Sinh viên thiết kế áo khoác “2 trong 1”

GD&TĐ - Áo khoác được trang bị phao nổi vùng cổ và cánh tay, tích hợp hệ thống chứa khí nén CO2. Ấn nút, áo sẽ phồng để nổi trên mặt nước.

Nhóm sinh cùng nhau nghiên cứu và phát triển áo khoác tự nổi.
Nhóm sinh cùng nhau nghiên cứu và phát triển áo khoác tự nổi.

Áo khoác kiêm áo phao

Áo khoác thông minh sCoat là sản phẩm của nhóm sinh viên gồm: Lê Thị Nhã (Khoa Hóa), Lê Bá Thăng và Lê Thị Dạ Thảo (Khoa Điện), Trần Lê Vĩ Nhân Tâm (Khoa Quản lý dự án) và Đàm Quang Tiến (Khoa Công nghệ thông tin), Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.

Nhiều lần quan sát ngư dân hoạt động ở cảng cá, Lê Thị Nhã nhận thấy gần như không ai sử dụng áo phao khi đi biển. Điều kiện hoạt động trên biển khắc nghiệt, nhiều nguy hiểm rình rập, Nhã thắc mắc không hiểu vì sao áo phao lại không được sử dụng.

“Điều kiện khá khắc nghiệt như vậy mà họ luôn chủ quan, không mặc áo phao và mặc nhiên không có chuyện gì xảy ra. Qua khảo sát có đến 95% ngư dân không sử dụng áo phao khi đi biển. Mặc dù, họ biết khả năng gặp tai nạn rất cao do những cơn sóng bão lớn đánh bất ngờ”, Nhã nói. Theo các ngư dân, áo phao rất cồng kềnh, gây khó khăn khi làm việc nên họ ngại mặc.

Trở về, nhóm nghĩ đến tích hợp áo phao vào trong áo khoác. Phải làm ra một chiếc áo khoác giống như áo gió thông thường, có chức năng chống nước, cản gió, giữ ấm, nhưng có thể biến thành phao cứu hộ ngay khi ngư dân cần đến. Tháng 1/2020, nhóm bắt tay thực hiện nghiên cứu sản phẩm.

Chiếc áo khoác đầu tiên nhóm làm ra là thiết kế phao bên trong áo hình chữ U, nối cổ với cánh tay. Khi ngư dân mặc thử, phản hồi nhóm nhận được là khó chịu, gây cản trở trong hoạt động hàng ngày, hình thức xấu, giá thành cao. “Nhóm lo lắng, sản phẩm vừa mới hoàn thiện đã nhận được những ý kiến phản hồi không tốt, liệu có tiềm năng phát triển không”, Trần Lê Vĩ Nhân Tâm nhớ lại.

Phiên bản hai của áo, phần phao cổ và hai cánh tay được tách ra, tạo sự thoải mái hơn cho người dùng. Áo vẫn có màu cam, nhưng được cải tiến các chi tiết đẹp hơn, hoạt động thông minh hơn. Tuy nhiên, nhóm vẫn chưa hài lòng do áo chưa được trang bị thêm các phụ kiện như còi, đèn… theo tiêu chuẩn của áo cứu sinh. Dựa trên TCVN 7282-2008 về phao cứu sinh, nhóm tiếp tục hoàn thiện phiên bản để có chiếc áo tốt nhất, đạt được tính năng trang phục kiêm áo phao.

Cấu tạo của sCoat khá đơn giản. Giống như chiếc áo khoác thông thường nhưng vùng cổ và cánh tay, áo được gắn phao nổi. Phao này được gắn cố định, dạng xẹp. Hệ thống khí nén CO2 lạnh nằm gọn bên trong áo. Khi cần, chỉ cần mở van khí nén. Bình khí nén gắn bên trong áo sẽ tự động bơm đầy các phao. Khi phao đã đầy, người mặc đóng nắp bình khí nén lại.

Khi phao có hiện tượng xẹp, tiếp tục mở bình khí nén để kéo dài thời gian nổi trên nước. Bình khí nén có thể cung cấp cho phao hoạt động liên tục trong 72 giờ. Áo nặng xấp xỉ 1kg, được làm bằng vật liệu chống thấm nước đơn giản. Hiện, nhóm mới hoàn thiện được hai sản phẩm, với giá thành chế tạo là 700 nghìn đồng/chiếc.

Mẫu áo khoác tự nổi của nhóm sinh viên.
Mẫu áo khoác tự nổi của nhóm sinh viên.

Định vị người mặc áo

Để đáp ứng yêu cầu của một sản phẩm cứu nạn, nhóm đã tiến đến hoàn chỉnh, bổ sung thêm nhiều chi tiết khác nhau. Áo có thêm bảng phản quang ở tay và lưng, túi đựng dụng cụ như còi, đèn, dao, thiết bị định vị… giúp người sử dụng có thể sinh tồn trong những tình huống bất thường. Điều đặc biệt trong thiết kế là có hệ thống định vị sSim giống như hộp đen máy bay.

sSim sẽ ghi lại toàn bộ hành trình của người mặc áo, vị trí, tọa độ… để gửi thông báo về trung tâm cứu hộ hoặc số điện thoại đã đăng ký trước. “sSim giống như chiếc sim điện thoại, được gắn vào áo. Nếu như hệ thống định vị GPS chỉ xác định được vị trí của tàu thì sSim sẽ định vị người mặc áo, giúp việc tìm kiếm cứu nạn dễ dàng hơn”, Tâm nói thêm.

Ngoài ngư dân đi biển, nhóm nghiên cứu mong muốn đây sẽ là sản phẩm cần thiết cho người du lịch, vận tải, tham gia các hoạt động trên biển. Sản phẩm đang trong quá trình hoàn thiện kiểm thử theo các tiêu chuẩn về phao áo cứu sinh và thiết bị liên lạc. Nhóm mong muốn kết nối với những trung tâm cứu hộ để có thể áp dụng vào thực tiễn.

Mẫu áo khoác tự nổi.
Mẫu áo khoác tự nổi.

TS Nguyễn Thị Anh Thư, giảng viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đánh giá cao khả năng sáng tạo, tìm tòi, cải tiến của nhóm nghiên cứu. Sản phẩm áo khoác kiêm áo phao cứu sinh sẽ có rất nhiều tiềm năng ứng dụng. Mục đích nhóm hướng đến là nâng cao ý thức của ngư dân về bảo vệ tính mạng, sức khỏe khi ra khơi, tránh những tai nạn đáng tiếc.

Đại diện nhóm cho biết, dự kiến bước đầu, nhóm sẽ bán ít nhất một áo cho 25 tàu biển, với mỗi tàu có từ 10 - 15 ngư dân, tập khách hàng tiềm năng rất lớn và sẽ bán được hàng trong giai đoạn tiếp theo. Nhóm cho biết 6 tháng đầu sẽ tập trung thị trường Đà Nẵng, trong một năm tới sẽ mở rộng khắp miền Trung và hai năm nữa là trên phạm vi cả nước.

Sản phẩm “Áo khoác công nghệ sCoat” của nhóm sinh viên vừa đoạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp công nghệ trong Sinh viên năm 2021. Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên lần thứ nhất dành cho học sinh, sinh viên trên địa bàn TP Đà Nẵng do Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng, Sở Khoa học Công nghệ Đà Nẵng tổ chức. Nhóm dự định sẽ đem sản phẩm tham dự cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo dành cho học sinh, sinh viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ