập cơ sở dữ liệu cho AI).

Ông Đặng Việt Dũng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khuyến nghị đội ngũ kỹ sư xây dựng và người quản lý dự án xây dựng Việt Nam, cần hướng tới tham gia đăng bạ, để được cấp chứng chỉ Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN. Khi được cấp chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN, các kỹ sư có rất nhiều lợi thế trong tham gia làm việc ở các dự án có liên quan đến nước ngoài, có yếu tố quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ