Sinh viên sáng chế máy giúp người liệt vận động

GD&TĐ - Sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM, vừa tạo ra một thiết bị hỗ trợ chuyển đổi tư thế bệnh nhân liệt hai chân từ ngồi sang đứng, di chuyển độc lập.

Máy giúp người liệt có thể vận động, chủ động trong sinh hoạt.
Máy giúp người liệt có thể vận động, chủ động trong sinh hoạt.

Nhóm sinh viên Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM, vừa tạo ra một thiết bị hỗ trợ chuyển đổi tư thế bệnh nhân liệt hai chân từ ngồi sang đứng, di chuyển độc lập.

Người liệt có thể chủ động trong sinh hoạt

Thiết bị hỗ trợ chuyển đổi tư thế ngồi sang tư thế đứng vốn là đề tài đồ án tốt nghiệp mà TS Hà Thị Xuân Chi, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật và Quản lý Công nghiệp, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM, đề xuất cho sinh viên năm IV thực hiện.

Dành 8 năm chăm sóc ba bị tai biến, liệt tay, chân, TS Hà Thị Xuân Chi nhận thấy dù có thiết bị hỗ trợ nhưng việc chăm sóc vẫn rất vất vả. Đặc biệt là khi nâng đỡ ba vào nhà vệ sinh, thay quần áo hay thực hiện các sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, nếu người bệnh không được tập luyện, vận động thường xuyên thì các bộ phận sẽ yếu dần đi.

TS Hà Thị Xuân Chi chia sẻ, quá trình chăm sóc và hỗ trợ tiêu tốn nhiều thời gian, công sức, mà những sản phẩm giúp người bệnh di chuyển độc lập phổ biến trên thế giới thì lại có giá thành quá cao - khoảng 400 triệu đến 1 tỷ đồng.

Với mong muốn tạo ra một thiết bị hỗ trợ người bệnh hiệu quả, có công dụng tương tự với các thiết bị đã có nhưng giá thành rẻ hơn, nhóm 9 sinh viên đã bắt tay nghiên cứu và thiết kế bản vẽ thiết bị dưới sự hướng dẫn của TS Hà Thị Xuân Chi.

Sản phẩm ban đầu còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp để đưa vào sử dụng, như kích thước khá cồng kềnh, một số chi tiết quá nặng, máy hoạt động chưa ổn định, hơi rung, tay cầm quá dài khiến người dùng khó cầm nắm.

Sau đó, nhóm đã hoàn thiện thiết bị, thiết kế lại độ dài của cánh tay đòn cũng như thêm vào bộ phận đỡ mông để đảm bảo hoạt động ổn định, có đủ lực nâng người bệnh lên một cách an toàn, trơn tru. Sản phẩm nặng 45kg, cao khoảng 80cm, dài 70cm, rộng 48cm và cánh tay đòn dài 60cm với khả năng nâng người có trọng lượng dưới 113kg.

Sinh viên Lê Quang Khương, thành viên nhóm cho biết, thiết bị có tên Independence Mobility, gồm 3 bộ phận chính: Bánh xe; hệ thống giá đỡ (đế ngang và thanh trụ đứng); pít-tông và cánh tay đòn kèm đai giữ hông. Máy vận hành dựa trên lực nâng của pít-tông và cánh tay đòn. Khi máy hoạt động, phần pít-tông sẽ hạ cánh tay đòn xuống để đai có thể giữ hông, còn phần đệm dưới ôm lấy mông, rồi đỡ người bệnh.

Máy có thể hỗ trợ bệnh nhân di chuyển ở tư thế đứng bằng bộ điều khiển tự động với vận tốc tối đa là 0,8m/s. Đặc biệt, thiết bị Independence Mobility còn giúp người dùng di chuyển được 360 độ nên phù hợp với hầu hết không gian hẹp.

Mong sớm được chuyển giao công nghệ

Theo nhóm, hiện nay, các sản phẩm trên thị trường đa phần là hỗ trợ bệnh nhân ở tư thế ngồi, trong khi đó thiết bị này góp phần thúc đẩy thói quen hoạt động ở tư thế đứng. “Khi đứng được, bệnh nhân cũng sẽ chủ động hơn trong sinh hoạt, phục hồi chức năng; từ đó loại bỏ được tâm lý mặc cảm và dễ hòa nhập với cuộc sống hơn. Đó là tính hiệu quả của sản phẩm trong việc trị liệu vật lý và tinh thần” - Quang Khương nói.

Đáng chú ý, thiết bị này còn được thiết kế vừa vặn với cơ thể của người Việt và giá thành phù hợp với mức thu nhập của gia đình người bệnh. Sản phẩm dự kiến có giá 60 triệu đồng, kèm dịch vụ chăm sóc, theo dõi sức khỏe, hướng dẫn sử dụng sản phẩm của nhân viên y tế trong 2 tháng.

Theo nhóm nghiên cứu, cấu tạo của máy vẫn còn một số điểm yếu như khá nặng, khó lắp ráp (lắp ráp bằng ốc vít mất khoảng 30 - 60 phút); đai giữ hông hơi mỏng và dễ tuột. Vì thế, nhóm sẽ tìm kiếm chất liệu mới nhẹ hơn, thiết kế thêm các mối nối để phần lắp ráp, gấp gọn trở nên đơn giản hơn, đồng thời điều chỉnh lại phần đai hông.

Quang Khương nói thêm: “Riêng phần bệ đỡ mông, chúng mình sẽ làm thành dạng có độ đàn hồi tốt giống võng dù để nó có thể ôm trọn phần đùi, mông, lưng, giúp bệnh nhân vừa đứng đúng tư thế, vừa ngồi được khi mỏi và có cảm giác an toàn”.

Nhóm dự định tích hợp Internet vạn vật (IoT) cho thiết bị này nhằm nâng cao tính an toàn, tiện lợi. Nghĩa là, IoT trên thiết bị sẽ giúp người nhà trông chừng bệnh nhân, đồng thời báo về ứng dụng liên kết trên điện thoại nếu họ bị ngã. Còn với những bệnh nhân chỉ muốn tập đứng để phục hồi chức năng, nhóm sẽ dùng IoT để theo dõi tư thế đứng, thời gian và hiệu quả luyện tập, từ đó giúp họ đứng đúng và nhanh hồi phục hơn.

“Ngoài ra, nhóm cũng muốn ứng dụng thêm công thái học và tạo ra nhiều phiên bản đa dạng về kích cỡ, lực nâng để phù hợp với vóc dáng, cân nặng của mọi đối tượng” - Quang Khương chia sẻ. Trong tương lai, nhóm mong muốn có thể hoàn tất thủ tục đăng ký sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ