Sinh viên thực tập: Vượt thách thức để trưởng thành

GD&TĐ - Sinh viên năm cuối ở các cơ sở giáo dục đại học đang trong giai đoạn thực tập tốt nghiệp.

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội thực tập tại Trung tâm Sản xuất - Dịch vụ. Ảnh: Website nhà trường
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội thực tập tại Trung tâm Sản xuất - Dịch vụ. Ảnh: Website nhà trường

Đây là lúc để các em áp dụng kiến thức trong trường vào thực tế nghề nghiệp, học hỏi thêm những điều không có trong sách vở. Háo hức, bỡ ngỡ và cả khó khăn, thậm chí thất vọng là những điều sinh viên thực tập trải qua trong quá trình trưởng thành.

Mong được đồng hành và hỗ trợ

Thực tập tốt nghiệp là một trong những yêu cầu bắt buộc để sinh viên có cơ hội tiếp xúc với nghề nghiệp liên quan đến chuyên ngành đào tạo. Các đợt thực tập thường diễn ra vào cuối khóa học dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của nhà trường. Tuy nhiên, nhiều sinh viên chia sẻ bản thân đã có những trải nghiệm không tốt trong khoảng thời gian này.

Đầu tháng 1/2024, Nguyễn Nhật Q. - sinh viên năm cuối ngành Luật, Trường ĐH Mở TPHCM bắt đầu tham gia kỳ thực tập. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên nữ sinh viên phải đổi cơ quan thực tập đến hai lần. Nhật Q. kể: “Em không có cơ hội học hỏi vì không được giao việc để làm. Hết phân nửa thời gian thực tập, em đều ở nhà; nhật ký công việc bỏ trống”. Không nhận được phản hồi từ đơn vị đến thực tập, Nhật Q. phải nhờ tới sự hỗ trợ của giảng viên để được chuyển sang nơi khác.

Tương tự Nhật Q., Bùi Thu P. (sinh viên ngành Luật quốc tế, Trường ĐH Mở Hà Nội) cũng chật vật tìm nơi thực tập. “Trường em chỉ hỗ trợ được một phần nên em mất khá nhiều thời gian để tìm kiếm và xin thực tập. Một số đơn vị lại yêu cầu phải nộp hồ sơ xin việc, phỏng vấn để ứng cử vào vị trí thực tập sinh”, P. nói.

Một trường hợp khác, Vũ Ngọc Q. - sinh viên năm cuối ngành An toàn thông tin, Học viện Kỹ thuật mật mã cho biết: “Ngành em học tuy có cơ hội thực tập nhưng chấp nhận không đóng dấu đỏ. Đến khi tìm được công ty chịu nhận, em lại được phân công xử lý những việc không đúng với chuyên ngành. Điều đó khiến kết quả công việc không được như ý”.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên cũng phản ánh về việc trong thời gian thực tập không nhận được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ từ phía đơn vị đến thực tập và người hướng dẫn. Trong khi đó, giảng viên hướng dẫn có lúc không bao quát để có phương án “cứu cánh” kịp thời. Mặt khác, việc thiếu kinh nghiệm, kỹ năng thực tế cũng là một trong những nguyên nhân khiến kỳ thực tập của sinh viên không được như mong muốn.

Trong khi đó, Hoàng Minh N. - sinh viên năm cuối ngành Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có phần may mắn hơn khi được thầy cô và phòng Công tác sinh viên giúp đỡ, giải đáp nhiều thắc mắc. “Thầy cô cũng giúp liên hệ tới cơ sở giáo dục để gửi gắm sinh viên. Dù bận nhưng khi liên lạc, thầy cô vẫn nhiệt tình hướng dẫn và cho em giải pháp”, nam sinh kể và bày tỏ:

Mong các đơn vị mở lòng và tạo điều kiện cho sinh viên khi đến thực tập. Được học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đi trước sẽ là hành trang quý đối với sinh viên trong quá trình học tập cũng như tìm kiếm việc làm sau này.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cần nỗ lực từ nhiều phía

Thực tập tốt nghiệp đặt nền móng quan trọng đối với vấn đề việc làm của sinh viên sau này. Nhiều cơ sở giáo dục đại học hiện nay đã có chính sách hỗ trợ sinh viên trong suốt quá trình đi thực tập. ThS Trần Thị Phương Lan - Học viện Báo chí & Tuyên truyền cho biết, trường không có tình trạng bỏ bê sinh viên. “Nhà trường hỗ trợ chi trả kinh phí thực tập cho các em, các thầy cô cũng sẵn lòng hướng dẫn khi sinh viên gặp khó khăn”, cô Lan chia sẻ.

Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội có hơn 4.000 sinh viên. TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng cho biết, nhà trường luôn chú trọng tổ chức cho sinh viên đi thực tập. Thời gian và nội dung thực tập được thực hiện theo đề cương và đánh giá kết quả theo tuần.

Nhà trường có Trung tâm Sản xuất - Dịch vụ hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, với hơn 500 nhân sự, chuyên sản xuất hàng thời trang. Mỗi năm, trung tâm có trách nhiệm tiếp nhận khoảng 800 sinh viên của trường đến thực tập và được chia thành nhiều đợt. Tại đây, cán bộ của trung tâm sẽ kết hợp với giảng viên thực hành và giảng bộ môn để hướng dẫn người học.

Ngoài ra, Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội ký kết hợp tác với khoảng 50 doanh nghiệp, sẵn sàng tiếp nhận sinh viên đến kiến tập và thực tập. Dù sinh viên thực tập ở môi trường nào, nhà trường luôn đồng hành và sát cánh. Theo đó, trường cử giảng viên bộ môn kết nối với doanh nghiệp thường xuyên để nắm bắt tình hình của sinh viên. Từ đó trao đổi, thống nhất và điều chỉnh nếu có vấn đề phát sinh.

Theo TS Hoàng Xuân Hiệp, thực hành, thực tập và các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp nhằm giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận sâu hơn với công nghệ mới, rèn luyện kỹ năng theo yêu cầu của doanh nghiệp và tác phong công nghiệp, môi trường làm việc năng động, hiệu quả trong nền kinh tế số. Do vậy, điểm thực hành của sinh viên được căn cứ vào một số tiêu chí như: Chuyên cần, thái độ làm việc và nhận xét, đánh giá của doanh nghiệp với sinh viên.

Từng tham gia hướng dẫn sinh viên thực tập, chị Bùi Thị Ngần - Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova (Hà Nội) nhận thấy, nhiều em còn thụ động, chờ người hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”. Một số em còn thiếu và yếu về kỹ năng khi bước vào môi trường doanh nghiệp. “Cũng dễ hiểu và thông cảm cho sinh viên, nhất là những em lần đầu đi thực tập”, chị Bùi Thị Ngần bày tỏ.

Từ thực trạng trên, nữ cán bộ Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova mong muốn, sinh viên cần mạnh dạn, tự tin hơn nữa khi “nhúng” mình vào doanh nghiệp. Trong môi trường doanh nghiệp, nhân sự nào cũng có phần việc của mình, thậm chí phải chạy “dateline”, vì thế nếu sinh viên không chủ động, cầu thị sẽ rất khó để họ “cầm tay, chỉ việc”.

“Ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học, các em cần xác định thái độ học tập nghiêm túc, tự trau dồi kiến thức, kỹ năng mềm; trong đó có kỹ năng giao tiếp để dễ dàng hòa nhập và thích ứng khi đi thực tập”, chị Bùi Thị Ngần trao đổi và khuyên sinh viên có thể đi làm thêm nếu thấy phù hợp để tích lũy kinh nghiệm thực tế.

Về phía cơ sở đào tạo, chị Bùi Thị Ngần khuyến nghị, thay vì “phó mặc, ủy thác” cho doanh nghiệp, các trường cần giữ mối liên hệ thường xuyên với đơn vị tiếp nhận sinh viên đến thực tập. Sự kết nối này cần được chủ động hơn từ phía cơ sở đào tạo. Nên chăng, các trường cử các đầu mối để tiếp nhận trao đổi, phản hồi từ phía doanh nghiệp, từ đó kịp thời chỉnh sửa chương trình, phương pháp đào tạo cũng như cách thức tổ chức cho sinh viên đi thực tập.

Sinh viên cần chủ động trong quá trình thực tập, không nên quá ỷ lại hay có tâm lý chờ đợi. Hãy chủ động hỏi, đề xuất công việc với cơ quan nơi các em đến thực tập. Nếu gặp khó khăn, các em cần liên hệ với giảng viên hướng dẫn để được hỗ trợ kịp thời. - Cô Nguyễn Thị Minh Thùy (Học viện Báo chí & Tuyên truyền)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.