(GD&TĐ)-Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình trong phiên chất vấn chiều 26/3 tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chức viên chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời chất vấn của ĐBQH (ảnh Xuân Đức) |
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án cải cách chế độ công vụ, công chức để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự phát triển đất nước. Đây là vấn đề lớn, trọng tâm của cả nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII.
Để thực hiện Đề án, Bộ trưởng Nội vụ nêu 12 giải pháp, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện hướng dẫn triển khai thực hiện Luật cán bộ công chức và Luật viên chức. Thực hiện phân công, phân cấp thẩm quyền phê duyệt, danh mục vị trí việc làm đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về vị trí việc làm và các chức danh, tiêu chuẩn của CCVC.
Đổi mới nâng cao chất lượng thi tuyển công chức theo hướng công khai, minh bạc, chất lượng, khách quan đồng thời ứng dụng CNTT vào thi tuyển. Tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện thi nâng ngạch công chức viên chức theo nguyên tắc cạnh tranh với lộ trình thích hợp.
Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ xây dựng hai Nghị định về việc phát hiện, trọng dụng, đãi ngộ người tài năng trong hoạt động công vụ và Nghị định về tiến cử người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Chất vấn về vấn đề chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo quy định của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) băn khoăn Nghị định còn nhiều bất cập, mức phụ cấp thấp, chế độ bảo hiểm mà họ được hưởng không bằng một công nhân khi tham gia lao động trong doanh nghiệp, điều này đã làm giảm nhiệt huyết đối với cán bộ làm việc không chuyên trách, vậy Bộ Nội vụ có giải pháp gì để giữ chân đội ngũ này?
Đây cũng là mối quan tâm của các đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), Trương Minh Chiến (Bạc Liêu), Trương Minh Hoàng (Cà Mau) với những lập luận trong khi Nghị định quy định mức phụ cấp cho người người hoạt động không chuyên trách cấp xã quá thấp, cao nhất là 1,0 so với lương tối thiểu chung, phần nhiều không được hưởng chế độ chính sách, không được nâng lương theo thâm niên, không thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nên không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản thì họ phải làm việc không khác gì một công chức, viên chức, thời gian làm việc chiếm đến cả ngày và đã góp phần lớn để hoàn thành nhiệm vụ ở cơ sở, đây là thiệt thòi rất lớn.
Trước ý kiến nêu tình trạng: Hiện nay, đội ngũ công chức của ta biểu hiện “khô cứng” tức là “khó vào và khó bị đào thải”. Bởi theo đại biểu, nhiều thanh niên được đào tạo có trình độ, năng lực rất khó được tuyển dụng; mặt khác, khi tuyển dụng rồi nếu không đảm nhận được công việc thì cũng khó bị chuyển công tác khác. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ vấn đề này.
“Theo tôi, khâu đột phá là tiến hành cải cách chế độ công vụ, công chức. Để giải quyết tình trạng này, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi được tuyển dụng vào làm việc phải được giao nhiệm vụ trong từng thời gian. Các cơ quan, đơn vị tuyển dụng cũng phải có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng người được tuyển dụng. Bên cạnh đó, người tuyển dụng cần đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để tu dưỡng phẩm chất, đạo đức của người cán bộ” – Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình giải trình.
Bộ Nội vụ cũng quy định chế độ từ chức và hình thức văn hóa từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý. Về cải cách tiền lương, các đãi ngộ, tôn vinh đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Trước chất vấn về việc đổi mới căn bản công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, công tác tuyển dụng trước đây được thực hiện theo Pháp lệnh cán bộ công chức 1998. Từ năm 2003 đã sửa đổi, tuyển dụng căn cứ vào kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ, tin học nhằm đảm bảo tuyển dụng đầu vào đạt tiêu chuẩn.
Thừa nhận thực tế có diễn ra tình trạng học giả, bằng thật, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết sẽ nghiên cứu, phối hợp với Bộ Giáo dục – Đào tạo để hạn chế tình trạng này.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói: Từ năm 2003, thực hiện quy định của Pháp lệnh Cán bộ, công chức (sửa đổi, bổ sung), tuyển dụng công chức, viên chức thi tuyển không chỉ có áp dụng một đề, mà người tuyển dụng phải thi 3 môn, đó là: Môn kiến thức chung, môn chuyên môn nghiệp vụ (môn chính); môn ngoại ngữ, tin học (môn điều kiện) để đảm bảo đầu vào đạt điều kiện.
Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) nhắc lại việc vừa qua mỗi địa phương tuyển dụng công chức, viên chức theo tiêu chuẩn riêng và hỏi Bộ trưởng làm gì để thống nhất, bình đẳng trong tuyển dụng?
Bộ trưởng cho biết khi có thông tin về các địa phương chỉ chọn công chức với những tiêu chuẩn khác nhau (chỉ nhận ứng viên tốt nghiệp đại học,…) Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo để giải quyết.
Trong lúc chưa có quyết định mới thì việc tuyển dụng phải theo Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, không phân biệt loại hình đào tạo. Chỉ khi nào Bộ Giáo dục và Đào tạo có phân loại hình đào tạo, lúc đó mới có căn cứ xem xét.
Đối với vấn đề ngạch bậc còn chưa hợp lý, chưa khuyến khích người tài làm việc trong cơ quan Nhà nước, Bộ trưởng cho biết hiện Bộ đang tập trung xây dựng chương trình tổng thể cải cách tiền lương giai đoạn 2012-2020.
Hướng chung của chương trình trong những năm tới là đảm bảo xây dựng lộ trình đạt mức lương tối thiểu đối với khu vực doanh nghiệp, cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, chính sách đối với bảo hiểm xã hội, chính sách với người có công. Khi đạt tới mức lương tối thiểu theo nhu cầu tối thiểu mới tính tới ngạch bậc cho phù hợp.
Nguyễn Sơn-Xuân Đức