Sẻ chia khó khăn

GD&TĐ - Mấy ngày gần đây rộ lên những phản ánh liên quan đến học phí trên mạng xã hội lẫn kênh truyền thông chính thức.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ở mảng đại học, từ đầu tháng 5, phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhiều trường tổ chức dạy học trực tuyến. Khác với mùa Covid-19 năm ngoái, năm nay, các trường không giảm học phí khi sinh viên học online. Trên các diễn đàn, một số sinh viên cho rằng, học trực tuyến mình không sử dụng cơ sở vật chất, điện nước, trang thiết bị học tập, như vậy trường đã tiết kiệm một khoản chi phí, thì sao không giảm học phí? Một số khác cho biết, khi học trực tuyến tại nhà trọ, Internet chập chờn, vậy là sinh viên phải thêm chi phí 4G,  khó khăn thêm khó khăn…

Ở phổ thông cũng mới xảy ra vụ việc khiếu nại tập thể của hơn 1.000 phụ huynh có con học ở hệ thống Trường Quốc tế Á Châu, TPHCM xoay quanh chuyện học phí tăng. Phụ huynh có con học trường này cho biết năm học 2021 - 2022, học phí ở các cấp học đều tăng, trong đó có khối lớp tăng đến hơn 21% so với năm học trước. Không chỉ Trường Á Châu, phụ huynh nhiều trường quốc tế khác tại TPHCM cũng bày tỏ lo âu khi trường điều chỉnh học phí theo hướng tăng.

Chia sẻ về việc không giảm học phí hay tăng học phí, phía nhà trường đưa ra nhiều nguyên nhân. Có trường cho rằng,“dạy trực tuyến nhưng giảng viên vẫn phải lên lớp, sử dụng cơ sở vật chất, trường cũng phải đầu tư hạ tầng mạng, đường truyền để dạy học đạt kết quả”; Có trường thì “phần lớn thời gian học kỳ sinh viên đã học trực tiếp, chỉ có vài tuần học trực tuyến nên không giảm học phí”.

Lại có trường “việc tăng học phí luôn đi theo lộ trình, và gần như năm nào cũng diễn ra… Không thể vì dịch Covid-19 mà trì hoãn hay thay đổi lộ trình đã có từ trước”.  Một số trường khác thì chia sẻ: “Năm ngoái cũng khó khăn, nhưng trường cắn răng giảm học phí động viên SV vì hi vọng dịch sẽ qua, ai ngờ dịch liên tục, không thể giảm tiếp…”.

Thực tế cho thấy, đối diện với dịch bệnh Covid-19, nhiều gia đình gặp không ít khó khăn. Tình trạng doanh nghiệp phá sản, giảm lương, nợ lương, thậm chí người lao động mất việc làm đã diễn ra, ảnh hưởng tới con đường học hành của không ít HSSV. Vì thế, những âu lo của phụ huynh, HSSV khi học phí không giảm, hay tăng là điều hoàn toàn chia sẻ được.

Thế nhưng cũng có một thực tế khác, trước Covid-19 các cơ sở giáo dục cũng không hề thuận lợi, đặc biệt là các đơn vị tự chủ tài chính. Khi tạm ngừng đến trường, chuyển sang dạy học trực tuyến, nhiều trường hết sức căng thẳng với bài toán tài chính, nhất là những đơn vị thiếu nền tảng hạ tầng công nghệ, đội ngũ chưa thạo dạy online, tuyển sinh khó...

Hiện tượng vài nơi gây chạnh lòng chuyện học phí mùa dịch là có thật. Nếu thực sự những đơn vị này “tận thu” người học trong hoàn cảnh khó khăn, họ cũng khó giữ được thương hiệu, hình ảnh cũng như sự phát triển bền vững của chính mình. Thế nhưng, con số này chỉ là thiểu số, đa số các cơ sở giáo dục hiện vẫn nỗ lực vén khéo để chia sẻ khó khăn với phụ huynh, HSSV.

Dù không đồng loạt giảm học phí như mùa Covid trước nhưng nhiều trường đại học đang rộng mở hình thức sẻ chia khác như cấp học bổng, hỗ trợ ăn ở, đi lại, hỗ trợ chích ngừa vắc-xin, hỗ trợ tiền Internet… cho HSSV. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, quan điểm sẻ chia không cào bằng cho tất cả được các trường đặc biệt coi trọng. Cùng với đa dạng hình thức chia sẻ, hỗ trợ đúng đối tượng, các cơ sở giáo dục cũng đang rất nỗ lực để đa dạng hóa nguồn thu, nhằm hạn chế thấp nhất việc tăng học phí.

Giữ hay tăng học phí để cân đối thu chi, bảo đảm hoạt động, về mặt lý thuyết là quyền của các đơn vị tự chủ trong khuôn khổ luật định, theo lộ trình, thỏa thuận. Thế nhưng, “không để ai bị bỏ lại phía sau” không phải là lời hô hào suông, mà đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và là mệnh lệnh trong trái tim mỗi cá nhân, tổ chức. Đồng cam cộng khổ, ứng xử nhân văn, với tinh thần ấy toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép trong ba mùa Covid. Tinh thần ấy cần tiếp tục phát huy để vượt qua mùa Covid thứ tư…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ