Sinh viên thực tập: Vô dụng hay cần thiết?

GD&TĐ - Đến thăm một doanh nghiệp tư nhân ngành logistics có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, khi được hỏi về việc gắn kết nhà trường - doanh nghiệp, câu trả lời đầu tiên của vị giám đốc khiến một số người sửng sốt: “Tôi thấy việc cho SV đi thực tập rất vô dụng”!

SV Trường CĐ Kinh tế TP HCM. Ảnh: T.G
SV Trường CĐ Kinh tế TP HCM. Ảnh: T.G

Vui thì làm!

Lý giải cho nhận định của mình, vị giám đốc đưa ra lý do: Các trường hay cho SV đi thực tập vào thời điểm doanh nghiệp bận rộn. Nhân viên của công ty làm quắn lên không hết việc, thời gian đâu để hướng dẫn cho SV? Thêm nữa, công ty thuê trụ sở ở quận 1, giá nhà đất đắt đỏ, chỗ ngồi của nhân viên cũng tính toán rất chi li, giờ thêm SV thực tập nữa thì ngồi vào đâu? SV ở trường thường năm thứ 3, thứ 4 mới cho đi thực tập, thế là rất muộn rồi. Tại không “nhúng” các em vào thực tế từ năm thứ 1, thứ 2?

Chỉ một nhân viên mặc đồng phục ngồi ở bàn máy vi tính, anh giới thiệu đây là SV năm thứ 4, đang thực tập hưởng lương tại công ty. Thì ra lúc công ty cần số lượng nhân công lớn nhưng lại phải có trình độ, anh lại đăng tuyển nhân sự ngắn hạn, thuê rất nhiều SV năm 3, năm 4 vào làm thực tập hưởng lương. Các em vừa được học hỏi về chuyên môn, va đập công việc thực tế và được hưởng lương theo đánh giá của công ty – thường là không cao lắm. Hỏi lãnh đạo công ty có tuyển những SV thực tập hưởng lương vào làm việc chính thức không, anh trả lời: Có, nhưng ít!

Hiện hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Việt đa số là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không ít công ty đang tư duy cách sử dụng nhân công như trên và cho đó là cách gắn kết với nhà trường. Tuy nhiên, cái gọi là “gắn kết” đó dường như chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, chưa suy nghĩ vì nhà trường, vì người học. Bởi SV dù học năm mấy cũng cần được thực tập, được chỉ bảo bởi những đàn anh, đàn chị nhiều kinh nghiệm hơn, được cọ sát với thực tế nhà xưởng, máy móc mà trong nhà trường không có.

Nghĩ lại, đề xuất SV được đi thực tập sớm hơn, nhưng vị giám đốc lại “quên” trước đó vừa đưa ra lý do nhân viên bận, công ty chật để từ chối dẫn dắt SV thực tập. Vô hình trung, một số doanh nghiệp đang coi việc chung tay với nhà trường đào tạo nhân lực nói chung, ngành logistics nói riêng có chất lượng như là một việc làm từ thiện của doanh nghiệp với nhà trường: Vui thì làm, không thì kệ!

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Những đầu tàu dẫn dắt

Hỏi chuyện NGƯT.ThS Lâm Văn Quản - Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TPHCM về việc gắn kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo, ông Quản hồ hởi chia sẻ một số doanh nghiệp ngành logistics rất nhiệt tình hỗ trợ nhà trường trong việc điều chỉnh nội dung dạy sao cho sát với thực tế, đến nói chuyện với SV, trao đổi với trường về việc sắp xếp thời điểm thích hợp cho cả hai bên để SV đi thực tập được hiệu quả...

“Đó là những doanh nghiệp lớn, họ như đầu tàu dẫn dắt vậy. Hy vọng thời gian tới với các đầu tàu này, sẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào việc đào tạo trong các nhà trường” – Hiệu trưởng Lâm Văn Quản bày tỏ.

Chị Lê Thị Hạnh Xuân – Phó trưởng phòng Đảm bảo chất lượng, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức - cho biết: “Bất cứ điều chỉnh, thay đổi gì trong chương trình đào tạo của chúng tôi đều có sự tham khảo ý kiến từ doanh nghiệp. Để việc đào tạo nhân lực được sát với yêu cầu tuyển dụng của các công ty, xí nghiệp chứ không theo kiểu có gì dạy nấy!”.

Trường bắt đầu triển khai ngành logistics từ năm học 2018 - 2019. Việc hợp tác, trao đổi kinh nghiệm thực tế công việc, hợp tác với nhà trường trong quá trình đào tạo của các doanh nghiệp là vô cùng quý giá và cần thiết. Như mô hình “đào tạo kép” cho SV học tập tại doanh nghiệp 70% khối lượng chương trình, như vậy SV sẽ đáp ứng rất nhanh khi làm việc, rút ngắn thời gian đào tạo lại của doanh nghiệp.

Mới đây, trong cuộc tọa đàm Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao gắn kết cơ sở GD và doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ rõ sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đã có với nhiều văn bản ký kết nhưng kết quả thực tế không cao. Lần này sẽ phải làm khác, làm thiết thực để nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước phải thực sự đồng hành với nhau, không ai đặt cao hơn ai. Vì sự phát triển chung, nhà trường và doanh nghiệp đến với nhau để cùng phát triển, phải có áp lực không hợp tác thì sẽ phá sản, từ đó tiến tới xây dựng hệ sinh thái sáng tạo khởi nghiệp, cộng sinh với nhau, phát triển bền vững.

Đó là nói về ngành ICT, nhưng nhìn sang ngành logistics cũng thấy tình trạng tương tự. Nếu doanh nghiệp tặng nhà trường một vài học bổng, mua một vài máy móc nhỏ lẻ thì có lẽ đó chỉ là sự đầu tư ngắn hạn. Điều quan tâm nhất chính là doanh nghiệp - nhà trường cùng thiết kế chương trình đào tạo, cùng tham gia vào việc giảng dạy, cùng động lực và lợi ích, tạo sự gắn kết bền vững. Chỉ như vậy, việc gắn kết doanh nghiệp - nhà trường mới không theo phong trào.

Các nhà trường đang mở lòng đón doanh nghiệp. Điều cần nhất bây giờ chính là doanh nghiệp gắn kết với nhà trường không nên theo kiểu cưỡi  ngựa xem hoa. Họ phải chân thành hướng đến nhà trường, gắn kết thực sự với nhà trường, lúc đó, không chỉ việc học trên lớp mà kỳ thực tập của SV sẽ trở nên vô cùng hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ