Sinh viên Ngữ văn: Rèn kỹ năng đọc, nói

GD&TĐ - Nghề giáo, đặc biệt là nghề dạy Văn, phải thường xuyên rèn các kỹ năng nói, đọc. Việc rèn các kỹ năng này sẽ được thể hiện trong nhiều môi trường khác nhau nhưng quan trọng nhất vẫn là ở nhà trường.

Sinh viên Ngữ văn: Rèn kỹ năng đọc, nói

Rèn kỹ năng đọc

Một trong những biện pháp rèn kỹ năng đọc cho sinh viên, TS Nguyễn Thị Nga (Trường ĐH Quảng Bình) gợi ý: Đối với mỗi giờ lên lớp, cần đặt mục tiêu tích hợp vốn kiến thức và lồng ghép để nâng cao năng lực đọc, nói cho sinh viên.

Chẳng hạn, dạy bài khái quát về Văn học Việt Nam từ sau 1975, có thể yêu cầu sinh viên đọc phần “Bối cảnh lịch sử - xã hội và đòi hỏi đổi mới văn học” và sau đó trình bày trước lớp những vấn đề cơ bản trong các mục “Thời kỳ mới của lịch sử”, “Những chuyển biến về xã hội - văn hóa - tư tưởng” và “Đòi hỏi đổi mới về văn học”.

Trong bài dạy không nên chú trọng tích hợp để rèn luyện đọc, nói mà quên nhiệm vụ chính yếu, mục tiêu của bài.

Để tích hợp tốt, có trọng điểm, giảng viên phải biết linh hoạt ứng phó trong mọi tình huống, nắm chắc và vận dụng tốt phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt động người học.

Dạy văn học hiện đại cần cho người học sống với chính tác phẩm văn học.

Chẳng hạn dạy tác giả Nguyễn Minh Châu, yêu cầu sinh viên tìm đọc tiểu thuyết Cửa sông, Dấu chân người lính, Miền cháy , Lửa từ những ngôi nhà, Những người đi từ trong rừng ra, Mảnh đất tình yêu hay tập truyện ngắn Những vùng trời khác nhau, Bức tranh và cả truyện viết cho thiếu nhi Từ giã tuổi thơ, Những ngày lưu lạc, Đảo đá kỳ lạ.

Quá trình đọc thầm để thông hiểu nội dung, trả lời yêu cầu của giảng viên cũng chính là lúc sinh viên được chủ động chiếm lĩnh tri thức và tác động kép đến việc rèn kỹ năng đọc, kỹ năng nói.

Nếu là tiết khái quát văn học, yêu cầu sinh viên đọc giáo trình, bài giảng để nắm nội dung kiến thức chung. Ở đây giảng viên cần phải có biện pháp cụ thể yêu cầu sinh viên đọc.

Có thể gọi bất kỳ sinh viên nào trả lời đúng nội dung yêu cầu của giảng viên để buộc các em phải chủ động đọc hiểu. Công đoạn này tạo điều kiện cho giảng viên tích hợp nhằm rèn kỹ năng đọc thầm, đọc hiểu.

Sinh viên đọc, động não, tìm tòi những vấn đề đặt ra trong bài giảng là quá trình tích lũy thêm kiến thức và rèn kỹ năng đọc.

Tất nhiên, ở đây giảng viên phải vận dụng các hình thức đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt động của người học; linh hoạt vận dụng một cách sáng tạo các hình thức tổ chức dạy học phù hợp với yêu cầu tích hợp để nâng cao năng lực đọc cho sinh viên.

Trong giờ dạy tác giả, giảng viên yêu cầu mỗi sinh viên đọc, chuẩn bị mọi điều kiện để phân tích tác phẩm. Quá trình thực hiện hoạt động, sinh viên buộc phải đọc đúng để có cơ sở cảm, hiểu tác phẩm mà phân tích.

Đối với những tác phẩm thơ có thể yêu cầu sinh viên đọc diễn cảm. Chẳng hạn dạy tác giả Xuân Quỳnh, ta có thể cho sinh viên đọc một số bài thơ hay như: Sóng, Tự hát, Thuyền và biển, Bàn tay em để nâng cao năng lực đọc diễn cảm.

Giảng viên yêu cầu nhóm sinh viên hoạt động phân tích và nhận xét đánh giá. Trong quá trình đánh giá cần coi trọng những nhận xét về phương pháp phân tích, cách nhận diện điểm sáng thẩm mỹ, nhận vật.

Nếu là tác phẩm thơ thì nhận xét cách đọc diễn cảm bài thơ cả về phát âm, ngắt nghỉ, ngữ điệu, tốc độ, âm lượng và nét mặt điệu bộ, giọng điệu, nhạc điệu, nhịp điệu...

Chẳng hạn, giảng viên có thể nêu yêu cầu: Khi đọc bài thơ Tiếng gà trưa (Xuân Quỳnh), anh chị cần chú trọng nhấn ở những từ ngữ nào? Đọc với giọng như thế nào? Nhịp điệu có gì đặc biệt?

Đây cũng là lúc giảng viên có thể tích hợp để củng cố tri thức và rèn kỹ năng đọc diễn cảm, hiểu rõ văn bản tác phẩm cho sinh viên.

Nếu là tác phẩm văn xuôi, chú ý nhận xét về cách nhập thân vào số phận nhân vật để phân tích tâm lý, tính cách, giọng điệu, thâm nhập sâu vào nội dung văn bản, lựa chọn cách đọc phù hợp.

Chẳng hạn, dạy Tô Hoài, chúng ta yêu cầu sinh viên đọc “Truyện Tây bắc”, “Dế Mèn phiêu lưu ký” và phân tích đặc điểm tính cách các nhân vật Mị, A Phủ, thống lý Pá Tra, Dế mèn, Trũi... để thông hiểu tác phẩm, nắm chắc giọng điệu, tính cách nhân vật và lựa chọn cách đọc phù hợp với ngôn ngữ. 

Rèn kỹ năng nói

Để tăng cường rèn kỹ năng nói cho sinh viên sư phạm Ngữ Văn, theo TS Nguyễn Thị Nga cho biết bản thân vẫn thường xuyên tích hợp, lồng ghép yêu cầu về kỹ năng này vào quá trình tổ chức thực hiện giảng dạy.

Bài giảng sẽ thành công khi người giảng viên dừng lại đúng mức trước vấn đề, không quá thái chú trọng tích hợp để biến giờ văn học hiện đại thành bài dạy rèn nghiệp vụ sư phạm.

Chẳng hạn dạy mục “Khái quát Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945”, giảng viên yêu cầu sinh viên thảo luận: Tại sao Giáo trình Văn học hiện đại I nhận định “Ở nước ta, một năm đã có thể kể như 30 năm của người”.

Giảng viên yêu cầu sinh viên chuẩn bị trước dàn bài, nêu các ý chính, những thành tựu của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Sinh viên trình bày ý kiến theo yêu cầu. Giảng viên có nhận xét sửa chữa để giúp sinh viên hiểu nội dung, kiến thức đồng thời nhận thức được yêu cầu nói cái gì, nói thế nào, có đầy đủ thông tin và biết chọn lọc nói đúng mục đích đối tượng giao tiếp.

Việc lựa chọn ngôn ngữ, nghi thức, lời nói, quy tắc hội thoại cũng góp phần nói đúng, thuyết phục người nghe.

Đặc biệt giảng viên phải biết khêu gợi, tạo cho sinh viên nhu cầu được nói, được bộc lộ suy nghĩ của mình về vấn đề đã nêu.

Giảng viên cần tạo hoàn cảnh giao tiếp cho sinh viên bằng cách đặt câu hỏi, đặt vấn đề thảo luận, biết động viên khích lệ, tạo điều kiện cho mọi người cùng tham gia, hợp tác.

Đôi khi chỉ cần qua lời nhận xét, đánh giá của giảng viên: “Em cần lựa chọn ngôn ngữ chính xác hơn, diễn đạt rõ hơn...” cũng có thể giúp cho sinh viên rút kinh nghiệm được trong quá trình nói.

Trong giảng dạy, theo TS Nguyễn Thị Nga luôn thiết kế một hệ thống câu hỏi tạo môi trường cho sinh viên nói. Như đặt ra các tình huống có vấn đề tạo điều kiện cho sinh viên được tham gia trao đổi thảo luận.

Sau các phần trình bày, giảng viên định hướng để các sinh viên trong lớp nhận xét về cách nói có bạn, có hấp dẫn không? Có tạo được hứng thú không? Phần mở đầu, kết thúc ra sao? Có những giao cảm bằng mắt không? Tư thế tác phong như thế nào? Giọng nói đã phù hợp chưa? ,…

Giảng viên chú trọng giúp cho sinh viên bộc lộ suy nghĩ, tình cảm một cách thẳng thắn, chân thành để phát huy khả năng tự nghiên cứu, tự học cũng như năng lực nói.

Khi dạy các tác giả: Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh, Tản Đà, Xuân Diệu, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tố Hữu, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Quỳnh... , giảng viên nên yêu cầu sinh viên tự trình bày ý tưởng, thảo luận nội dung các mục: Tiểu sử và con người, quan niệm nghệ thuật tạo điều kiện môi trường cho người học được nói, được giao tiếp.

Đây là cơ hội giúp người học tự bộc lộ khả năng diễn đạt của mình trước lớp, rèn luyện tính tự tin, mạnh dạn, tính chủ động trọng mọi tình huống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ