Sinh viên chật vật lo chỗ ở, KTX vắng hoe

Sinh viên chật vật lo chỗ ở, KTX vắng hoe

(GD&TĐ) - Đà Nẵng là thành phố lớn nhất Trung bộ, cũng là nơi tập trung đông các trường ĐH, CĐ và số lượng SV lên tới 100.000 người. Mặc dù các trường thiếu KTX trầm trọng nhưng hai dự án KTX tập trung sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và thành phố Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa hút được sinh viên.

Được đưa vào khai thác, sử dụng gần 1 năm nay, tuy nhiên, hiện nay hai khu ký túc xá tập trung phía Tây (tổ 38, phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu) và khu ký túc xá (KTX) phía Đông (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) chỉ mới thu hút được khoảng gần 1.000 học sinh, sinh viên (HSSV) đến ở. Trong khi đó, 2 khu KTX này có sức chứa lên đến 10.000 SV.

Còn hơn 55.000 HSSV có nhu cầu chỗ ở

Hiện tại, chỉ tính riêng ĐH Đà Nẵng đang có gần 90.000 HSSV đang theo học tại các trường thành viên. Trong đó, có gần 55.000 HSSV theo học hệ chính quy tập trung có nhu cầu ở KTX. Mặc dù đã khai thác khá hiệu quả, hiệu suất sử dụng đạt trên 80% nhưng hiện nay 5 khu KTX của ĐH Đà Nẵng hiện nay chỉ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu chỗ ở của HSSV (khoảng gần 6.000 chỗ ở). Số HSSV còn lại ở ngoại trú phân tán khắp các nơi trên địa bàn thành phố có điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, điều kiện vệ sinh, an ninh trật tự còn nhiều bất cập. Vì vậy, công tác quản lý HSSV ngoại trú luôn là mối quan tâm, trăn trở và lo lắng của ĐH Đà Nẵng, cũng như các trường trên địa bàn thành phố và chính quyền địa phương.

Mặc dù giá phòng thuê tại KTX rất “mềm” nhưng vẫn đói khách
Mặc dù giá phòng thuê tại KTX rất “mềm” nhưng vẫn đói khách

Hiện nay, chỉ tính riêng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) có tổng số trên 15.000 SV, hầu hết là con em các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên có điều kiện kinh tế gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn, cho nên các em đều có nhu cầu ở trọ tại các khu KTX. Tuy nhiên, khu KTX trường đã khai thác tối đa chỗ ở nhưng chỉ mới đáp ứng cho hơn 1.500 SV đang theo học tại trường.

Tương tự, số lượng SV có nhu cầu chỗ ở trong KTX tại các Trường ĐH Sư phạm, ĐH Kinh tế, CĐ Công nghệ, CĐ Công nghệ thông tin cũng còn rất lớn. Tiến sĩ Huỳnh Minh Sơn, Trưởng Ban Công tác HSSV (ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Trung bình hằng năm Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng có khoảng gần 6.400 SV theo học. Tuy nhiên khu KTX trường chỉ tiếp nhận được khoảng 1.000 SV, số lượng SV còn lại phải tự tìm chỗ ở bên ngoài. Hay như Trường ĐH Kinh tế cũng vậy, là một trong những trường thành viên có số lượng sinh viên khá lớn, tuy vậy khu KTX của trường hiện có sức chứa khoảng gần 880 SV, nên cứ vào mỗi đầu năm học, SV phải rất vất vả đi tìm kiếm chỗ trọ ngoài dân”. 

Mặt khác, hầu hết các khu KTX của ĐH Đà Nẵng có thời gian xây dựng hơn 30 năm đến nay cũ và xuống cấp trầm trọng. Vì thế, việc nâng cao hiệu quả khai thác của các khu KTX hiện có và tiếp tục xây mới thêm nhiều khu KTX phục vụ nhu cầu chỗ ở cho HSSV có một ý nghĩa quan trọng, đặc biệt yêu cầu càng trở nên bức bách hơn khi số lượng HSSV của các trường ngày càng tăng.

Khu ký túc hiện đại, không thu hút được sinh viên đến ở

Hai khu KTX tập trung DMC – 579 được xây dựng từ dự án do UBND TP.Đà Nẵng làm chủ đầu tư, giao cho Liên doanh Công ty cổ phần Đức Mạnh và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 579 xây dựng, khai thác, điều hành và Công ty cổ phần 570-STT trực tiếp quản lý. 

KTX tập trung DMC - 579 được xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ và nguồn vốn của thành phố Đà Nẵng nhưng hiện nay khai thác chưa hiệu quả gây lãng phí lớn
KTX tập trung DMC - 579 được xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ và nguồn vốn của thành phố Đà Nẵng nhưng hiện nay khai thác chưa hiệu quả gây lãng phí lớn

Hai khu KTX này là những khu nhà 9 và 5 tầng, cùng với các khu: căng tin, nhà ăn, khu siêu thị mini, sân hoạt động thể dục, thể thao, rạp chiếu phim 3D… được đầu tư xây dựng hiện đại. Tuy nhiên, sau gần 1 năm đi vào khai thác, hai khu KTX này vẫn không thu hút được sinh viên đến ở. Để giải quyết những vấn đề bất cập này, trong thời gian qua, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều cuộc kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế tại các khu KTX này. Đồng thời chỉ đạo Đại học Đà Nẵng, cùng các trường ĐH, CĐ, TCCN, dạy nghề trên địa bàn phối hợp với đơn vị quản lý, khai thác là Công ty cổ phần 570 - STT tổ chức họp bàn nhằm đề ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Làm gì để thu hút HSSV đến ở và làm sao để khai thác, sử dụng hiệu quả các khu KTX tập trung dành cho SV của thành phố, tránh gây lãng phí lớn như hiện nay? Vấn đề trên được nhiều cán bộ, quản lý các trường ĐH, CĐ TCCN, dạy nghề trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tập trung bàn luận, đóng góp ý kiến cho các đơn vị quản lý các khu KTX hiện tai và công tác thiết kế, xây dựng các công trình KTX trong tương lai.

Trên quan điểm về công tác HSSV, ông Huỳnh Minh Sơn - Trưởng Ban Công tác HSSV (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, muốn quá trình sử dụng các khu KTX hiệu quả, thì việc đầu tư xây dựng KTX cần tính toán đảm bảo các nhu cầu sinh hoạt thuận tiện và kinh tế nhất cho HSSV, nhất là đối tượng HSSV có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng chính sách, HSSV tài năng. Các cơ sở trang thiết bị phục vụ phải dựa trên các tiêu chí: Tiết kiệm, tiện lợi và phương thức phục vụ thân thiện. 

Một vấn đề khác khiến cho các khu KTX hiện nay không thu hút được HSSV đến ở là không cho phép HSSV tự nấu ăn. Vì vậy, theo ông Phan Kim Tuấn, Trưởng phòng CTSV (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng), các khu KTX cần đảm bảo các điều kiện thích ứng với nhu cầu về chỗ ở của SV như đảm bảo thuận tiện cho SV trong các sinh hoạt cá nhân, như phải có khu vệ sinh khép kín, khu nấu ăn… Cung cấp các dịch vụ tại chỗ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của SV như các dịch vụ ăn uống, giải khát, giặt là… và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tạo sân chơi thu hút SV.

Với đặc điểm chung của các khu KTX tập trung hiện nay cách xa các trường, nên việc đi lại của HSSV hết sức khó khăn và chính điều này đã hạn chế số lượng HSSV đến ở, mặc dù nhu cầu và mong muốn của HSSV đến ở là rất lớn. Với kinh nghiệm lâu năm làm công tác HSSV, quản lý khu KTX tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, ông Nguyễn Phú Nghĩ cho rằng, để các KTX tập trung thu hút HSSV thì cần có hệ thống giao thông công cộng được bố trí hợp lý, thuận lợi cho việc đi lại của SV. Theo đó, cần tạo điều kiện thuận lợi để người thân, bạn bè của HSSV khi có nhu cầu đến thăm hỏi và giảm số lượng sinh viên ở trong một phòng, không nên vì mục đích kinh doanh làm ảnh hưởng đến môi trường sống, sinh hoạt của HSSV.

Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng khác mà chưa được các đơn vị quản lý, khai thác các khu KTX tập trung chưa thực sự coi trọng là công tác truyền thông để HSSV, cùng người dân nắm bắt các thông tin liên quan đến các khu KTX. Cho nên, để góp phần nâng cao hiệu quả khai thác, các đơn vị quản lý khu KTX cần có kế hoạch triển khai công tác truyền thông rộng rãi đến HSSV, nên tổ chức lòng ghép đưa thông tin về KTX  vào trong các buổi tư vấn tuyển sinh, tiếp sức mùa thi ở các tỉnh thành, tập trung nhất là vào tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Trước nhu cầu chỗ ở của HSSV ngày càng cao, trong khi khả năng đáp ứng nhu cầu của các trường có hạn, vì vậy, vấn đề xã hội hóa đáp ứng chỗ ở cho HSSV là rất cần thiết và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chủ trương chính sách đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó có các khu KTX tập trung cho HSSV của Chính phủ thực sự là luồng gió mới, tiếp thêm sức mạnh và góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Chính vì thế, làm thế nào để giải quyết những bất cập tại các khu KTX tập trung và tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả, đang là nhiêm vụ, trách nhiệm đặt ra đối với các đơn vị quản lý các khu KTX tập trung này.

 Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng: “Hai khu KTX DMC - 579 được xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ và nguồn vốn của thành phố Đà Nẵng có khả năng giải quyết khoảng 10.000 chỗ ở cho HSSV, tuy nhiên hiện nay chỉ mới khai thác và thu hút được khoảng gần 1.000 chỗ ở. Con số trên đã thể hiện những vấn đề bấp cập trong việc khai thác, sử dụng của hai khu KTX này”. 

Vì vậy, để nhanh chóng khắc phục những vấn đề còn bất cập, có giải pháp khai thác và sử dụng có hiệu quả, không để công trình gây lãng phí kéo dài. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ đạo: “Đơn vị quản lý, khai thác cần nghiên cứu tình hình để tiếp tục hạ giá thành từ 110.000 đồng/SV/tháng như hiện nay xuống còn khoảng 85.000 đồng. Đồng thời, có phương án cải tạo thiết kế phòng ở hợp lý hơn, cũng như có thái độ phục vụ thân thiện”

Đại Thắng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ