Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì

GD&TĐ - Ngày 10/12, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. 

Tập thể Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.
Tập thể Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, tiền thân là Viện Đại học Đà Nẵng, thành lập ngay sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975) với sứ mệnh là đào tạo lực lượng kỹ sư kịp thời phục vụ tái thiết quê hương bị tàn phá do chiến tranh và tạo những điều kiện tiền đề cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa sau này.

Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng hiện có 14 khoa, 10 đơn vị chức năng, 9 Trung tâm, Viện nghiên cứu - đào tạo, 1 Tổ trực thuộc…Nhà trường có 15 chương trình đào tạo (CTĐT) bậc Tiến sĩ, 17 CTĐT bậc thạc sỹ và 34 CTĐT trình độ ĐH - bậc Cử nhân, 38 CTĐT trình độ chuyên sâu đặc thù - bậc Kỹ sư, Kiến trúc sư, trong đó có 14 CTĐT chất lượng cao, với quy mô trên 16.000 nghiên cứu sinh, học viên và SV.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thừa ủy quyền trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho tập thể Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thừa ủy quyền trao Huân chương Độc lập hạng Nhì cho tập thể Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Tỉ lệ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ là 72,7%, nằm trong tốp đầu ở các trường ĐH trong cả nước. Nhà trường còn có gần 50 giảng viên đang học tập sau đại học, thực tập tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là lực lượng giảng viên đủ năng lực, trình độ tiếp tục phát triển nhà trường trong giai đoạn hội nhập mới.

Mô hình “Học theo dự án” của Trường ĐH Bách khoa được triển khai từ khoá tuyển sinh năm 2018 cho 14 CTĐT chất lượng cao. Đến nay mô hình PBL này đã lan tỏa cho tất cả các CTĐT truyền thống, chương trình tiên tiến, chương trình kỹ sư PFIEV trong toàn Trường.

Việc triển khai “Học theo dự án” một cách có hệ thống của nhà trường là một cuộc thay đổi toàn diện và triệt để từ chương trình đến phương pháp giảng dạy, tổ chức giảng dạy, kiểm tra. Đây cũng là điểm mới mà hiện nay vẫn chưa có trường ĐH nào tại Việt Nam áp dụng một cách có hệ thống trong toàn bộ CTĐT, từ các năm đầu đến năm cuối. Điều này nhằm mục tiêu hình thành và phát triển các năng lực của thế kỷ 21 như: tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, hợp tác, giao tiếp và sáng tạo/đổi mới cho sinh viên.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng xếp hình chào đón sự kiện đón đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng xếp hình chào đón sự kiện đón đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì.

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng xây dựng tầm nhìn đến năm 2035 trở thành trường ĐH nghiên cứu được cộng đồng quốc tế ghi nhận, chủ động hợp tác toàn cầu trong giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội trong nước và thế giới. Trong đó, có giải quyết những vấn đề mà chiến lược phát triển khu vực miền Trung – Tây Nguyên, của Đảng và Chính phủ đã đặt ra".

Cùng với việc phân tầng đào tạo, hợp tác quốc tế được xem là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu xây dựng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng thành ĐH nghiên cứu.

Hiệu quả cao của hoạt động hợp tác quốc tế của Nhà trường được thể hiện thông qua số lượng các văn bản hợp tác (MOU) đã được ký kết cũng như việc triển khai các hoạt động chung như đồng tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế, đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh, công bố các công trình khoa học.

Từ năm 2011 đến nay, Nhà trường đã có 160 văn bản hợp tác được ký kết. Hằng năm, có hàng trăm hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế Nhà trường đã tổ chức cũng như tham gia báo cáo. Thành quả của hoạt động hợp tác quốc tế đã tạo ra những đột phá trong NCKH và đào tạo. Nhà trường thường xuyên tiếp nhận các chuyên gia ở các trường đối tác đến giảng dạy, nghiên cứu cũng như tiếp nhận hằng trăm SV quốc tế đến học tập và thực tập ngắn hạn.

Hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ của Trường ĐH Bách khoa trong những năm qua đã trở thành một phong trào rộng lớn không chỉ trong cán bộ, giảng viên mà còn thu hút đông đảo SV tích cực tham gia. Các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của nhà trường đều tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách, cụ thể đặt ra của địa phương: như các vấn đề về xử lý môi trường, vật liệu xây dựng, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển nông thôn mới, kinh tế biển, thành phố thông minh…

Trong niềm vui chung, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng đề nghị tập thể Trường ĐH Bách khoa phát huy những kết quả đạt được và lợi thế của cơ chế tự chủ chi thường xuyên vừa được Chính phủ cho phép để có những quyết sách sáng tạo trong đổi mới quản trị nhà trường, trong việc tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH; trong việc nâng cao thu nhập để thu hút và giữ chân người tài.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đánh giá cao những sự đóng góp của Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Theo đó, Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á; là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước; trở thành đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, thành phố đáng sống.

Đặc biệt, mới đây Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã xác định xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực của vùng, xây dựng ĐH Đà Nẵng trở thành ĐH Quốc gia.

Để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên, cần sự đóng góp của các trường ĐH, trong đó có Trường ĐH Bách khoa - nơi đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao.

Tháng 6/2016, Trường ĐH Bách đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) ĐHQG Hà Nội công nhận đạt chất lượng giáo dục. Tháng 6/2017, được Tổ chức KĐCLGD Châu Âu HCERES công nhận đạt chất lượng giáo dục. Nhà trường có 15 CTĐT đạt tiêu chuẩn AUN-QA, 3 CTĐT kỹ sư chất lượng cao Pháp – Việt (PFIEV) đạt tiêu chuẩn CTI, trong đó có 2 chương trình tiên tiến đạt tiêu chuẩn AUN-QA chu kỳ 2, 2 chương trình kỹ sư Chất lượng cao PFIEV đạt tiêu chuẩn kiểm định CTI chu kỳ 3 và 1 chương trình đạt tiêu chuẩn CTI chu kỳ 4.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ