“Siêu” dự án thép Vạn Lợi (Hà Tĩnh): Mua “ba vạn”, bán “ba đồng”

GD&TĐ - Dự án thép Vạn Lợi, thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng nhưng đã “chết yểu” gần chục năm nay và các ngân hàng giờ chia nhau… “đống sắt vụn”. Dự án được đưa ra đấu giá hơn 100 tỷ đồng, trong khi các ngân hàng đã rót vào đây hơn 750 tỷ đồng…

Dự án thép Vạn Lợi giờ chỉ là “đống sắt vụn”
Dự án thép Vạn Lợi giờ chỉ là “đống sắt vụn”

Lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Sau quá trình thẩm định giá, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh đã tổ chức bán hồ sơ đấu thầu tài sản Nhà máy thép Vạn Lợi với giá khởi điểm hơn 100 tỷ đồng.

Bà Thái Thị Tân, Chánh án Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thông tin, do hai bên gồm ngân hàng và chủ đầu tư đã thỏa thuận nhân sự, phía toà án chỉ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo đúng yêu cầu. Đồng thời toà án chuyển toàn bộ hồ sơ sang Chi cục Thi hành án dân sự thị xã để tiến hành thi hành án.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ tranh chấp Nhà máy thép Vạn Lợi, Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh đã hợp đồng với Công ty Cổ phần Giám định và Thẩm định Phương Đồng (Hà Nội) thẩm định giá của nhà máy thép này - ông Nguyễn Hồng Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Kỳ Anh cho biết.

Cũng theo ông Nam, sau hơn một tháng tiến hành kiểm đếm và tính toán của đơn vị thẩm định, Nhà máy thép Vạn Lợi được định giá 108,6 tỷ đồng. Công ty TNHH đấu giá Hồng Lĩnh trúng thầu về việc tổ chức bán đấu giá tài sản Nhà máy thép Vạn Lợi.

Theo đơn vị tổ chức đấu giá, hồ sơ đấu thầu tài sản Nhà máy thép Vạn Lợi đã được bán, dự kiến ngày 26/4 sẽ tiến hành đấu giá tài sản nhà máy thép này.

Những tưởng dự án sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1.200 lao động địa phương nhưng từ năm 2010 công ty đã dừng việc thi công và bỏ hoang từ đó đến nay. Do dự án bỏ hoang quá lâu, đến tháng 5/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận cho phép đầu tư nhà máy. Đồng thời, tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với một số cơ quan chức năng xử lý việc thanh lý dự án, tháo dỡ máy móc, thiết bị...

Dự án Nhà máy Gang thép Vạn Lợi do Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư (trong đó 2 cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Vạn Lợi (Ba Đình - Hà Nội) với tỷ lệ góp vốn 64% và Công ty Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Đống Đa - Hà Nội) góp vốn 34%). Có 3 ngân hàng lớn vốn Nhà nước có chi nhánh tại Hà Tĩnh hùn vốn đầu tư gồm: Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - VCB.

Tọa lạc trên vùng đất rộng 25,8 ha tại Khu kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), theo kế hoạch Dự án khởi công vào tháng 8/2008 với công suất 250.000 tấn/năm (giai đoạn 1), sau đó nâng cấp lên 500.000 tấn/năm. Tháng 2/2010 lắp đặt dây chuyền thiêu kết – luyện gang giai đoạn 1; tháng 7/2008 đến tháng 8/2010 lắp đặt toàn bộ thiết bị, tháng 3/2010 sản xuất thử ra phôi gang và tháng 8 ra phôi thép thương phẩm.

Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh lên gần 2.000 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã giải ngân gần 1.000 tỉ đồng, trong đó hơn 750 tỷ đồng vay từ 3 ngân hàng trên…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.