Giao lưu trực tuyến chủ đề 'Sẻ chia'

GD&TĐ - ‘Sẻ chia’ là chủ đề giao lưu trực tuyến diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h00 đến 10h00 thứ Ba ngày 13/6/2023.

Giao lưu trực tuyến diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h00 đến 10h00 thứ Ba ngày 13/6/2023.
Giao lưu trực tuyến diễn ra trên Báo Giáo dục và Thời đại điện tử từ 9h00 đến 10h00 thứ Ba ngày 13/6/2023.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời:

- Ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Nghệ An;

- Thầy Triệu Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Liên Hội, huyện Văn Quan, Lạng Sơn.

Không đứng ngoài xu thế hội nhập, những năm qua, giáo dục và đào tạo từng bước thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện. Bối cảnh mới mở ra nhiều cơ hội để cán bộ, nhà giáo, người lao động phát triển bản thân, nâng cao năng lực nghề nghiệp, cống hiến và đóng góp cho sự nghiệp trồng người. Nhưng đồng thời, họ cũng chịu nhiều thách thức và áp lực từ yêu cầu đổi mới trong chuyên môn; nhu cầu ngày càng cao của học sinh, phụ huynh và xã hội.

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế xã hội giữa các vùng miền trong cả nước còn nhiều chênh lệch. Đặc biệt là khoảng cách giữa vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn với vùng trung tâm, điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi. Điều này tác động trực tiếp đến sự phát triển giáo dục đào tạo từng địa phương cũng như ảnh hưởng đến đời sống, môi trường, điều kiện làm việc, dạy học của thầy và trò.

Trong bối cảnh trên, cán bộ, nhà giáo, người lao động và người học cần sự sẻ chia của tổ chức công đoàn, người đứng đầu đơn vị, cơ sở giáo dục cũng như ủng hộ của xã hội.

Tại buổi giao lưu trực tuyến, các khách mời sẽ cùng bạn đọc trao đổi những câu chuyện về sự đồng cảm. Sẻ chia trong giáo dục và đào tạo không chỉ là hoạt động thăm hỏi động viên các dịp lễ Tết; quan tâm giải quyết các vấn đề trước mắt của cán bộ, nhà giáo, người lao động và học trò. Mà hơn thế nữa là đối thoại, thấu hiểu, bảo vệ và đồng hành từ thủ trưởng đơn vị, lãnh đạo ngành, tổ chức công đoàn các cấp… Qua đó đưa ra những giải pháp hiệu quả, ý nghĩa, phù hợp thực tiễn nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nhà giáo, thực thi dân chủ trong ngành Giáo dục. Tham mưu các cấp ngành chức năng ban hành chế độ, chính sách, chương trình, kế hoạch… nhằm tạo môi trường cởi mở, dân chủ để thầy cô cơ hội bình đẳng phát triển, yên tâm cống hiến với nghề; học sinh thêm điều kiện để vững bước đến trường.

Ngay bây giờ, độc giả có thể gửi câu hỏi tới các vị khách mời tại đây, hoặc qua email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com/tương tác qua Fanpage của Báo.

Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh Nghệ An

Thầy Triệu Quốc Hưng

Thầy Triệu Quốc Hưng

Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Liên Hội, huyện Văn Quan, Lạng Sơn

Bạn đọc

Bạn Trinhnguyen…@gmail.com:

Bên cạnh chăm lo đời, bảo vệ quyền và lợi ích cho đoàn viên trong tỉnh, Công đoàn GD Nghệ An có nhiều hoạt động ủng hộ, giúp đỡ thầy và trò ở địa phương khác. Trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, hoạt động trên có bị ảnh hưởng; giải pháp để duy trì của Công đoàn GD Nghệ An?
Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

Bên cạnh chăm lo đời, bảo vệ quyền và lợi ích cho đoàn viên trong tỉnh, Công đoàn GD Nghệ An có nhiều hoạt động chia sẻ giúp đỡ thầy và trò ở địa phương khác.

Cụ thể như ủng hộ học sinh, giáo viên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Nhiều sách vở, tài liệu, thiết bị dạy học và tiền mặt huy động được đã hỗ trợ cho các trường học bị thiệt hại nặng nề bởi lũ lụt. Kết nối kêu gọi ủng hộ giáo viên hoạn nạn, không may mắn.

Hưởng ứng cuộc vận động của ngành giáo dục, cô trò Trường THCS Lê Mao (Tp Vinh, Nghệ An) gom sách vở cũ và mới tặng cho bạn bè bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở tỉnh bạn. Ảnh: Hồ Lài.

Hưởng ứng cuộc vận động của ngành giáo dục, cô trò Trường THCS Lê Mao (Tp Vinh, Nghệ An) gom sách vở cũ và mới tặng cho bạn bè bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở tỉnh bạn. Ảnh: Hồ Lài.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục Nghệ An cũng tổ chức những cuộc trao đổi, sinh hoạt chuyên môn chuyên đề, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với ngành giáo dục các tỉnh bạn cả trong các hội nghị, hội thảo trực tiếp lẫn trực tuyến.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn và điều kiện kinh tế xã hội trên địa bàn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên các hoạt động trên vẫn sẽ được Công đoàn và ngành giáo dục Nghệ An tiếp tục duy trì, triển khai với quy mô, cách thức phù hợp, hiệu quả, thực tiễn.

Bạn đọc

Bạn Khathieu79@...com:

Giảm nghèo bền vững là mục tiêu cả nước hướng tới, thầy có mong muốn gì cho học trò, đội ngũ GV của mình cũng như đề xuất giải pháp để tạo sinh kế cho người dân?
Thầy Triệu Quốc Hưng

Thầy Triệu Quốc Hưng

Thầy Triệu Quốc Hưng cùng học trò.

Thầy Triệu Quốc Hưng cùng học trò.

Tôi mong Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất, thiết bị cho học sinh vùng khó khăn như: Thiết bị dạy học, các hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, tài liệu phục vụ cho người học.

Có chế độ hỗ trợ phụ huynh, học sinh phát triển kinh tế tại địa phương, nhằm ổn định đời sống vật chất và nâng cao tinh thần trách nhiệm cùng tham gia công tác giáo dục con em tại gia đình.

Bạn đọc

Bạn hoainam@...:

Được biết, Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An và Sở GD&ĐT Nghệ An từng tổ chức 3 cuộc đối thoại với cán bộ, nhà giáo, người lao động để lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ nhiều vướng mắc, khó khăn trong hoạt động chuyên môn cũng như giải quyết chế độ chính sách. Vậy sắp tới ngành có kế hoạch tiếp tục triển khai các cuộc đối thoại này không, quy mô và hình thức như thế nào?
Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

Trong 5 năm qua, Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An và Sở GD&ĐT Nghệ An từng tổ chức 3 cuộc đối thoại lớn với cán bộ, nhà giáo, người lao động toàn ngành. Trong đó có 2 cuộc đối thoại với giáo viên trường công lập của 2 cụm: các cơ sở giáo dục cụm tuyến quốc lộ 7 tổ chức tại huyện Đô Lương và cơ sở giáo dục cụm tuyến quốc lộ 48 tại huyện Quế Phong. Cuộc đối thoại thứ 3 là với CBNGNLĐ trường ngoài công lập tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP Vinh).

Thông qua các cuộc đối thoại này, nhiều vấn đề đã được chia sẻ, trao đổi, thảo luận, tìm giải pháp từ cơ sở vật chất, đội ngũ đáp ứng chương trình GDPT 2018, công tác quản lý, xây dựng chương trình nhà trường. Tình trạng thiếu giáo viên, hoạt động viết sáng kiến kinh nghiệm, cơ chế xây dựng mô hình trường học tiên tiến chất lượng cao, trường dân tộc bán trú… Bên cạnh đó, giáo viên cũng được chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc trong về chế độ, quyền lợi nhà giáo.

Sau các cuộc đối thoại của ngành giáo dục với giáo viên đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, trong đó có việc bổ sung biên chế tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng diện 06, 09. Ảnh: Hồ Lài.

Sau các cuộc đối thoại của ngành giáo dục với giáo viên đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, trong đó có việc bổ sung biên chế tuyển dụng giáo viên mầm non hợp đồng diện 06, 09. Ảnh: Hồ Lài.

Sau các cuộc đối thoại, nhiều khó khăn đã được giải quyết, nhiều giải pháp được triển khai và có những vấn đề đã được chuyển lên các cấp cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý. Ví dụ góp phần kiến nghị, xin bổ sung biên chế để tuyển dụng hơn 1.700 giáo viên mầm non hợp đồng theo Nghị định 06 và Thông tư 09 vào biên chế. Các cuộc đối thoại đã thực hiện dân chủ trong giáo dục, tạo sự tin tưởng của CBNGNLĐ với tổ chức công đoàn, cũng như sự thấu hiểu, ủng hộ, chia sẻ đối với ngành giáo dục.

Trong thời gian tới, công đoàn ngành sẽ tiếp tục phối hợp với Sở GD&ĐT, Liên đoàn lao động tỉnh Nghệ An để tổ chức các cuộc đối thoại tiếp theo với quy mô cấp cụm đơn vị, cụm địa phương.

Bạn đọc

Bạn Thu Giang – Nam Định:

Công đoàn ngành phối hợp như thế nào với Sở GD&ĐT, cũng như tham mưu cấp trên để kịp thời khen thưởng, khích lệ những thành tích sáng tạo, đổi mới mà cán bộ, nhà giáo, công đoàn viên đạt được?
Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

CĐGD Nghệ An đã đổi mới nội dung, hình thức tổ chức thi đua và nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, trong đó tập trung tổng kết, đánh giá tính hiệu quả, sức lan tỏa của các phong trào thi đua để điều chỉnh, hoàn thiện, tập trung phát triển có trọng điểm. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, giám sát thực hiện các phong trào thi đua đảm bảo tính thường xuyên, liên tục. Tiếp tục phát triển và khẳng định vai trò nòng cốt của phong trào Lao động giỏi, Lao động sáng tạo mà cụ thể là phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”, “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua chuyên đề nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn. Phát triển các phong trào, các cuộc vận động lớn trong nữ đoàn viên, CBNGNLĐ. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng.

Đẩy mạnh công tác phát hiện, lựa chọn, tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến; chú trọng phát hiện các gương điển hình thông qua hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, qua phản ảnh của các cơ quan truyền thông; tổ chức biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời, tạo sự lan toả; quan tâm tổng kết, phát triển mô hình mới, cách làm hay. Trong đó, CĐGD Nghệ An đã chủ trì tổ chức nhiều hội nghị biểu dương như trao giải thưởng nhà giáo tài năng; biểu dương nữ chủ tịch công đoàn, cán bộ đoàn viên tiêu biểu; biểu dương nhà giáo có thành tích trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy học…

Chu kỳ 2 năm một lần, Công đoàn ngành GD Nghệ An chủ trì tổ chức trao thưởng "Quỹ phát triển tài năng giáo dục" cho giáo viên tiêu biểu trên địa bàn. Ảnh: Hồ Lài.

Chu kỳ 2 năm một lần, Công đoàn ngành GD Nghệ An chủ trì tổ chức trao thưởng "Quỹ phát triển tài năng giáo dục" cho giáo viên tiêu biểu trên địa bàn. Ảnh: Hồ Lài.

Trong thời gian tới, CĐGD Nghệ An sẽ tiếp tục hoàn thiện tiêu chí bình xét khen thưởng theo hướng cụ thể, trọng tâm, lượng hóa được thành tích, định lượng được tiêu chuẩn, bảo đảm khen thưởng kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, tập trung cho người lao động trực tiếp.

Ngoài khen thưởng mang tính danh hiệu, thì CBNGNLĐ mong muốn thành tích họ đạt được mang lại những lợi ích lâu dài trong sự nghiệp. Trong Luật thi đua khen thưởng hiện nay, các hình thức thi đua và danh hiệu thi đua gắn liền với lợi ích nhà giáo, đặc biệt là được nâng lương trước thời hạn. Tuy nhiên quy định các hình thức thua đua được đưa vào tiêu chí nâng lương trước thời hạn hiện chủ yếu do chuyên môn khen thưởng như bằng khen của UBND tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT. Còn giấy khen của công đoàn lại không được đưa vào để xét nâng lương là thiệt thòi cho người lao động. Sắp tới, công đoàn ngành GD sẽ tham mưu để đưa vào quy chế khen thưởng của UBND tỉnh Nghệ An vấn đề này.

Bởi từ thực tiễn chỉ ra, khi CBNGNLĐ quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng, thì mới tạo động lực để phấn đấu nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ dạy học và chuyên môn nghiệp vụ khác.

Bạn đọc

Bạn Phan Thiết, 0983…:

Lạng Sơn là địa phương làm tốt công tác hỗ trợ nhà giáo khó khăn, đặc biệt là xây dựng Mái ấm công đoàn. Phong trào trên ở nhà trường ra sao?
Thầy Triệu Quốc Hưng

Thầy Triệu Quốc Hưng

Hằng năm, công đoàn nhà trường tổ chức kêu gọi đoàn viên công đoàn hủng hộ quỹ “Mái ấm công đoàn” và nộp về cấp trên theo quy định.

Ngoài ra, nhà trường còn tiến hành rà soát tới toàn thể đoàn viên đơn vị có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở hoặc nhà ở xuống cấp không còn đảm bảo để kịp thời lập hồ sơ gửi cấp trên khi đoàn viên có nhu cầu, nguyện vọng.

Bạn đọc

Bạn Trần Anh – Nghệ An:

Hệ thống các đơn vị, cơ sở giáo dục ngoài công lập của Nghệ An ngày càng phát triển. Tuy nhiên, các trường này gặp nhiều vất vả do tuyển sinh hạn chế. Vậy công đoàn ngành đã có chương trình, hoạt động nào động viên, chia sẻ, đồng hành với giáo viên THPT ngoài công lập trong đời sống cũng như công tác chuyên môn?
Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

Hệ thống cơ sở giáo dục ngoài công lập của Nghệ An hiện nay đang ngày càng phát triển, góp phần đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Tuy nhiên, với đơn vị giáo dục đặc thù là thực hiện tự chủ, các trường ngoài công lập, đặc biệt là trường THPT và giáo viên đang gặp nhiều khó khăn chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh còn vất vả.

Hiện toàn tỉnh còn lại 27 mô hình trường ngoài công lập với tổng số 475 giáo viên cơ hữu làm việc theo chế độ Hợp đồng lao động. Trong số này, có 15/17 đơn vị đã có Hội đồng quản trị, có 2 trường thuộc chủ đầu tư. Thu nhập bình quân của giáo viên trường ngoài công lập là 2.800.000 đ/người/ tháng (đã tham gia bảo hiểm).

Bên cạnh đó, thực hiện chương trình GDPT 2018 đối với giáo viên ngoài công lập cũng gặp những khó khăn nhất định khi cơ sở vật chất, đầu vào học sinh, đội ngũ nhà giáo còn chênh lệch với trường công lập cả về số lượng và chất lượng.

Công đoàn Giáo dục Nghệ An trao quà tết sum vầy cho giáo viên Trường THPT Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Công đoàn Giáo dục Nghệ An trao quà tết sum vầy cho giáo viên Trường THPT Mai Hắc Đế (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Công đoàn ngành đã phối hợp với Sở GD&ĐT Nghệ An có nhiều hoạt động hỗ trợ. Trong đó đã tổ chức cuộc đối thoại với đại diện các trường THPT ngoài công lập để đưa ra hướng giải quyết những vấn đề vướng mắc như: giải pháp để thống nhất cơ chế hoạt động chung cho loại hình trường tư thục; nâng cao chất lượng giáo dục trường THPT ngoài công lập; công tác bồi dưỡng giáo viên; công tác xếp loại thi đua, khen thưởng; vấn đề dạy nghề trong trường THPT ngoài công lập…

Sau cuộc đối thoại trên và tiếp nhận ý kiến từ các cuộc gặp gỡ thường xuyên khác, công đoàn ngành và Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh cấp kinh phí bồi dưỡng, nâng cao năng lực giáo viên toàn tỉnh trong đó có hỗ trợ 100% cho giáo viên ngoài công lập.

Bên cạnh đó, các cuộc thi về chuyên môn, phương pháp của ngành, giáo viên ngoài công lập cũng được tham gia đầy đủ và khen thưởng như: thi giáo viên dạy giỏi, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi….

Những năm qua, để chăm lo và động viên tinh thần, vật chất cho CBNGNLĐ trường ngoài công lập, Công đoàn ngành đã tổ chức 4 chương trình tết sum vầy tại các đơn vị này từ mầm non đến THPT, với tổng quà tặng hơn 600 triệu đồng.

Bạn đọc

Bạn quangan@...:

Phong trào “phòng giúp phòng, trường giúp trường, bộ môn giúp bộ môn” là sáng tạo của công đoàn ngành giáo dục Nghệ An. Phong trào này đến nay đã triển khai với những chương trình cụ thể như thế nào? Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật?
Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

Chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất, tinh thần tương thân, tương ái của cán bộ, nhà giáo, người lao động toàn ngành Giáo dục Nghệ An, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện sự nghiệp giáo dục.

Trên toàn tỉnh, ngành Giáo dục đã phân công các đơn vị vùng đồng bằng, thuận lợi hơn giúp đỡ đơn vị vùng cao, khó khăn. Trong đó, trọng tâm là trao đổi kinh nghiệm dạy học, thực hiện các nhiệm vụ đổi mới giáo dục theo tinh thần Chương trình GDPT 2018.

Thực hiện nội dung trên, nhiều đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh về mục đích, ý nghĩa của chương trình. ác trường đăng ký có trách nhiệm chủ động liên lạc, thống nhất kế hoạch và hoạt động cụ thể để tập trung nguồn lực hỗ trợ cho đơn vị mình kết nghĩa.

Sau thời gian triển khai có hiệu quả, chương trình đã huy động được nhiều máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu giảng dạy, sách vở cho trường học, giáo viên, học sinh vùng khó khăn. Có thể kể đến như Phòng và các trường học ở TP Vinh giúp đỡ các đơn vị ở huyện miền núi Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn…

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy và học tập cho Trường THPT Kỳ Sơn, huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: NTCC.

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh) hỗ trợ trang thiết bị giảng dạy và học tập cho Trường THPT Kỳ Sơn, huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: NTCC.

Từ những hiệu quả trên, phong trào mở rộng từ “phòng giúp phòng, trường giúp trường” sang “bộ môn giúp bộ môn”. Đây chính là một sáng tạo của Nghệ An, nhằm đưa phong trào có hiệu quả thiết thực, ý nghĩa và lâu dài.

Trên toàn tỉnh Nghệ An, nhờ thực hiện mô hình “bộ môn giúp bộ môn”, các đơn vị đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chuyên môn cấp cụm, tỉnh. Qua đó, 2 bên trao đổi về phương pháp, cách thức dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém. Đồng thời, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và khai thác tài liệu dạy học Chương trình GDPT mới; tổ chức ôn thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT, đánh giá năng lực. Trong đó, các tổ bộ môn cấp THPT như Toán, Vật lý, Hóa học, Lịch sử… trao đổi chuyên đề thường xuyên, xây dựng ngân hàng đề thi thử tốt nghiệp THPT. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng dạy và học của các nhà trường, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa vùng miền.

Bạn đọc

Bạn Phan Giang, Hà Tĩnh:

Quản lý 2 cấp học với đặc thù riêng, giải pháp nào được thầy áp dụng để tạo sự gắn bó, đoàn kết trong đội ngũ?
Thầy Triệu Quốc Hưng

Thầy Triệu Quốc Hưng

Thứ nhất, cần hiểu rõ về chương trình giáo dục từng cấp học, định hướng và chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm theo cấp học.

Thứ hai, cần xây dựng quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cơ quan đơn vị một cách cụ thể, phù hợp với đặc thù trường hai cấp học.

Cô trò Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Liên Hội, huyện Văn Quan, Lạng Sơn.

Cô trò Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Liên Hội, huyện Văn Quan, Lạng Sơn.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra tư vấn - định hướng, kiểm tra đánh giá năng lực của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Thứ tư, xây dựng nguồn điển hình tiên tiến, phát huy vai trò giáo viên cốt cán tại đơn vị, xây dựng cụ thể quy chế chi tiêu nội bộ, công tác thi đua khen thưởng rõ ràng.

Thứ năm, tổ chức đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên, đánh giá viên chức, thi đua một cách công bằng, khách quan, đúng người, đúng việc, được tập thể ghi nhận và noi theo.

Bạn đọc

Bạn Kim Long – Đà Nẵng:

Nữ công đoàn viên chiếm tới trên 70% cán bộ, nhà giáo, người lao động trong toàn ngành. Ông có thể cho biết về công tác nâng cao chất lượng công tác nữ công; góp phần chăm lo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nữ đoàn viên, cán bộ, nhà giáo, người lao động trong tình hình mới?
Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

Hiện, ngành GD&ĐT Nghệ An có 1.525 cơ sở giáo dục với tổng số 52.612 cán bộ, nhà giáo, người lao động, trong đó nữ là 40.442 người, chiếm 76%. Tỷ lệ nữ nhà giáo tham gia cán bộ quản lý là 2.363 người, chiếm 51% trong số tổng số cán bộ quản lý toàn ngành. Trong số này có 2 người là Phó Chủ tịch Công đoàn ngành, 7 người đang đảm nhiệm vị trí trưởng và phó trưởng phòng ở Sở Giáo dục và Đào tạo, 15 người là cán bộ quản lý phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị trực thuộc sở. Ngoài ra, có 105 nữ cán bộ quản lý và 30 nữ chủ tịch công đoàn.

Những năm qua các cấp công đoàn đã tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt trong nữ đoàn viên, CBNGNLĐ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình và trẻ em.

Tọa đàm gặp mặt nữ Chủ tịch công đoàn, nữ nhà giáo tiêu biểu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2022. Ảnh: Hồ Lài.

Tọa đàm gặp mặt nữ Chủ tịch công đoàn, nữ nhà giáo tiêu biểu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019-2022. Ảnh: Hồ Lài.

Hàng năm, Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nữ đoàn viên, CBNGNLĐ. Các chính sách đối với lao động nữ như: thời gian nghỉ khi sinh con, chế độ trợ cấp thai sản, tổ chức cho lao động nữ được khám sức khoẻ định kỳ… được đa số các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời. Thông qua hoạt động vay vốn từ Quỹ "Vì nữ CNLĐ nghèo", trong nhiệm kỳ Công đoàn ngành đã giải quyết cho 44 cá nhân vay với số tiền 220 triệu đồng, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho nữ nhà giáo và lao động.

Công đoàn các cấp tập trung đổi mới công tác nữ công, lựa chọn nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp để tổ chức hoạt động đảm bảo hiệu quả hơn, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nữ CBNGNLĐ. Phong trào thi đua “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” gắn với phong trào“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã trở thành phong trào thường xuyên và được thực hiện sâu rộng, tạo động lực phấn đấu vươn lên cho nữ CBNGNLĐ . Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho học sinh mồ côi giai đoạn 2022-2025.

Ông Nguyễn Văn Khoa (bên phải) - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An và ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An khen thưởng nữ nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: Hồ Lài.

Ông Nguyễn Văn Khoa (bên phải) - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An và ông Đặng Văn Hải - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Nghệ An khen thưởng nữ nhà giáo tiêu biểu. Ảnh: Hồ Lài.

Hàng năm có trên 95% nữ CBNGNLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, 100% CĐCS có 10 nữ trở lên có Ban Nữ công quần chúng. Duy trì sinh hoạt, tổ chức sơ, tổng kết, chấm điểm, xếp loại Ban Nữ công các cấp, thực hiện nghiêm túc chương trình công tác và các quy định do Ban Nữ công cấp trên đề ra.

Công tác quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí cán bộ nữ luôn được quan tâm. Nhiều chị được tín nhiệm và bầu vào các vị trí chủ chốt trong Đảng, chính quyền và tổ chức công đoàn ; các chị đều phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ của đơn vị và của Ngành.

Giai đoạn 2019 - 2022, toàn ngành có 29 nữ/48 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú, có 92 nữ/128 nhà giáo được công nhận điển hình tiên tiến, tiêu biểu cho ngành Giáo dục và Đào tạo, có 33 nữ/45 cán bộ, nhà giáo, người lao động được tặng thưởng Quỹ tài năng phát triển giáo dục, hơn 1.000 nữ giáo viên được các bộ, ban, ngành khen thưởng.

Bạn đọc

Bạn Vũ Đồng – Hà Nội:

Thời gian qua, dư luận quan tâm đến vấn đề bạo lực học đường, nhưng bản thân giáo viên cũng gặp nhiều áp lực đến từ học sinh, phụ huynh, công tác chuyên môn. Vậy công đoàn ngành có hoạt động gì để tuyên truyền cho xã hội thấu hiểu, bảo vệ quyền và lợi ích cho đoàn viên, CBNGNLĐ, đảm bảo an ninh, trật tự trường học? 
Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

Giáo viên hiện nay chịu nhiều áp lực mới, trước hết là áp lực chuyên môn trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó còn có áp lực đến từ nhu cầu của học sinh và yêu cầu của phụ huynh đối với nhiệm vụ dạy học của giáo viên. Một số cách bảo vệ con thái quá của phụ huynh đã tạo áp lực không đáng có, ảnh hưởng đến việc phối hợp giáo dục con em của nhà trường, giáo viên với gia đình. Bên cạnh đó còn áp lực từ dư luận xã hội, và giáo viên cũng là người bị tổn thương. Trong khi cơ chế để bảo vệ giáo viên hiện nay chưa rõ ràng, dẫn đến không ít thời điểm và trường hợp giáo viên cảm thấy cô đơn khi gặp sự cố không may xảy ra với mình.

Tổ chức công đoàn đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của giáo viên, không chỉ là hoạt động hỗ trợ vật chất, mà còn là động viên, chia sẻ, chủ động nắm bắt vấn đề của cán bộ đoàn viên trong quá trình dạy học, công tác.Qua đó hạn chế sự việc không mong muốn, đáng tiếc xảy ra.

Thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An trao đổi, trò chuyện với học sinh. Ảnh: Hồ Lài.

Thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An trao đổi, trò chuyện với học sinh. Ảnh: Hồ Lài.

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng môi trường nhà trường, lành mạnh, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc. Trường học hạnh phúc ở đây không chỉ là cho học sinh, dù các em là đối tượng trung tâm, mà còn là cho giáo viên, cán bộ quản lý, người lao động. Nền giáo dục vì học trò, muốn học trò phát triển toàn diện thì nhiệm vụ không kém phần quan trọng phải chăm lo đội ngũ. Đội ngũ tốt, giỏi chuyên môn, cảm xúc tích cực, thì mới truyền được cảm hứng tốt đẹp trong quá trình dạy học, giáo dục học sinh.

Trong công tác quản lý, chỉ đạo hiện nay có một số nơi đang tập trung vào cảm xúc của học sinh mà quên đi việc quan tâm chính đáng đến cảm xúc của người dạy. Vì vậy phải cân bằng cả hai, trong đó lấy học sinh làm trung tâm, làm động lực. Thầy cô hạnh phúc, học trò hạnh phúc thì ở đó mới có trường học hạnh phúc.

Bên cạnh đó, công đoàn ngành cũng tập trung công tác tuyên truyền để cho xã hội, phụ huynh hiểu được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với giáo dục. Từ đó phụ huynh, xã hội có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn đối với nhiệm vụ, công tác cũng như khó khăn mà thầy cô gặp phải. Ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với thầy cô, nhà trường trong phối hợp giáo dục con cái.

Bên cạnh đó lan tỏa những việc làm tốt, cách làm hay trong ngành giáo dục. Công đoàn cũng phối hợp với Sở GD&ĐT, cơ quan chức năng liên quan tổ chức đối thoại, gặp mặt để trao đổi thông tin, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của giáo viên để kịp thời giải quyết, hỗ trợ.

Bạn đọc

Bạn Thu Cúc:

Học sinh tiểu học và THCS đang ở độ tuổi tiếp nhận kiến thức, học hỏi cái mới, vậy làm thế nào để giúp các em hoà nhập với môi trường học tập phổ thông nhưng vẫn giữ được bản sắc, văn hóa của dân tộc mình, thưa thầy?
Thầy Triệu Quốc Hưng

Thầy Triệu Quốc Hưng

Việc phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Cùng với học văn hóa, tiếp cận và làm chủ kiến thức chương trình GDPT mới, nhà trường còn tổ chức các hoạt động như tìm hiểu về các làn điệu dân ca (như hát then, hát sli, hát lượn).

Để khuyến khích học sinh thích đọc sách, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Liên Hội tổ chức cuộc thi vẽ tranh theo sách.

Để khuyến khích học sinh thích đọc sách, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Liên Hội tổ chức cuộc thi vẽ tranh theo sách.

Tìm hiểu và duy trì việc mặc trang phục dân tộc người Tày, Nùng của địa phương; tìm hiểu về các di tích lịch sử, di tích cách mạng; các trò chơi dân gian... qua đó giúp học sinh thêm hiểu biết và quý‎ trọng giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, đất nước.

Bạn đọc

Bạn Bùi Bảo Anh (Sơn La):

Dạy cùng lúc hai cấp học là tiểu học và THCS, nhà trường có gặp khó khăn trong việc quản lý, xây dựng sự gắn bó, đoàn kết cho học sinh giữa các khối lớp?
Thầy Triệu Quốc Hưng

Thầy Triệu Quốc Hưng

Phần đa học sinh là con em trong địa bàn xã, cùng thôn bản và được học chung tại một mái trường. Thông qua công tác chủ nhiệm, các hoạt động Đoàn, Đội... các em yêu thương và gắn bó nhau hơn.

Các anh chị lớp lớn hỗ trợ, giúp đỡ và chia sẻ khó khăn với các em lớp dưới, không có hiện tượng phân biệt hoặc gây mất đoàn kết trong đơn vị.

Thầy Triệu Quốc Hưng và học trò.

Thầy Triệu Quốc Hưng và học trò.

Trường chúng tôi hiện có 7 học sinh khuyết tật học hòa nhập, các em được các thầy cô hướng dẫn tận tình, chu đáo. Các bạn học sinh trong lớp, trong trường luôn hòa đồng, cùng tham gia các hoạt động với các học sinh trên.

Các em học sinh thuộc diện được hỗ trợ kinh phí theo chế độ học sinh khuyết tật.

Thông qua các tổ chức như Hội chữ thập đỏ, các cá nhân, nhà trường thường xuyên quan tâm động viên các em trong các dịp lễ, dịp tết... phần nào giảm khó khăn cho gia đình và học sinh.

Khó khăn đối với đơn vị chủ yếu là khung giờ hoạt động giáo dục giữa Tiểu học và THCS không đồng bộ thời gian, nên một số hoạt động thực hiện chưa đồng bộ.

Bạn đọc

Bạn Hoanghoainam@...:

Trong bối cảnh hiện nay, điều mà cán bộ, nhà giáo, người lao động cần đến tổ chức công đoàn không chỉ là hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ lúc khó khăn, hoạn nạn.Điều mà họ quan tâm là khó khăn, áp lực trong công tác chuyên môn, dạy học, cơ hội được phát triển nghề nghiệp. Công đoàn ngành đã có phát động chương trình, phong trào hoạt động nào để phát triển, phát huy năng lực nhà giáo, đáp ứng yêu cầu chương trình mới?
Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

Công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công đoàn viên, CBNGNLĐ luôn luôn là nhiệm vụ hàng đầu của tổ chức công đoàn. Bên cạnh công tác chăm lo đặc thù như thăm hỏi ốm đau, chia sẻ, động viên cán bộ đoàn viên lúc ốm đau, hoạn nạn, gặp khó khăn trong cuộc sống thì Công đoàn GD Nghệ An còn có những hoạt động mang tính chiều sâu, kế hoạch dài hơi.

Theo đó, đoàn viên, CBNGNLĐ hiện nay đối mặt với nhiều khó khăn mà trước đây chưa từng xuất hiện, đòi hỏi tổ chức công đoàn – đại diện, bảo vệ quyền lợi đoàn viên – cũng phải đổi mới chương trình hành động. Một trong những vấn đề được quan tâm lớn nhất hiện nay chính là cán bộ, nhà giáo gặp khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu đổi mới của chương trình GDPT 2018. Bao gồm cả năng lực chuyên môn, thay đổi phương pháp dạy học, tiếp cận phát huy năng lực người học… Có thể nhiều CBNGNLĐ không thể hiện ra, nhưng họ đều mong muốn được hỗ trợ, giúp đỡ để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2022-2023 tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Giáo viên tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2022-2023 tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Trước thực tế này, CĐGD Nghệ An và Sở GD&ĐT đã phối hợp tốt trong công tác mang lại nhiều kết quả nổi bật.

Phối hợp tốt trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ như tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn cơ sở để nâng cao công tác bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay. Xây dựng được 2.768 nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển, nhiều cán bộ quản lý trưởng thành từ cán bộ công đoàn cơ sở.

Công đoàn ngành phối hợp với Sở GD&ĐT chỉ đạo toàn ngành đẩy mạnh và triển khai thực hiện sâu rộng các phong trào thi đua: “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, xây dựng “Trường học hạnh phúc”…

Việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ CBNGNLĐ được phối hợp thực hiện thường xuyên, do đó công tác đại diện, bảo vệ cho đội ngũ ngày càng có chiều sâu, củng cố niềm tin của đội ngũ vào tổ chức Công đoàn. Công đoàn Giáo dục Nghệ An chủ động mở rộng mối quan hệ giao lưu học tập kinh nghiệm hoạt động công đoàn và tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị trong tỉnh, trong nước như CĐGD thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh... cùng các trường Đại học Đà Nẵng, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia Hội nghị giao ban cụm thi đua công đoàn 6 tỉnh Bắc Trung bộ.

Công tác phối hợp với LĐLĐ các huyện, thành phố, thị xã được củng cố, hoàn thiện, mang lại nhiều kết quả thiết thực. Công đoàn ngành Giáo dục đã ký Quy chế phối hợp chỉ đạo hoạt động với 21 LĐLĐ huyện, thành, thị trong các hoạt động mang tính ngành nghề.

Trong 5 năm gần đây, CĐGD Nghệ An cũng đã chủ trì tổ chức 2 cuộc gặp mặt biểu dương 320 nữ cán bộ quản lý và cán bộ công đoàn. Đồng thời, Công đoàn ngành đã kịp thời đề xuất Liên đoàn Lao động tỉnh khen thưởng cho 73 cá nhân, Công đoàn Ngành tặng giấy khen cho 110 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong các Hội thi do Sở GD&ĐT tổ chức. Qua đó kịp thời khích lệ đoàn viên, CBNGNLĐ phấn đấu nỗ lực trong công tác chuyên môn, giảng dạy.

Bạn đọc

Bạn Kim Oanh, Quảng Nam:

Với học sinh còn lại, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa qua, trường đã triển khai chương trình hỗ trợ, tiếp sức như thế nào?
Thầy Triệu Quốc Hưng

Thầy Triệu Quốc Hưng

Trường chúng tôi triển khai các văn bản tuyển sinh tới các em học sinh, phối hợp với các Trường cao đẳng Nghề Lạng Sơn, các trường THPT trên địa bàn huyện đến tuyên truyền, định hướng cho các em lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS.

Thầy Triệu Quốc Hưng đưa trò đi thi vào lớp 10.

Thầy Triệu Quốc Hưng đưa trò đi thi vào lớp 10.

Tổ chức đăng ký nguyện vọng thi tuyển trên hệ thống phần mềm, hướng dẫn học sinh hoàn thiện hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, cử cán bộ phụ trách tuyển sinh nộp hồ sơ về trường THPT nơi HS đăng ký‎ dự tuyển.

Bốn năm qua, trong những ngày thi vào lớp 10, nhà trường phối hợp với phụ huynh học sinh và cán bộ giáo viên, nhân viên đưa học sinh ra ở tại nhà các thầy cô gần địa điểm thi, lo cơm nước, chỗ nghỉ, đưa các em đi thi trong thời gian diễn ra kỳ thi.

Bạn đọc

Bạn Phương Nam – TP Hồ Chí Minh:

Xây nhà công vụ, mái ấm công đoàn hỗ trợ cho giáo viên có hoàn cảnh kinh tế, điều kiện gia đình khó khăn cần kinh phí lớn. Ông có thể chia sẻ giải pháp của đoàn ngành các cấp trong việc huy động nguồn lực?
Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

Kinh phí xây dựng ở nhà công vụ cho giáo viên thực tế rất lớn. Bởi những nơi cần nhà công vụ đều ở vùng sâu, vùng xa, giao thông cách trở, chưa thuận lợi dẫn đến chi phí vận chuyển nguyên vật liệu tăng cao. Nếu tiết kiệm, trung bình kinh phía xây dựng 1 nhà công vụ khoảng 1 tỷ đồng.

Công đoàn giáo dục Nghệ An đã có nhiều giải pháp để huy động nguồn lực xây dựng nhà công vụ, mái ấm công đoàn, chủ yếu vẫn dựa vào công tác xã hội hóa. Cụ thể như tranh thủ nguồn lực của địa phương. Huy động sự ủng hộ của cán bộ, nhà giáo, công đoàn viên trong ngành giáo dục. Bên cạnh đó, kêu gọi sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức, đoàn thể xã hội trong tỉnh và các các tỉnh bạn để tăng cường nguồn lực xây dựng nhà công vụ. Phương châm, cách làm mới là chủ động, căn cơ, tập trung, tránh dàn trải, hạn chế tối đa các khâu trung gian, lãng phí.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này lâu dài, cần có cơ chế chính sách giáo dục cho vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn trong đó tính đến nhu cầu nhà công vụ cho giáo viên. Theo đó, phải thực hiện mô hình trường dân tộc bán trú kiểu mới, về cơ sở vật chất bên cạnh khu nhà ở cho học sinh còn phải có nhà nội trú cho giáo viên. Làm như vậy thì vấn đề nhà công vụ giáo viên mới được giải quyết cơ bản. Đồng thời đảm bảo việc nâng cao chất lượng trường dân tộc bán trú khi có giáo viên cùng ở trong trường, quản lý, kiểm soát, giáo dục học sinh.

Bạn đọc

Bạn Lan Anh, Quảng Ngãi:

Nơi tôi công tác có nhiều học sinh nghỉ học giữa chừng, tỷ lệ chuyên cần giảm do xã đạt nông thôn mới, một số chính sách hỗ trợ bị cắt giảm. Nơi thầy công tác có gặp tình trạng trên? Giải pháp của ngành GD và nhà trường là gì để “giữ chân” trò ở lại?
Thầy Triệu Quốc Hưng

Thầy Triệu Quốc Hưng

Hiện đơn vị trường tôi công tác không có tinh trạng trên vì trường đang thuộc địa bàn xã vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đang được hưởng một số chế độ chính sách như được cấp phát vở, được hưởng tiền, gạo theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP, chế độ hỗ trợ chi phí học tập... nên chưa có nhiều sự tác động gây ảnh hưởng đến việc tổ chức dạy học và duy trì sĩ số học sinh.

Bạn đọc

Bạn Vi Hoài – Nghệ An:

Nhiều năm vừa qua, Nghệ An bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, trong đó ngành Giáo dục cũng bị ảnh hưởng. Vậy công đoàn đã có những hoạt động gì để hỗ trợ công đoàn viên tức thời và sau đó? 
Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

Năm vừa qua là năm khó khăn, vất vả với ngành giáo dục Nghệ An khi chịu lũ lụt lịch sử. Nhiều huyện miền xuôi như Thanh Chương, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai ngập lụt nặng. Đặc biệt trận lũ quét tại huyện Kỳ Sơn đã cuốn trôi nhiều nhà cửa tài sản của bà con, trong đó có hơn 40 gia đình giáo viên nằm trong vùng tâm lỹ bị ảnh hưởng. Ngay khi lũ lụt xảy ra, công đoàn ngành đã kêu gọi vận động và trực tiếp đến thăm hỏi gia đình giáo viên, các trường học bị thiệt hại trên địa bàn.

Công đoàn GD Nghệ An và Sở GD&ĐT trao quà hỗ trợ ngành giáo dục Kỳ Sơn bị thiệt hại bởi lũ quét lịch sử năm 2022. Ảnh: NVCC.

Công đoàn GD Nghệ An và Sở GD&ĐT trao quà hỗ trợ ngành giáo dục Kỳ Sơn bị thiệt hại bởi lũ quét lịch sử năm 2022. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh việc thăm hỏi, hỗ trợ tiền mặt, nhu yếu phẩm ngay sau khi lũ lụt xảy ra, công đoàn tiếp tục huy động, kết nối các nguồn lực để hỗ trợ giáo viên ổn định cuộc sống, khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.

Tính trong 5 năm qua, công đoàn ngành đã kết nối trao tặng gần 4,5 tỷ đồng cùng hiện vật đến các nhà trường, giáo viên bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi lũ lụt. Trong đó riêng hỗ trợ huyện Kỳ Sơn gần 2 tỷ đồng.

Bạn đọc

Bạn Giang Nam – Nghệ An:

Hiện nhà công vụ giáo viên trên toàn tỉnh Nghệ An đã đáp ứng được khoảng bao nhiêu nhu cầu. Công đoàn ngành đã có kế hoạch, chương trình gì để tăng cường nhà công vụ cho giáo viên?
Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

Tính trên toàn tỉnh Nghệ An, nhà công vụ của giáo viên chỉ mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Tỷ lệ 50% này đã bao gồm cả nhà mới xây lẫn phòng ở hoặc phòng học cũ đang được giáo viên tận dụng lại. Số phòng ở cũ sau nhiều năm sử dụng đã uống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến an toàn cho giáo viên.

Tuy nhiên, do đóng ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nên các nguồn lực hiện đang tập trung ưu tiên cho học sinh. Kinh phí duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhà công vụ cho giáo viên hầu như chưa vận động được, vì vậy các thầy cô đang phải tự xoay xở, trang trải cuộc sống cắm bản dạy học.

Công đoàn giáo dục Nghệ An khởi công nhà công vụ cho giáo viên Trường THPT Mường Quạ, huyện Con Cuông, Nghệ An.

Công đoàn giáo dục Nghệ An khởi công nhà công vụ cho giáo viên Trường THPT Mường Quạ, huyện Con Cuông, Nghệ An.

Nhưng năm qua, ngành cũng đã có nhiều chương trình tăng cường nhà công vụ, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho giáo viên vùng cao, khó khăn. Cụ thể như chương trình “Phòng giúp phòng, trường giúp trường”, các đơn vị miền xuôi, thành thị đã hỗ trợ nhiều thiết bị, vật dụng quà tặng cho trường học, đồng nghiệp vùng cao. Tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình “Quyên góp xây dựng nhà công vụ, hỗ trợ giúp đỡ nhà giáo, người lao động ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”.

Trong 5 năm gần đây đã huy động được 2.4 tỷ đồng, tổ chức xây mới được 3 công trình nhà công vụ giáo viên, 2 công trình nước sạch; hỗ trợ sửa chữa 1 nhà công vụ giáo viên; thực hiện hỗ trợ trang thiết bị thiết yếu cho 5 bếp ăn công đoàn; hỗ trợ trên 16.000 CBNGNLĐ, 3.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không may gặp tai nạn rủi ro, mắc bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19…

Bạn đọc

Bạn Thanh Hải – Hà Giang:

Học sinh dân tộc thiểu số, vùng cao còn chịu nhiều thiệt thòi, thầy có thể cho biết nhà trường có những giải pháp nào để hỗ trợ học trò vượt qua những khó khăn, có động lực vươn lên trong cuộc sống?
Thầy Triệu Quốc Hưng

Thầy Triệu Quốc Hưng

Chúng tôi thường xuyên trao đổi, tâm sự cùng học sinh để hiểu rõ hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng… rồi từ đó động viên, giúp đỡ các em.

Tổ chức các hoạt động trải nghiệm tại nhà trường, hoạt động văn hóa, văn nghệ, dân tộc thiểu số.

Nhà trường luôn có những hoạt động ngoại khóa để tạo sự hứng thú cho học sinh.

Nhà trường luôn có những hoạt động ngoại khóa để tạo sự hứng thú cho học sinh.

Kêu gọi sự ủng hộ của cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài xã hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như: dịp khai giảng, tết Trung thu, tết Nguyên đán, tết Thiếu nhi... Phối hợp các với ban ngành, đoàn thể cùng giúp đỡ, động viên các em học tập.

Đặc biệt, đối với các em khi làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương học sinh trong các đợt thi đua, các cuộc thi, hội thi kịp thời.

Bạn đọc

Bạn thuhong@..:

Đơn vị miền núi nào thiếu nhà công vụ nhất tỉnh. Nơi đây, giáo viên giải quyết vấn đề chỗ ở như thế nào?
Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

Như đã nói, nhà công vụ cho giáo viên khó khăn nhất là ở vùng cao, trong đó tập trung chủ yếu tại các huyện biên giới như: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong… Hiện qua thống kê của công đoàn ngành, tại các địa phương này đang có hơn 100 nhà công vụ với khoảng 500 phòng ở cho giáo viên, chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho các thầy cô giáo. Có thể lấy một phép so sánh khi Nghệ An hiện đang còn hơn 1.000 điểm trường lẻ, thì số lượng nhà công vụ, phòng ở cho giáo viên ở vùng cao còn thiếu rất nhiều.

Giáo viên cắm bản tại điểm lẻ Huồi Cọ, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nhôn Mai, huyện Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Giáo viên cắm bản tại điểm lẻ Huồi Cọ, Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nhôn Mai, huyện Tương Dương, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Thực tế, số nhà công vụ hoặc ký túc xá cho giáo viên – chủ yếu tập trung ở điểm trường chính - đang được ưu tiên cho giáo viên trẻ ở xa lên công tác, cô giáo có con nhỏ, hộ gia đình… Nhưng thời gian qua, ngành giáo dục đang tập trung dồn học sinh từ lớp 3 – 5 về trường chính ở bán trú theo hình thức nội trú từ thứ 2 đến đến thứ 6 để dạy học chương trình GDPT 2018. Đón học sinh về trường chính trong khi cơ sở vật chất nhà ở chưa thể ngay lập tức đáp ứng đủ, thì giáo viên lại nhường nhà ở công vụ của mình cho các ở bán trú.

Thay vào đó, phần lớn thầy cô giáo đang phải thuê nhà dân bản ở gần trường để dạy học và thuận tiện trong chăm lo, quản lý học sinh. Có người đã thuê ở hàng chục năm, và gửi con nhỏ về quê cho ông bà chăm sóc. Điều kiện sinh hoạt khi thuê trọ cũng tạm bợ, vất vả và nhiều thiếu thốn, thiệt thòi…

Bạn đọc

Bạn Phương Viễn (Cao Bằng):

Ở vùng khó, điều dễ nhận thấy là sự phối hợp của gia đình - nhà trường trong việc giáo dục trẻ không như kỳ vọng. Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Liên Hội có đối diện với tình trạng trên không, thưa thầy?
Thầy Triệu Quốc Hưng

Thầy Triệu Quốc Hưng

Những năm qua, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương, đoàn, hội để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh có học sinh trong độ tuổi ra lớp, thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục – xóa mù chữ.

Đặc biệt, chúng tôi phối hợp với Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh trong công tác giáo dục văn hóa, rèn luyện đạo đức, các hoạt động giáo dục.

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Liên Hội luôn cố gắng để học sinh phát huy hết khả năng của mình.

Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Liên Hội luôn cố gắng để học sinh phát huy hết khả năng của mình.

Đầu năm học đơn vị chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm rà soát các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhằm hỗ trợ và đảm bảo 3 đủ: “đủ ăn - đủ mặc - đủ sách vở” cho học trò, thực hiện tốt các chế độ chính sách vùng khó khăn cho các em đầy đủ, kịp thời.

Kịp thời thông tin, phối hợp với phụ huynh khi con em vi phạm nội quy học sinh. Phối hợp với Công an xã, các tổ chức chính trị xã trong công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, cam kết không vi phạm an toàn giao thông... nên trong những năm qua, đơn vị không có hiện tượng học sinh bỏ học hoặc học sinh vi phạm nội quy đến mức phải kỷ luật.

Bạn đọc

Bạn Thục Tâm – Thanh Hóa:

Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, trong đó có nhiều huyện miền núi cao, giáo viên phải cắm bản dạy học. Vậy nơi ở giáo viên có gặp khó khăn gì không?
Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

Quả thật, Nghệ An như một Việt Nam thu nhỏ, có diện tích rộng nhất cả nước với đa dạng địa hình có biển đảo, đồng bằng, thành thị và miền núi. Trong đó có nhiều huyện miền núi cao, vùng sâu vùng xa.

Dù còn nhiều khó khăn ở vùng cao, nhưng hệ thống cơ sở, đơn vị giáo dục trên địa bàn Nghệ An được phủ khắp, đáp ứng nhu cầu được đến trường, đi học của tất cả học sinh đến độ tuổi. Đồng nghĩa với điều đó, giáo viên cũng có mặt ở từng điểm trường để dạy học. Trong đó nhiều thầy cô giáo trẻ từ xuôi lên miền núi công tác, xa nhà hàng trăm kilomet gặp khó khăn về chỗ ở. Chưa kể giáo viên không chỉ ở điểm chính, mà hàng năm còn luân phiên đi cắm bản lẻ daỵ học.

Thầy giáo cắm bản ở điểm trường Phà Nọi, Trường Tiểu học Đoọc Mạy (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) ở lại trong gian nhà ký túc tạm bợ mỗi buổi trưa để dạy học 2 buổi/ngày.

Thầy giáo cắm bản ở điểm trường Phà Nọi, Trường Tiểu học Đoọc Mạy (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) ở lại trong gian nhà ký túc tạm bợ mỗi buổi trưa để dạy học 2 buổi/ngày.

Vì thế ngay cả thầy cô giáo bản địa cũng có nhu cầu về ký túc xá, nhà ở công vụ để yên tâm công tác. Ví dụ như cùng trong huyện Tương Dương, nhưng một số trường học ở vùng lòng hồ thủy điện bản Vẽ như: Hữu Khuông, Nhôn Mai, Mai Sơn… cách trung tâm huyện 160 – 180km đường bộ. Còn nếu đi thuyền phải mất khoảng 3 giờ đồng hồ đường thủy và nhiều phương tiện “tăng bo” khác đển tới điểm bản.

Trong khi đó, chế độ chính sách đối với nhà ở cho giáo viên chưa có, mà chủ yếu tập trung vào công tác xã hội hóa, sự quan tâm của chính quyền địa phương. Nhưng ở vùng cao, công tác xã hội hóa lại càng vất vả, khó khăn.

Bạn đọc

Bạn Hiền Hải - Hải Phòng:

Đời sống người dân còn khó khăn. Điều này có ảnh hưởng đến việc học của trẻ không, thưa thầy?
Thầy Triệu Quốc Hưng

Thầy Triệu Quốc Hưng

Đời sống của một bộ phận dân cư còn khó khăn, hoàn cảnh gia đình không thuận lợi, không có nghề nghiệp hoặc công việc không ổn định, do đó việc chăm sóc, giáo dục con em chưa đầy đủ.

Một số gia đình chưa thật sự quan tâm đến quá trình học tập của con em mình (ví dụ bố mẹ đi làm ăn xa nhà, làm tại các khu công nghiệp, các em ở nhà với ông bà nên công tác quản lý chưa được sát sao, hiệu quả).

Thầy Triệu Quốc Hưng và các thầy cô trong trường luôn cố gắng tổ chức nhiều hoạt động để học sinh tham gia.

Thầy Triệu Quốc Hưng và các thầy cô trong trường luôn cố gắng tổ chức nhiều hoạt động để học sinh tham gia.

Nhiều em bố mẹ không sát sao, quan tâm có thể sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

Bên cạnh đó, một số em vì hoàn cảnh khó khăn, phải phụ giúp gia đình làm nương rẫy, trông em nên có nguy cơ nghỉ học giữa chừng, trở thành lao động khi chưa đến tuổi.

Bản thân mỗi thầy cô khi dạy ở các trường có học sinh dân tộc thiểu số để hòa nhập với học trò phải học tiếng dân tộc, học văn hoá, tập quán để có thể thấu hiểu, tư vấn và thuyết phục phụ huynh đồng hành, quan tâm đến học sinh, làm sao cho họ hiểu việc đi học sẽ có giá trị như thế nào, những thiệt thòi khi học sinh không được đến trường.

Bạn đọc

Bạn leanhdao@...:

Xin ông cho biết về tình hình đội ngũ cán bộ công đoàn giáo dục tỉnh Nghệ An hiện nay?
Ông Đặng Văn Hải

Ông Đặng Văn Hải

Cô trò Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Cô trò Trường THCS Đặng Thai Mai (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài.

Hiện nay Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An chỉ đạo trực tiếp 101 công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc với 7.194 đoàn viên, cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ). Trong đó nữ 4.542 người (chiếm 63%); đảng viên 3.686 người (51%); Trình độ chuyên môn: 100% giáo viên đạt chuẩn đào tạo, trên chuẩn 31,3%. Cụ thể có 1 Giáo sư; 13 Tiến sĩ và 2 nghiên cứu sinh; 2.018 thạc sĩ; 4.578 đại học; 585 cao đẳng.

Chất lượng đội ngũ được nâng lên, có 44 giáo viên THPT đạt hạng 1, có 1.532 giáo viên THPT đạt hạng 2; 100% giáo viên đạt chuẩn đào tạo, tỷ lệ giáo viên THPT trên chuẩn đào tạo tăng, đến cuối nhiệm kỳ đạt 31,3% (tăng 6% so với đầu nhiệm kỳ). Trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp của nhà giáo các cấp, đội ngũ đoàn viên, CBNGNLĐ cơ bản đáp ứng được yêu cầu, hoàn thành tốt các công việc được giao, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của ngành.

Những năm qua, các chế độ, chính sách đối với đoàn viên, CBNGNLĐ cơ bản được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tư tưởng, đời sống, việc làm của đội ngũ đoàn viên, CBNGNLĐ cơ bản ổn định. Các cấp chính quyền địa phương và toàn xã hội đã quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn đến đoàn viên, CBNGNLĐ, đặc biệt là đội ngũ CBNGNLĐ đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng bị thiên tai, bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19...

Các hiện tượng tiêu cực, vi phạm quy định, quy chế của đơn vị, địa phương và của Ngành ngày càng giảm thiểu. Đội ngũ đoàn viên, CBNGNLĐ trong Ngành yên tâm công tác, tin tưởng, ngày càng có nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của tổ chức Công đoàn; chủ động, tự giác tham gia việc thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, hưởng ứng các chương trình, các hoạt động do Công đoàn tổ chức góp phần vào quá trình đổi mới của tỉnh nhà, của ngành Giáo dục và của tổ chức Công đoàn.

Tuy nhiên, việc làm và thu nhập của một bộ phận giáo viên mầm non, giáo viên các trường phổ thông ngoài công lập bị ảnh hưởng nhiều do đại dịch Covid-19; thu nhập của một số giáo viên, nhân viên trẻ còn thấp. Các điều kiện làm việc, thiết chế văn hóa, nhà công vụ giáo viên ở một số trường mầm non, phổ thông miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn còn thiếu, chưa đảm bảo đáp ứng yêu cầu về đời sống và điều kiện làm việc cho đoàn viên, CBNGNLĐ đang công tác tại đây.

Bạn đọc

Bạn Tonghaanh@.…:

Đóng chân ở vùng khó của tỉnh, thầy có thể khái quát về điều kiện kinh tế xã hội, đời sống của người dân?
Thầy Triệu Quốc Hưng

Thầy Triệu Quốc Hưng

Trường PTDTBT TH&THCS Liên Hội được chuyển đổi và thành lập từ ngày 01/8/2020 từ Trường PTDTBT TH&THCS xã Phú Mỹ và sáp nhập Trường Tiểu học xã Việt Yên thành điểm trường. Xã cách trung tâm huyện 12km có tổng diện tích tự nhiên là 36,72m2 chia thành 09 thôn trong đó có 6 thôn đặc biệt khó khăn.

Một tiết học của cô trò Trường PTDTBT TH&THCS Liên Hội.

Một tiết học của cô trò Trường PTDTBT TH&THCS Liên Hội.

Năm 2023, tổng số hộ dân trên toàn xã là 804 hộ với 3.395 nhân khẩu có 2 dân tộc chính là Tày và Nùng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã 93/804 chiếm 11,6%; Hộ cận nghèo 202/804 chiếm 25,1 %.

Điều kiện kinh tế của xã còn gặp nhiều khó khăn, người dân thu nhập chủ yếu dựa vào nông, lâm nghiệp là chính việc sản xuất phần lớn dựa vào thiên nhiên, không chủ động nên ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người dân. Bình quân thu nhập đầu người năm 2022: 41 triệu/người/năm.

Bạn đọc

Bạn Phong Việt, Khánh Hòa:

Không chỉ học sinh, trường tôi công tác có một số thầy cô gặp khó khăn về điều kiện kinh tế, mắc bệnh hiểm nghèo. Thầy có thể cho biết ở Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Liên Hội thì sao? Công đoàn trường có phát huy được vai trò bảo vệ, chăm lo đời sống cho đoàn viên công đoàn?
Thầy Triệu Quốc Hưng

Thầy Triệu Quốc Hưng

Công đoàn thường xuyên tìm hiểu, nắm bắt các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi của người lao động và các đoàn viên trong công đoàn; Xây dựng được quy chế, định mức chi các chế độ chính sách một cách rõ ràng, phù hợp với thực tế và khả năng tài chính.

Trường cũng thường xuyên quan tâm đến từng người lao động và các đoàn viên trong công đoàn, kịp thời thăm hỏi động viên khi mỗi người bị ốm đau hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống.

Nhà trường không có giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo hoặc quá khó khăn về điều kiện kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.