Hỗ trợ trẻ tự kỷ bị kích động
Áo giảm kích động cho trẻ tự kỷ là sản phẩm do 7 sinh viên Trường Đại học Bách khoa và Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) nghiên cứu từ tháng 10/2021. Trưởng nhóm Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, tại Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số người tự kỷ ở Việt Nam đang có xu hướng tăng với khoảng 1 triệu trường hợp (trong tổng số 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên); trẻ tự kỷ chiếm khoảng 1% số trẻ được sinh ra hằng năm. Đây là con số rất lớn, tạo áp lực nặng lên phụ huynh và người chăm sóc nếu không có các biện pháp hỗ trợ.
Thông thường khi trẻ tự kỷ ở trạng thái kích động sẽ có biểu hiện như la hét, đập phá, tự làm hại bản thân, thậm chí có thể làm hại người khác. Nhóm khảo sát tại các trung tâm nuôi dưỡng và cộng đồng trẻ tự kỷ trên cả nước để đánh giá về tần suất trẻ tự kỷ bị kích động.
Kết quả khảo sát cho thấy, trẻ tự kỷ bị kích động khá nhiều với tần suất trung bình 4 lần mỗi tuần. Mỗi khi trẻ bị kích động, phụ huynh và người nuôi dạy phải ôm trẻ vào lòng, dỗ dành để trẻ trấn tĩnh. Để giúp phụ huynh, giáo viên đỡ vất vả và có thêm công cụ hỗ trợ, nhóm đã phát triển áo thông minh nhằm giải quyết các vấn đề trên.
Áo làm bằng vật liệu vải, trọng lượng khoảng 1 kg, thiết kế hai tà, hai vạt áo rời dễ mặc, phù hợp cho trẻ từ 6 - 14 tuổi. Bên trong áo được bố trí hệ thống túi khí, thiết bị massage ở trên hai vai.
Sản phẩm hoạt động theo cơ chế kích thích ép sâu (Deep Pressure Stimulation). Khi trẻ tự kỷ bị kích động, áo sẽ tự động bơm làm phồng các túi khí ôm chặt vào cơ thể trẻ và thiết bị massage trên hai vai đồng thời hoạt động giúp trẻ thư giãn.
Cơ chế kích thích ép sâu làm cho trẻ cảm thấy thoải mái và tâm lý ổn định hơn, giúp trẻ lấy lại cân bằng. Nguyên lý kích thích ép sâu được sử dụng rộng rãi và được các nhà khoa học công nhận có thể giúp trẻ giảm trạng thái kích động. Cha mẹ, hay giáo viên thực thành nguyên lý này với cử chỉ ôm trẻ vào lòng, cùng lời lẽ dỗ dành. Nhóm đã dựa trên những cơ sở này để thiết kế áo.
Trên thị trường hiện có một số sản phẩm hỗ trợ giảm kích động cho trẻ tự kỷ như máy ép tạo áp lực sâu, áo trọng lượng, chăn nặng... hoạt động theo cơ chế kích thích ép sâu.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho biết, các sản phẩm này buộc trẻ phải gò ép mình khi sử dụng, không tạo được sự thoải mái và có phần khiến trẻ bị kích động hơn. Còn áo thông minh của nhóm, hoạt động theo cơ chế tự động, điều khiển từ xa bằng sóng RF để phục vụ trẻ, tạo sự thoải mái bằng việc massage cho trẻ.
Muốn thử nghiệm trên nhiều trẻ tự kỷ hơn
Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, nhóm đã thử nghiệm sản phẩm cho hơn 10 trẻ bị tự kỷ. Một bé trai 7 tuổi ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng từng sử dụng áo trong trạng thái la hét, quậy phá. Khi mặc áo, các hệ thống hoạt động trong hơn 10 phút, trẻ trấn tĩnh trở lại, dần hết trạng thái kích động.
Nhiều phụ huynh có con tự kỷ đánh giá cao khi sản phẩm có thể hỗ trợ cha mẹ trong việc chăm sóc con vốn rất vất vả. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh góp ý mẫu mã bên ngoài như màu sắc, trang trí của áo cần được thiết kế phù hợp hơn, tạo sự thích thú khi mặc.
“Thời gian tới, nhóm sẽ thiết kế thêm mẫu mới theo kiểu áo choàng để việc bố trí các túi khí bao trùm toàn bộ cơ thể trẻ, giúp tăng hiệu quả giảm sự kích động cho trẻ. Ngoài ra áo cũng được tích hợp thêm các cảm biến về sức khỏe để theo dõi thể trạng các bé tốt hơn”, Dũng nói và cho biết, dự kiến nhóm sẽ kiểm định sản phẩm tại cơ quan y tế và liên hệ với các trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ để thử nghiệm cho nhiều trẻ hơn để đánh giá về độ an toàn khi sử dụng.
Thạc sĩ Đinh Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc khối hệ thống phần mềm, Công ty Công nghệ Fossil Việt Nam đánh giá, đây là sản phẩm thiết thực, thể hiện tấm lòng của các bạn trẻ với những trẻ em tự kỷ. Sản phẩm nếu triển khai được cho nhiều trẻ sẽ rất có ý nghĩa về mặt xã hội, hỗ trợ cho phụ huynh, giáo viên.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng khuyến cáo nhóm nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm với nhiều trẻ tự kỷ để có đánh giá hiệu quả trên cơ sở khoa học như với mức độ ép sâu bao nhiêu, thời gian bao lâu thì phát huy tác dụng.