Sẻ chia để giáo viên phát triển, trò vững bước tới trường

GD&TĐ - Nhiều chế độ, chính sách được triển khai tại các địa phương, trường học giúp GV có cơ hội phát triển, HS thêm điều kiện vững bước tới trường.

Cô trò Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, Lạng Sơn).
Cô trò Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, Lạng Sơn).

Sẻ chia với trò nghèo

Trường PTDTBT TH&THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, Lạng Sơn) được chuyển đổi và thành lập năm 2020 từ Trường PTDTBT TH&THCS xã Phú Mỹ, sáp nhập Trường Tiểu học xã Việt Yên. Xã có 9 thôn nhưng đến nay vẫn còn 6 thôn đặc biệt khó khăn. Học sinh của trường chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng.

Theo thầy Triệu Quốc Hưng – Hiệu trưởng nhà trường, điều kiện kinh tế của xã còn gặp nhiều khó khăn, người dân thu nhập chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp là chính. Hoàn cảnh gia đình không thuận lợi, không có nghề nghiệp hoặc công việc không ổn định, do đó việc chăm sóc, giáo dục con em chưa đầy đủ.

Thầy Triệu Quốc Hưng - Hiệu trưởng và học sinh Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, Lạng Sơn).
Thầy Triệu Quốc Hưng - Hiệu trưởng và học sinh Trường Phổ thông DTBT TH&THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, Lạng Sơn).

Một số gia đình chưa thật sự quan tâm đến quá trình học tập của con em mình (ví dụ bố mẹ đi làm ăn xa, để con cái ở nhà với ông bà nên công tác quản lý chưa được sát sao, hiệu quả). Có những em lại vì hoàn cảnh khó khăn, phải phụ giúp gia đình làm nương rẫy, trông em nên có nguy cơ nghỉ học giữa chừng, trở thành lao động khi chưa đến tuổi.

Vì vậy, bản thân mỗi thầy cô khi dạy ở các trường có học sinh dân tộc thiểu số để hòa nhập với học trò phải học tiếng dân tộc, học văn hóa, tập quán để có thể thấu hiểu, tư vấn và thuyết phục phụ huynh đồng hành, quan tâm đến học sinh, làm sao cho họ hiểu việc đi học sẽ có giá trị như thế nào, những thiệt thòi khi học sinh không được đến trường.

Đầu năm học đơn vị chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm rà soát các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm hỗ trợ và đảm bảo 3 đủ: “đủ ăn - đủ mặc - đủ sách vở” cho học trò, thực hiện tốt các chế độ chính sách vùng khó khăn cho các em đầy đủ, kịp thời. Vận động phụ huynh có học sinh trong độ tuổi ra lớp, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục – xóa mù chữ.

Riêng với học sinh khối THCS, nhà trường vừa dạy học, vừa làm công tác phân luồng, hướng nghiệp. Những em học tốt, muốn theo đuổi việc học cao hơn thì định hướng và ôn tập cho các em thi vào Trường THPT. Còn với những em có nhu cầu học nghề, thì nhà trường phối hợp với các Trường cao đẳng Nghề Lạng Sơn, các trường THPT trên địa bàn huyện đến tư vấn, hướng nghiệp các em lựa chọn con đường phù hợp sau THCS.

Thầy Triệu Quốc Hưng động viên học sinh lớp 9 trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Thầy Triệu Quốc Hưng động viên học sinh lớp 9 trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

Nhà trường cũng kêu gọi sự ủng hộ của cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như: dịp khai giảng, tết Trung thu, tết Nguyên đán, tết Thiếu nhi... Phối hợp các với ban ngành, đoàn thể cùng giúp đỡ, động viên các em học tập. Đặc biệt, đối với các em khi làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương học sinh trong các đợt thi đua, các cuộc thi, hội thi kịp thời.

Tạo điều kiện cho giáo viên phát triển năng lực

Là hiệu trưởng tại ngôi trường DTBT có 2 cấp học, thầy Triệu Quốc Hưng chia sẻ những kinh nghiệm quản lý để tạo động lực cho giáo viên phấn đấu, qua đó nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục. Thứ nhất, cần hiểu rõ về chương trình giáo dục từng cấp học, định hướng và chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm theo cấp học.

Thứ hai, cần xây dựng quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cơ quan đơn vị một cách cụ thể, phù hợp với đặc thù trường hai cấp học.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra tư vấn - định hướng, kiểm tra đánh giá năng lực của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Thứ tư, xây dựng nguồn điển hình tiên tiến, phát huy vai trò giáo viên cốt cán tại đơn vị, xây dựng cụ thể quy chế chi tiêu nội bộ, công tác thi đua khen thưởng rõ ràng.

Thứ năm, tổ chức đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, đánh giá viên chức, thi đua một cách công bằng, khách quan, đúng người, đúng việc, được tập thể ghi nhận và noi theo.

Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm quản lý, dạy học của nữ chủ tịch công đoàn, nữ cán bộ nhà giáo tỉnh Nghệ An.
Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm quản lý, dạy học của nữ chủ tịch công đoàn, nữ cán bộ nhà giáo tỉnh Nghệ An.

Nghệ An là tỉnh có hơn 1.300 trường học với gần 50 nghìn cán bộ, giáo viên. Công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công đoàn viên, CBNGNLĐ luôn luôn là nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức công đoàn. Theo ông Đặng Văn Hải – Chủ tịch Công đoàn ngành Nghệ An cho hay, công đoàn ngành và Sở GD&ĐT đã phối hợp tốt trong công tác mang lại nhiều kết quả nổi bật.

Phối hợp tốt trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ như tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn cơ sở để nâng cao công tác bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng được 2.768 nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển, nhiều cán bộ quản lý trưởng thành từ cán bộ công đoàn cơ sở.

Đẩy mạnh và triển khai thực hiện sâu rộng các phong trào thi đua: “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, xây dựng “Trường học hạnh phúc”…

Việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ CBNGNLĐ được phối hợp thực hiện thường xuyên, do đó công tác đại diện, bảo vệ cho đội ngũ ngày càng có chiều sâu, củng cố niềm tin của đội ngũ vào tổ chức Công đoàn.

Ngành giáo dục Nghệ An trao quà cho giáo viên khó khăn huyện miền núi cao Tương Dương. Ảnh: Hồ Lài.

Ngành giáo dục Nghệ An trao quà cho giáo viên khó khăn huyện miền núi cao Tương Dương. Ảnh: Hồ Lài.

Công tác thi đua khen thưởng được chú trọng, kịp thời biểu dương, khích lệ, tạo động lực để giáo viên nỗ lực đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng dạy học.

Ông Đặng Văn Hải cho biết thêm, để giáo viên, đoàn viên có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm tại các diễn đàn rộng lớn, CĐGD Nghệ An chủ động mở rộng phối hợp và tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị trong tỉnh, trong nước. Đơn cử CĐGD thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh... cùng các trường Đại học Đà Nẵng, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều hỗ trợ về vật chất, thiết bị, tinh thần cho ngành giáo dục Nghệ An. Tham gia Hội nghị giao ban cụm thi đua công đoàn 6 tỉnh Bắc Trung bộ.

Cần chính sách đặc thù xây mái ấm công đoàn

Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, trong đó có nhiều huyện miền núi cao. Trong đó có nhiều thầy cô giáo trẻ từ xuôi lên miền núi công tác, xa nhà hàng trăm kilomet gặp khó khăn về chỗ ở. Hiện qua thống kê của công đoàn ngành, trên địa bàn có hơn 100 nhà công vụ với khoảng 500 phòng ở cho giáo viên, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các thầy cô giáo. Con số này đã bao gồm cả nhà mới xây lẫn phòng ở hoặc phòng học cũ đang được giáo viên tận dụng lại. Số phòng ở cũ sau nhiều năm sử dụng đã xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến an toàn cho giáo viên.

Giáo viên điểm trường Huồi Cọ (Trường Tiểu học Nhôn Mai, huyện Tương Dương, Nghệ An) ở lại ký túc xá cắm bản dạy học. Ảnh: Hồ Lài.
Giáo viên điểm trường Huồi Cọ (Trường Tiểu học Nhôn Mai, huyện Tương Dương, Nghệ An) ở lại ký túc xá cắm bản dạy học. Ảnh: Hồ Lài.

Trong khi đó, kinh phí xây dựng ở nhà công vụ cho giáo viên thực tế rất lớn. Bởi những nơi cần nhà công vụ đều ở vùng sâu, vùng xa, giao thông cách trở, chưa thuận lợi dẫn đến chi phí vận chuyển nguyên vật liệu tăng cao. Nếu tiết kiệm, trung bình kinh phí xây dựng 1 nhà công vụ khoảng 1 tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Hải – Chủ tịch Công đoàn GD Nghệ An cho hay, những năm qua, ngành giáo dục Nghệ An đã có nhiều chương trình tăng cường nhà công vụ, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho giáo viên vùng cao, khó khăn.

Cụ thể như tranh thủ nguồn lực của địa phương. Huy động sự ủng hộ của cán bộ, nhà giáo, công đoàn viên trong ngành giáo dục. Bên cạnh đó, kêu gọi sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức, đoàn thể xã hội trong tỉnh và các các tỉnh bạn để tăng cường nguồn lực xây dựng nhà công vụ. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình “Quyên góp xây dựng nhà công vụ, hỗ trợ giúp đỡ nhà giáo, người lao động ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn” với phương châm chủ động, căn cơ, tập trung, tránh dàn trải, hạn chế tối đa các khâu trung gian, lãng phí.

Công đoàn giáo dục Nghệ An khởi công nhà công vụ tại Trường THPT Mường Quạ, huyện Con Cuông, Nghệ An.
Công đoàn giáo dục Nghệ An khởi công nhà công vụ tại Trường THPT Mường Quạ, huyện Con Cuông, Nghệ An.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Hải, để giải quyết vấn đề này lâu dài, cần có cơ chế chính sách giáo dục cho vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn trong đó tính đến nhu cầu nhà công vụ cho giáo viên. Theo đó, phải thực hiện mô hình trường dân tộc bán trú kiểu mới, về cơ sở vật chất bên cạnh khu nhà ở cho học sinh còn phải có nhà nội trú cho giáo viên. Làm như vậy thì vấn đề nhà công vụ giáo viên mới được giải quyết cơ bản. Đồng thời đảm bảo việc nâng cao chất lượng trường dân tộc bán trú khi có giáo viên cùng ở trong trường, quản lý, kiểm soát, giáo dục học sinh.

Trong 5 năm gần đây đã huy động được 2.4 tỷ đồng, tổ chức xây mới được 3 công trình nhà công vụ giáo viên, 2 công trình nước sạch; hỗ trợ sửa chữa 1 nhà công vụ giáo viên; thực hiện hỗ trợ trang thiết bị thiết yếu cho 5 bếp ăn công đoàn; hỗ trợ trên 16.000 CBNGNLĐ, 3.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không may gặp tai nạn rủi ro, mắc bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Liệu có lợi hại hơn?

GD&TĐ - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã biến nghi thức nhậm chức thành một lễ hội lớn thực sự nhằm tôn vinh sự trở lại của mình.