Vì sao sinh viên Singapore đổ xô thực tập từ năm nhất?

GD&TĐ - Có nhiều áp lực khác khiến sinh viên Singapore đổ xô thực tập từ năm nhất.

Thực tập là cơ hội để sinh viên tích luỹ kỹ năng cho công việc tương lai.
Thực tập là cơ hội để sinh viên tích luỹ kỹ năng cho công việc tương lai.

Tờ CNA đưa tin Jervis Chan, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ngành Khoa học máy tính tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore, đã hoàn thành 8 kỳ thực tập liên tiếp trong 4,5 năm học đại học. Chan cũng như nhiều sinh viên Singapore khác đã đổ xô đi thực tập, thậm chí ở nhiều công ty cùng lúc, với mong muốn tìm được công việc như ý muốn.

Có nhiều áp lực khác khiến sinh viên Singapore đổ xô thực tập từ năm nhất. Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ mạng xã hội tìm kiếm việc làm LinkedIn – nơi các nhà tuyển dụng, quản lý nhân sự sử dụng như một công cụ để tìm kiếm ứng viên tài năng.

Trên mạng xã hội này, nhiều người trẻ đã “khoe” công việc thực tập bằng cách viết thư cảm ơn cố vấn hay đồng nghiệp cũ nhưng cũng nhằm thể hiện bản thân từng được làm việc trong một môi trường tốt. Các nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào những kinh nghiệm này để tiếp cận ứng viên.

Các trường đại học thậm chí còn dạy sinh viên cách tiếp thị bản thân tốt nhất trên LinkedIn, cung cấp các mẫu và hướng dẫn để sinh viên bắt chước. Nhìn chung, LinkedIn đang dần thay đổi cách tìm việc và khiến việc xây dựng thương hiệu cá nhân chuyên nghiệp trở nên quan trọng hơn.

Nỗi sợ thua kém là nguyên nhân thứ hai thúc đẩy sinh viên tăng cường thực tập. Không chỉ không ngừng so sánh bản thân với thành tựu của người khác, người trẻ còn lo sợ bản thân sẽ tụt hậu khi thấy người khác thành công.

Tâm lý này thúc đẩy sinh viên lao vào cuộc chạy đua thực tập với áp lực phải có càng nhiều mối quan hệ công việc càng tốt. Vì thế, sinh viên vô tình “đóng khung” việc vượt trội hơn người khác nằm ở chỗ có nhiều công việc chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thực tập ấn tượng, nhận được lời khen ngợi từ đồng nghiệp....

Ngoài ra, một nguyên nhân khác là việc thực tập thu hẹp khoảng cách giữa lớp học và thế giới việc làm. Môi trường thực tập giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng, khám phá các vị trí việc làm khác nhau để lựa chọn công việc phù hợp trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để sinh viên mở rộng mạng lưới quan hệ, tìm được những người cố vấn nghề nghiệp tốt.

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng nhiệt tình hướng dẫn sinh viên thực tập. Trong nhiều trường hợp, sinh viên được sai chạy vặt hoặc pha cà phê thay vì học hỏi các kỹ năng cần thiết cho công việc sau này.

Dù vậy, nhiều người trẻ vẫn chấp nhận miễn là có cái để ghi vào hồ sơ. Họ tin rằng trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, mọi chứng nhận đều giúp một cá nhân vượt trội hơn người khác. Nhưng một kỳ thực tập hời hợt có thể đánh mất trải nghiệm học hỏi của sinh viên.

Nhìn chung, nhiều chuyên gia khuyến cáo sinh viên không nên áp lực phải chạy đua thực tập.

Một chuyên gia nhân sự chia sẻ: “Nếu tôi thấy ứng viên thực tập nhiều công ty cùng một lúc, tôi sẽ có ấn tượng rằng ứng viên này chưa có đủ trải nghiệm học tập. Nhiều không phải lúc nào cũng tốt. Trong trường hợp này, ứng viên thông thạo các kỹ năng nghề nghiệp sẽ tốt hơn là ứng viên có một hồ sơ dài dòng”.

Nếu hoàn thành kỳ thực tập tốt, sinh viên có thể được giữ lại làm việc toàn thời gian. Đó là một khởi đầu tốt đẹp, vững chắc trong một thế giới việc làm ngày càng không chắc chắn như hiện nay.

Theo CNA

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.