Lần đầu xa nhà… mất liên lạc
Việc nam sinh viên năm thứ nhất đi xe khách từ Bình Định vào TPHCM để nhập học tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE), sau đó gia đình mất liên lạc khiến người thân lo lắng.
Ngày 14/2, trao đổi với Báo Giáo dục & Thời đại, ông Trần Thanh Thưởng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên HCMUTE cho biết: Nam sinh tên N. V. N là sinh viên năm 1 ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô hệ chất lượng cao tiếng Anh (lớp 21145CLA thuộc khoa Đào tạo chất lượng cao của HCMUTE).
“Nhà trường đã liên lạc với gia đình và tới thời điểm hiện tại hai bên vẫn chưa liên lạc được với nam sinh. Học kỳ I vừa qua, em chỉ học môn Tiếng Anh và có điểm tích lũy trung bình là 8,6. Đây là số điểm khá tốt. Ngoài ra, em đã đăng ký ở ký túc xá của trường và đóng tiền nhưng đến nay chưa thấy tới ở” - ông Trần Thanh Thưởng chia sẻ.
Trước đó ngày 13/2, chị Hồ Thị Cẩm Nhung (ngụ tỉnh Bình Định) là chị họ của nam sinh viên cho biết gia đình vẫn chưa tìm được tung tích và thông tin liên quan.
“Chiều 11/2, Nghĩa lên xe khách Tân Hoa Châu từ Bình Định vào nhập học năm nhất tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ở TP Thủ Đức, TPHCM. Tuy nhiên, đến 5 giờ sáng 12/2, xe đến bến xe Miền Đông nhưng gia đình không thấy Nghĩa cho đến nay.
Tôi có dặn em đến bến xe Miền Đông thì gọi điện để đón nhưng không thấy gọi. Tôi gọi lại và nhắn tin cho em cũng không liên lạc được. Tôi đến bến xe, tìm chỗ nhà xe và khắp nơi cũng không thấy đâu nên trình báo công an”, chị Nhung thông tin thêm.
Cảnh giác với bán hàng đa cấp, học bổng toàn phần
Nhiều trường liên tục cảnh báo tới sinh viên và gia đình về tình trạng một số sinh viên dính vào đường dây bán hàng đa cấp, học bổng toàn phần.
Cuối tháng 5/2021, Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM (HUFLIT) đã tiếp một trường hợp phản ánh về việc nghi ngờ mạo danh nhà trường để lừa đảo liên quan đến việc cấp học bổng toàn phần cho sinh viên của trường. Cụ thể, phụ huynh này cho biết nhận được thông báo con họ (là SV năm nhất khoa Ngoại ngữ của HUFLIT) trúng tuyển học bổng toàn phần chương trình đào tạo đặc biệt của HUFLIT (có sử dụng tên, logo trường nhưng không có người ký và dấu).
Các thông báo này có kết quả xét tuyển, thời gian và địa điểm nhập học, hoàn toàn không đề cập đến chuyện tiền bạc hay công ty bên ngoài. Tuy nhiên, có một giấy báo ghi chú “mọi thắc mắc vui lòng liên hệ trưởng phòng kinh doanh công ty”.
Thấy có dấu hiệu đáng ngờ, phụ huynh liên hệ với trường được biết không có học bổng nào như vậy cũng như quy định chứng minh tài chính trước khi nhận được học bổng. Phụ huynh tìm thông tin công ty mà sinh viên yêu cầu chuyển khoản thì đây là một công ty đa cấp.
Ông Đinh Hồng Vân - Trưởng phòng Chính trị - Công tác sinh viên HUFLIT cho biết: Sau khi có thông tin nhà trường liên lạc với sinh viên để gặp trao đổi trực tiếp nhưng sinh viên không lên trường và cũng không gặp cha mẹ mà chỉ nhắn tin. Thời gian dài sau đó, sinh viên này mới chịu gặp người nhà thông tin về vụ việc và làm đơn xin bảo lưu kết quả học tập một năm.
Từ vụ việc trên, ông Đinh Hồng Vân lưu ý: “Nếu phụ huynh hoặc sinh viên khi không rõ thông tin có thể điện hỏi nhà trường thông qua các phòng chức năng. Đồng thời, nhà trường tăng cường cảnh báo trong những đợt sinh hoạt đầu năm, khi đối thoại hoặc khi xuất hiện những chiêu thức mới, thông qua đội ngũ giảng viên cố vấn, công tác sinh viên để cảnh báo người học. Bên cạnh đó, sinh viên cần kiểm tra thông tin kỹ lưỡng, tránh nhẹ dạ cả tin”.
Anh Lê Xuân Thân - Bí thư Đoàn Trường HCMUTE cũng lưu ý: Tân sinh viên nên chú ý một số vấn đề như khi có người lạ chủ động làm quen. Trong đó có trường hợp tự chủ động làm quen với mình, và hỏi thông tin, trao đổi, sau đó nhắn hẹn mình đi gặp ở quán cà phê nào đó để nói chuyện vì cảm thấy nói chuyện hợp, hoặc giới thiệu các câu lạc bộ ngoài nhà trường; Cũng có trường hợp khơi gợi chuyện khởi nghiệp, kiếm tiền… Đây chính là các dạng đa cấp đang chiêu dụ các tân sinh viên…
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM (HUFI) ngày 14/2 có khoảng 5.000 sinh viên đi học trở lại. Theo ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông nhà trường, vấn đề an toàn cho sinh viên luôn được nhà trường quan tâm sâu sắc. Những trường hợp như việc nam sinh mất tích, nhà trường đã lường trước và có phương án để xử lý bằng cách liên hệ với tân sinh viên để kiếm nhà trọ. Đồng thời, nhà trường cũng chuẩn bị sẵn sàng chỗ trọ từ Tết dương lịch với khoảng 2.500 chỗ trọ và ký túc xá cũng chuẩn bị chừng 500 chỗ cho các tân sinh viên khi đi học trở lại.
“Bên cạnh đó, nhà trường đã trang bị các đường dây nóng từ đoàn thanh niên… khi cần sinh viên có thể liên hệ trực tiếp. Các sinh viên hãy an tâm, khi cần có thể liên hệ với Đoàn thanh niên để được hỗ trợ” ThS Phạm Thái Sơn chia sẻ.