Tăng trưởng kinh tế có thể vượt mức 6,5%
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2010, các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận một số báo cáo như tình hình kinh tế - xã hội, điều hành kinh tế vĩ mô tháng 7 và bảy tháng đầu năm 2010, dự báo tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, công tác cải cách hành chính tháng 7/2010, việc tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng và nhiều Bộ trưởng đã tham dự buổi họp báo (ảnh:gdtd.vn). |
Các thành viên Chính phủ nhất trí với đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2010 đang phát triển theo chiều hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2010 chỉ tăng 0,06% so với tháng trước, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.
Xuất khẩu trong cả nước tăng 17,5%, nhập khẩu giảm so với tháng trước.
Tuy nhiên Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng thông báo, nền kinh tế còn một số khó khăn, hạn chế như nhập siêu có xu hướng giảm nhưng vẫn còn khá cao; giá cả trên thị trường thế giới và giá vật tư đầu vào tăng gây áp lực đến mặt bằng giá cả trong nước; tình trạng thiếu vốn và lãi suất tín dụng cao vẫn là những khó khăn cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất công nghiệp; thiên tai, dịch bệnh vẫn có nguy cơ lây lan và diễn biến khá phức tạp,…
Theo nhận định của nhiều thành viên Chính phủ, từ nay đến cuối năm, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức cao hơn những tháng đầu năm và có khả năng hoàn thành, thậm chí vượt mức tăng trưởng 6,5% GDP năm 2010 như mục tiêu đề ra.
Sẽ xử lý nghiêm minh những cá nhân có sai phạm của Tập đoàn Vinashin
Cũng tại buổi họp báo, Văn phòng Chính phủ đã công bố những kết luận của các thành viên Chính phủ về tình hình hoạt động và chủ trương, giải pháp ổn định, phát triển Tập đoàn Vinashin.
Theo bản thông báo, năm 2009, Tập đoàn Vinashin kinh doanh thua lỗ lên tới 86.000 tỷ đồng (tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp gần 11 lần).
Chính vì thế, Tập đoàn Vinashin đã rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người.
Tập đoàn Vinashin đã rơi vào tình trạng mất cân đối nghiêm trọng |
Các thành viên Chính phủ cũng thống nhất, những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu, với những biểu hiện như: Năng lực quản trị doanh nghiệp và dự báo yếu kém, trình độ lãnh đạo chưa đáp ứng được yêu cầu…; Báo cáo không đúng sự thật về vốn; Quyết định đầu tư nhiều dự án ngoài quy hoạch; Những yếu kém về quyết định đầu tư, sử dụng vốn của lãnh đạo Vinashin đã làm cho Tập đoàn này không còn khả năng chi trả, không có vốn để hoạt động…
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định tình hình của Vinashin tuy khó khăn như vậy song vẫn trong tầm kiểm soát. Vị lãnh đạo cấp cao của nhà nước cũng khẳng định quyết tâm phục hồi, xây dựng ngành đóng tàu Việt Nam trên nền tảng cơ cấu lại tập đoàn này.
Để khắc phục tình hình, Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng phụ trách để kiện toàn tổ chức và bộ máy lãnh đạo, duy trì sản xuất kinh doanh để tiếp tục tái cơ cấu, tập trung giữ ổn định từng bước phát triển.
Về tài chính, trước hết Tập đoàn Vinashin có trách nhiệm thu hồi, thoái vốn, cổ phần hóa, bán, chuyển giao dự án ngoài ngành để có vốn để duy trì phát triển, sản xuất.
Văn phòng Chính phủ cho biết, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ để thanh tra, kiểm tra, kiểm toán rõ để xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với những cá nhân có sai phạm.
Trần Nhật