Đón sinh viên trở lại trường: Tổ chức dạy học khoa học và hợp lý

GD&TĐ - Chiều 14/2, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã đến kiểm tra công tác mở cửa đón sinh viên trở lại học tập trung của Trường ĐH Giao thông Vận tải (Hà Nội).

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra một lớp học trực tiếp.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra một lớp học trực tiếp.

Lộ trình từng bước

PGS.TS Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải cho biết, hiện có khoảng gần 4 nghìn sinh viên trở lại trường; trong đó có khoảng 2 nghìn sinh viên đã học trực tiếp từ hôm nay (14/2, PV). Gần 2 nghìn sinh viên năm cuối cũng đã trở lại trường để học các học phần thực hành, thực tập.

“Việc mở cửa trường học có lộ trình từng bước. Với những lớp đang tổ chức thi online từ trước Tết Nguyên đán chưa nhất thiết phải trở lại trường, mà vẫn tiếp tục thi trực tuyến.

Số sinh viên trở lại trường sẽ tiếp tục tăng lên. Dự kiến 3 tuần sau, nhà trường sẽ đón toàn bộ sinh viên trở lại để học tập trung” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Long nói, đồng thời khẳng định: Trước khi đón sinh viên trở lại trường, công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh được chú trọng. Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ về vật tư, trang thiết bị y tế, vệ sinh, dung dịch khử khuẩn, khẩu trang…

Nhà trường đã tổ chức khảo sát tình trạng tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Theo kết quả khảo sát, hiện có hơn 4.700 sinh viên đã tiêm mũi 3; trên 12 nghìn sinh viên tiêm mũi 2 và gần 14.900 sinh viên tiêm mũi 1. Cũng qua khảo sát, hầu hết cán bộ, giảng viên, sinh viên đều có nguyện vọng trở lại trường.

Mặt khác, Trường ĐH Giao thông Vận tải chuẩn bị phòng học phù hợp với thời khoá biểu của từng khoá, từng khoa, từng đối tượng theo lộ trình, kế hoạch đào tạo đã ban hành. Ngoài ra, nhà trường đã xây dựng phương án khử khuẩn lớp học khi phát hiện trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc nghi nhiễm Covid-19.

Nhà trường đã triển khai hệ thống giảng dạy, học tập trực tuyến. Hệ thống này sẽ được kích hoạt khi xuất hiện F0 tại các lớp học phần và phải chuyển sang giảng dạy, học tập trực tuyến.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trường ĐH Giao thông Vận tải, khó khăn hiện nay là: Nhà trường đang thực hiện triển khai đào tạo theo hệ thống tín chỉ (1 sinh viên tham gia nhiều học phần và 1 lớp học phần có nhiều sinh viên ở các lớp khác nhau). Vậy nên, trường hợp xuất hiện F0 trong thời gian học trực tiếp thì nhiều lớp học phần phải chuyển sang học trực tuyến, dẫn đến tình trạng sinh viên vừa phải học trực tiếp, và phải học trực tuyến.

Ngoài ra, việc bố trí cho sinh viên đi học thực tập trực tiếp ở một số cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, vì thực tế hiện có một số đơn vị không nhận sinh viên thực tập.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác kiểm tra xưởng thực hành của Trường ĐH Giao thông vận tải.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn và đoàn công tác kiểm tra xưởng thực hành của Trường ĐH Giao thông vận tải.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Long kiến nghị, UBND quận Đống Đa giải toả khu cách ly tập trung dự phòng trong ký túc xá của trường để bố trí chỗ ở cho sinh viên nội trú. Hỗ trợ về tài chính, nơi cách ly cho sinh viên trong trường hợp xuất hiện nhiều F0 khi tổ chức giảng dạy – học tập trực tiếp tại trường.

Sẵn sàng thích ứng

Tại buổi làm việc, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT ghi nhận công tác chuẩn bị chu đáo của Trường ĐH Giao thông Vận tải trước khi tổ chức đón sinh viên trở lại học tập trung. Đoàn công tác ghi nhận cách làm thận trọng, sáng tạo của trường khi xây dựng phương án, kịch bản chi tiết đón sinh viên và tổ chức dạy học.

Đánh giá cao những nỗ lực khắc phục khó khăn của Trường ĐH Giao thông Vận tải, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, việc tổ chức cho sinh viên trở lại trường học tập trung là cần thiết.

Trường cần nắm chắc dữ liệu thông tin của sinh viên, từ đó mới có quyết định đúng và trúng. Bên cạnh đó, cần cập nhật thường xuyên tình hình tiêm chủng của sinh viên, diễn biến dịch bệnh để có biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời.

Một lớp học trực tiếp của Trường ĐH Giao thông Vận tải.
Một lớp học trực tiếp của Trường ĐH Giao thông Vận tải.

Trên quan điểm sinh viên của trường nhưng cũng là cư dân của thành phố, Thứ trưởng đề nghị, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, làm tốt công tác tiêm chủng cho sinh viên chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ tối thiểu 2 mũi và có biện pháp hỗ trợ, xử lý nếu xuất hiện những trường hợp F0.

Song song với công tác phòng, chống dịch bệnh, nhà trường cần tổ chức phương án dạy học khoa học. Theo Thứ trưởng, đưa sinh viên trở lại trường, không có nghĩa là 100% sinh viên học trực tiếp. Với những học phần học trực tuyến tốt hơn thì có thể tiếp tục triển khai áp dụng phương án này.

Ngoài việc dạy học trực tiếp, toàn bộ bài giảng có thể đưa lên hệ thống LMS để những sinh viên không thể đến trường có thể xem lại bài giảng qua hệ thống này.

Cũng theo Thứ trưởng, nhà trường cần làm tốt công tác truyền thông nội bộ, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện phương án, kịch bản ứng phó nếu có F0; sẵn sàng thích ứng và tổ chức các hoạt động đào tạo hợp lý.

Dịch bệnh làm thay đổi nhiều thứ: Từ phương thức cung cấp dịch vụ cho người học, nghiên cứu phát triển, mô hình tổ chức, cơ cấu ngành nghề đến vai trò của người thầy. Do đó, Trường ĐH Giao thông Vận tải cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; từng bước chuyển đổi để có những bước đi thích hợp.

Thứ trưởng nhìn nhận, hiện nay việc lựa chọn ngành học, trường học của học sinh sẽ có nhiều thay đổi; vì thế nếu không có chuẩn bị trước, cơ sở giáo dục đại học sẽ bị bất ngờ.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn gợi ý, Trường ĐH Giao thông Vận tải có thể hợp tác với các trường khác để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và tài nguyên học liệu. Cùng với đó, xây dựng nền tảng, kho học liệu số chung và những chuẩn mực trong chương trình đào tạo. Đó là những bước đi mà chúng ta cần tính tới trong tương lai, chứ không phải chỉ trong mùa dịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ