Tuy nhiên chính sách này chỉ áp dụng đến năm học 2020 - 2021. Cử tri đề nghị cần tiếp tục duy trì chính sách này cho những năm học tiếp theo để tạo thuận lợi cho trường hợp được thụ hưởng, giảm bớt khó khăn do tác động của nền kinh tế.
Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021 sẽ hết hiệu lực khi kết thúc năm học 2020 - 2021.
Để có căn cứ thực hiện chính sách này cho giai đoạn sau năm học 2020 – 2021 và kịp thời triển khai thực hiện các quy định của Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đã đề xuất Chính phủ xây dựng Nghị định quy định giá dịch vụ giáo dục đào tạo, học phí với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; cơ chế thu, quản lý học phí và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập áp dụng từ năm học 2021 - 2022 (thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP).
Bộ GD&ĐT đã triển khai tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 86/2015/NĐ-CP và đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định theo quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, tiếp tục có quy định cụ thể chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho người học.