Sinh viên gặp khó khăn khi học tập trung: Nhận diện để tháo gỡ

GD&TĐ - Nhiều sinh viên lo ngại đối diện với khó khăn, rào cản khi trở lại học tập trung.

Một lớp học trực tiếp của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sau thời gian dài học trực tuyến. Ảnh: TG
Một lớp học trực tiếp của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sau thời gian dài học trực tuyến. Ảnh: TG

Trong đó, không ít bạn lo lắng về khả năng lây nhiễm Covid-19, hoặc tìm thuê nhà trọ, chi phí học tập và một số cạm bẫy nơi phồn hoa, phố thị…

Nhận diện khó khăn

Trở thành F0 khi quay trở lại trường học tập trung, N.P.A – sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) - bộc bạch: Điều mà em lo lắng cũng đã đến. Rất may, em được thầy, cô, bạn bè và nhà trường quan tâm, giúp đỡ. Hơn nữa, em đã tiêm phòng 3 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 nên các triệu chứng chỉ xuất hiện qua loa.

Chuẩn bị cho việc học trực tiếp, sau Tết, N.P.A một mình bắt xe lên thành phố nên có đôi chút lo sợ. Ngoài vấn đề dịch bệnh, N.P.A lo lắng khi phải đối diện với một số khó khăn khác như: Tìm nhà trọ, “sập bẫy” của người xấu.

Từ kinh nghiệm của bản thân, N.P.A khuyên các tân sinh viên nên đi cùng người thân, bạn bè. Nếu buộc phải đi một mình, cần cảnh giác và có ý thức bảo vệ chính mình. Hạn chế để lộ thông tin cá nhân, nơi sinh sống. Nếu sinh viên đi xe khách, tàu hỏa nên để ví tiền sâu trong ba lô, đi xe bus nên đeo ba lô trước ngực. Đặc biệt, hãy gọi về nhà trường, liên hệ với các đội tình nguyện để được hỗ trợ.

Từ ngày 14/2, sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội trở lại học tập trung. Theo đó,  nhà trường đã thành lập đội y tế lưu động, trang bị đầy đủ vật tư, điều kiện phòng chống dịch bệnh tại các khu giảng đường và ký túc xá. Ngoài ra, nhà trường thành lập các đội hỗ trợ sinh viên tìm nhà trọ giá rẻ và bảo đảm an toàn, an ninh trật tự. Đồng thời, tổ chức hoạt động hỗ trợ kỹ năng cho sinh viên khi trở lại trường học trực tiếp, giúp các em sớm hòa nhập với môi trường học tập và sinh hoạt mới.

ThS Trần Phương Thảo - Chủ tịch Hội Sinh viên, Trường ĐH Mở Hà Nội - cho biết: Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên cũng đã triển khai hệ thống Ngân hàng nhà trọ sinh viên với hơn 1.000 địa chỉ nhà trọ uy tín, giúp cho sinh viên ổn định nơi ăn ở, sẵn sàng quay trở lại học trực. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức các hoạt động ý nghĩa khác để đồng hành cùng sinh viên trong học tập cũng như cuộc sống” - ThS Trần Phương Thảo thông tin.

Mới đây, trong buổi Toạ đàm “Trở lại trường sau đại dịch: Biến thách thức thành cơ hội”, TS Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) – viện dẫn số liệu khảo sát sự sẵn sàng của người học khi quay trở lại học trực tiếp. Dữ liệu khảo sát thu được từ hơn 1.500 sinh viên đến từ 13 đơn vị khác nhau trong ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy, có 2 luồng đánh giá khác biệt giữa việc muốn được tiếp tục học trực tuyến và quay trở lại học trực tiếp.

Cụ thể, 56,7% sinh viên cảm thấy sẽ gặp phải khó khăn khi quay trở lại học trực tiếp với nhiều lý do khác nhau; trong đó khó khăn được nhắc đến nhiều nhất là lo lắng khả năng có thể bị lây nhiễm Covid-19. Sinh viên cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà trường như: Được tạo điều kiện và hỗ trợ trong học tập; có quy định và chính sách cụ thể với các sinh viên mắc Covid-19 hoặc có nguy cơ mắc bệnh này trong quá trình học tập; có hoạt động để sinh viên làm quen lại/hòa nhập với môi trường học tập và sinh hoạt…

Trường ĐH Mở Hà Nội hỗ trợ sinh viên thuộc diện F0. Ảnh: NTCC
Trường ĐH Mở Hà Nội hỗ trợ sinh viên thuộc diện F0. Ảnh: NTCC

Vượt qua nỗi sợ

Trên phương diện tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) – chia sẻ: Sau thời gian dài học trực tuyến, khi phải đến trường, đối diện một môi trường với nhiều thứ bất định, thông tin chưa rõ ràng, nhiều sinh viên sẽ cảm thấy lo lắng, bất an và nảy sinh luồng suy nghĩ tiêu cực. Trước tiên, do ở nhà quá lâu khiến sinh viên, học viên mất đi kỹ năng, không có động cơ tham gia vào bất cứ hoạt động nào khi bắt đầu trở lại trường. Chưa hết, nhiều em còn cảm thấy tủi thân, thất vọng khi phải rời xa nhà, môi trường vốn thân thuộc, an toàn và thoải mái.

Cũng theo PGS.TS Trần Thành Nam, việc đến trường học trực tiếp cũng khiến nhiều sinh viên rơi vào cảm giác bất an, lo lắng nếu chẳng may bản thân bị nhiễm bệnh hay những hội chứng hậu Covid-19. Một số em cũng đối diện với vấn đề liên quan đến cơm áo gạo tiền, nơi ăn chốn ở, các tình huống bất định như: Bắt nạt, nạn trộm cắp… Sự tổn thương về sức khỏe tinh thần sẽ gây nên những hành vi cảm xúc mất kiểm soát, nhiều bạn trẻ trở nên bốc đồng, hành xử hung hăng hơn, từ đây ảnh hưởng tới kết quả học tập cũng như chất lượng cuộc sống.

Với tân sinh viên, TS Hoàng Trung Học, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) - nhìn nhận: Môi trường học tập mới mang lại cho các bạn nhiều trải nghiệm thú vị để trưởng thành, nhưng cũng có thể nhấn chìm tương lai của các em bởi các cạm bẫy. Các em cần tỉnh táo vượt qua những cạm bẫy từ chính mình. Đó là tâm lý thỏa mãn quá đà, thiếu tinh thần vượt khó trước những khó khăn trong quá trình học đại học.

Để thích ứng với môi trường học tập mới, biến thành thị và các trường đại học trở thành bệ phóng cho sự thành công, TS Hoàng Trung Học khuyến nghị sinh viên, nhất là sinh viên năm thứ nhất, cần chuẩn bị tốt kỹ năng sống như: Kỹ năng thiết lập và duy trì các mối quan hệ xã hội; quản lý thời gian và tài chính; phòng chống lừa đảo qua mạng xã hội; quản lý kế hoạch phát triển cá nhân; học tập hiệu quả trong môi trường đại học.

Nhấn mạnh, cách thức vượt qua nỗi sợ là đối diện với nó chứ không phải né tránh mãi, PGS.TS Trần Thành Nam – cho rằng: Né tránh mãi làm chúng ta lo sợ hơn. Do đó cần đủ tỉnh táo để phân biệt được nguy cơ  và cách xử lý.

Dưới góc độ khoa học, các trường cần có những chuẩn bị để sinh viên, giảng viên trở lại trường học trong trạng thái bình thường mới như: An tâm về hệ thống hỗ trợ, Hiệu quả giáo dục và mục tiêu cho tương lai, sẵn sàng về sức khỏe và sức khỏe tinh thần, suy nghĩ tích cực về tương lai…

“Thầy cô và nhà trường cần lên một kịch bản cụ thể về việc đón sinh viên quay trở lại trường. Kịch bản ở đây có thể bao gồm các hoạt động hội nhập, kết nối; thông báo rõ kế hoạch kết thúc năm học để giảm tối đa tính bất định; hay bình thường hóa lo lắng và định hướng chú ý vào những gì có thể kiểm soát được” - PGS.TS Trần Thành Nam nêu ý kiến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.