Sinh viên Bách khoa sáng chế trợ lý giấc ngủ

GD&TĐ - Nhóm sinh viên năm cuối chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa sáng tạo ra bộ thiết bị hỗ trợ giấc ngủ sử dụng công nghệ IoT.

Nhóm sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sáng tạo ra trợ lý giấc ngủ thông minh.
Nhóm sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sáng tạo ra trợ lý giấc ngủ thông minh.

Tối ưu ánh sáng, nhiệt độ cho giấc ngủ ngon

Sinh viên Vương Tiến Đạt, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, qua tìm hiểu nhóm thấy rằng, một người trưởng thành cần dành ra trung bình 7 - 9 tiếng một ngày cho giấc ngủ để duy trì một cơ thể và tinh thần khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiện nay có tới 62% số người trưởng thành được hỏi cho biết họ cảm thấy trằn trọc, không thoải mái khi đi ngủ, 33% phải đối mặt với chứng mất ngủ kinh niên. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ là do tác động của các yếu tố môi trường trong phòng ngủ.

Ý tưởng của HieDream xuất phát từ sự cảm thông và trân trọng dành cho người trẻ, khi họ cùng một lúc phải đảm nhận nhiều vai trò từ gia đình đến xã hội. Điều này vô hình trung đã tạo ra một cuộc khủng hoảng giấc ngủ toàn cầu, âm thầm tàn phá sức khỏe của con người. Đạt chia sẻ, trong nhóm có một vài người gặp vấn đề về giấc ngủ, thường xuyên đi ngủ rất muộn. Nhóm quyết định làm ra một sản phẩm mà người dùng đầu tiên chính là các thành viên của nhóm.

Với chuyên ngành Kỹ thuật điều khiển, Tự động hóa, nhóm nghĩ đến một sản phẩm tự động chăm sóc và cải thiện giấc ngủ. Sản phẩm HieDream - Smart Sleep Assistant ra đời nhằm mang tới giải pháp chăm sóc và cải thiện chất lượng giấc ngủ, thông qua việc tối ưu các điều kiện ánh sáng, nhiệt độ theo tình trạng giấc ngủ người dùng.

Sản phẩm có tính năng thu thập chỉ số nhịp tim, chuyển động cơ thể trong khi ngủ nhằm dự đoán giai đoạn ngủ, qua đó tính toán chất lượng giấc ngủ. Qua việc dự đoán các giai đoạn ngủ, thiết bị sẽ đánh thức người dùng vào thời điểm tỉnh táo nhất. Sản phẩm thiết lập các điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, âm thanh tối ưu theo tình trạng giấc ngủ người dùng. Từ đó giúp người dùng ngủ dễ hơn, sâu hơn, HieDream áp dụng IoT giúp kết nối các thiết bị có sẵn trong căn hộ, cung cấp một giải pháp tự động hóa toàn diện cải thiện chất lượng giấc ngủ, đồng thời cũng theo dõi tình trạng sức khỏe qua giám sát giấc ngủ cá nhân qua ứng dụng điện thoại.

HieDream được cấu tạo bởi 3 thành phần chính: Cảm biến giấc ngủ dùng đo đạc các chỉ số về nhịp tim, thân nhiệt và cảm biến chuyển động xuyên suốt quá trình ngủ… Thiết bị điều khiển trung tâm IoT có gắn đèn, loa và các cảm biến môi trường, đi kèm với bộ điều khiển quạt, điều hòa. Thiết bị sẽ tự động điều khiển điều kiện môi trường theo tình trạng giấc ngủ. Cuối cùng là ứng dụng trên điện thoại quản lý thông tin giấc ngủ, giúp cá nhân hóa và phân tích chất lượng giấc ngủ sau khi sử dụng sản phẩm. Để sử dụng sản phẩm, phòng ngủ phải có kết nối wifi ổn định, có điều hòa/quạt sử dụng điều khiển hồng ngoại.

Vương Tiến Đạt cho hay, sức khỏe nói chung và giấc ngủ nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng và điều kiện môi trường từng vùng (khí hậu, đặc điểm địa lý...). HieDream nghiên cứu thuật toán tối ưu cho các điều kiện trên tại Việt Nam.

Thiết bị trợ lý giấc ngủ.
Thiết bị trợ lý giấc ngủ. 

Dễ dàng chăm sóc giấc ngủ

Nhóm đã tìm hiểu các tài liệu điều tra xã hội học cho thấy, hơn 40% người tiêu dùng cho biết lý do chính họ mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe là vì muốn tăng cường sức khỏe nói chung. Tương tự, hơn 35% người khảo sát cho rằng, họ muốn phòng các bệnh cho tương lai. Không chỉ vấn đề sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, chất lượng cuộc sống nói chung cũng là một vấn đề ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm.

Bên cạnh đó, thị trường thiết bị chăm sóc giấc ngủ (sleep care device) được đánh giá là tiềm năng, lượng khách hàng có nhu cầu tìm kiếm và sử dụng các giải pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ ngày càng gia tăng. Tăng trưởng kinh tế và thay đổi nhân khẩu học đang thúc đẩy nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trên khắp Việt Nam, không chỉ ở hai trung tâm kinh tế Hà Nội và TPHCM. Những phát triển như vậy đang tạo ra những cơ hội mới cho các công ty thiết bị y tế tại Việt Nam. Theo Fitch Solutions, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của Việt Nam vào năm 2019 là khoảng 17 tỷ USD, chiếm 6,6% GDP của cả nước.

Nghiên cứu này của nhóm nhằm hướng đến sự phát triển bền vững và tập trung vào SDG 3 (Good Health & Well-Being). Sản phẩm hướng tới nâng cao nhận thức của mọi người về chăm sóc sức khỏe cá nhân bởi sức khỏe là một lối sống, chứ không phải một mối quan tâm nhất thời, bắt đầu từ việc cải thiện và cân bằng giấc ngủ hàng ngày. “Qua đó chúng tôi hướng tới xây dựng một tương lai nơi việc chăm sóc sức khỏe trở nên dễ dàng và từ đó gián tiếp nâng cao năng suất, chất lượng công việc trong cộng đồng”, Đạt nói.

TS Lê Minh Thùy tại Phòng thí nghiệm RF3i, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, đây là sản phẩm công nghệ có nhiều tiềm năng ứng dụng và nhu cầu cao trong tương lai. Nhóm mong muốn trở thành một hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe nhờ ứng dụng công nghệ lõi IoT, giúp giải quyết các vấn đề sức khỏe cá nhân, kiến tạo một cộng đồng khỏe. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ