back

Báo Giáo dục và Thời đại Online E-magazine

Sau mỗi giờ tan lớp, học sinh bán trú lại dắt díu nhau đi bộ hơn 1km để tắm rửa, giặt giũ. Đến nơi dù có nước cũng phải ngồi chờ nhau. Có những khi mất vài tiếng đồng hồ mới tắm rửa, giặt quần áo xong xuôi rồi các em lại vội về để kịp bữa cơm chiều.

Thầy Trịnh Hoàng Sơn chia sẻ: “Mỗi lần nghe, xem thông tin dự báo thời tiết sẽ có mưa, Ban giám hiệu Trường PTDTBT THCS xã Hồng Thu, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu lại phấn khởi cắt cử cán bộ giáo viên kiểm tra lại mái nhà, máng, đường ống dẫn nước đón những cơn mưa đổ để sử dụng qua ngày”.

Chia sẻ về nỗi lòng của người sống trong vùng khát nước, thầy Sơn đồng thời thông tin: Để khắc phục tình trạng thiếu nước kéo dài trong mùa khô hanh, hằng năm, Trường PTDTBT THCS xã Hồng Thu lại thăm dò các mạch nước ở khe suối và quyên góp tiền mua ống nước hơn 600m, dây điện, máy bơm để lọc sử dụng nấu ăn cho học sinh bán trú. Tuy nhiên, tại khe suối cũng chi chít ống nước của người dân nên lúc bơm được lúc không.

Mùa khô, ngoài công việc thường ngày, giáo viên còn có nhiệm vụ khác là canh trời mưa, đi tìm nguồn nước. Chia sẻ công việc của mình, thầy Phạm Ngọc Toản, GV Trường PTDTBT THCS Hồng Thu nói: “Vào mùa khô, ngày nào chúng tôi cũng đi bơm nước. Đường ống thì thường xuyên bị hư hỏng do đó mất thời gian sửa. Nguồn nước mà các em đi tắm rửa, giặt giũ hằng ngày của địa phương khác nên chỉ khi họ lấy đủ, chúng tôi mới lấy được bơm nước về trường”.

Nước trở thành mặt hàng khan hiếm nên cả thầy và trò đều ý thức tiết kiệm. Chị Mã Thị Dao, nhân viên phục vụ Trường PTDTBT THCS Hồng Thu kể: “Chúng tôi phải sử dụng tiết kiệm nước trong mọi công việc. Nước qua sử dụng không đổ đi mà tận dụng để tưới hoa, rửa nhà vệ sinh”.

Tương tự, Trường PTDTBT Tiểu học Hồng Thu cũng giáo dục học sinh phải sử dụng nước tiết kiệm. Thay vì trực tiếp xả nước, nhà trường hướng dẫn trò hứng nước vào chậu để rửa tay. Nước sau sử dụng được tận dụng để tưới hoa hoặc dội nhà vệ sinh.

Khó khăn hơn các trường khác do mó nước cách xa trường lại thường xuyên trong tình trạng khô cạn khiến thầy và trò nhiều hôm lếch thếch quần áo, can nhựa về tay không. Trước thực trạng trên, Ban giám hiệu Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể xã tuyên truyền vận động bà con nhân dân trong toàn, xã đặc biệt là 3 bản: Phìn Hồ, Seo Lèng 1, Seo Lèng 2 hằng ngày ủng hộ từ 1 đến 2 can nước 20 lít.

“Chúng tôi vận động mỗi em đi học mang theo từ 1 đến 5 lít nước. Do nguồn nước cách trường khoảng từ 2 - 5 km (tùy theo từng mó nước), để lấy được nước, chúng tôi đã đi vận động các hộ gia đình có nguồn nước tự nhiên nhỏ cho phép trường đến hứng. Cùng với đó, vận động thầy cô giáo dùng xe ô tô bán tải để đi chở nước ban đêm. Có những hôm, thầy cô phải thức đến 2 giờ sáng mới hứng đủ nước mang về”, thầy Nguyễn Ngọc Huyền chia sẻ.

Cũng theo thầy Huyền, nhà trường đã tham mưu với cấp ủy chính quyền địa phương để kêu gọi các trường trong huyện ủng hộ và vận động phụ huynh học sinh mỗi tháng đóng góp từ 20 - 50 nghìn đồng để mua và vận chuyển nước sinh hoạt trong thời gian cao điểm mất nước.

“Nhà trường mong các cấp, ngành và nhà hảo tâm giúp đỡ để nhà trường khắc phục tình trạng thiếu nước như hiện nay. Chúng tôi cũng mong được hỗ trợ xây dựng thêm các bể chứa nước để đảm bảo cho việc sinh hoạt của học sinh”, thầy Trịnh Hoàng Sơn bày tỏ.

Các trường vùng cao của Nghệ An phần lớn đều chưa tự chủ được nguồn nước, thay vào đó phụ thuộc vào khe suối tự nhiên, dòng chảy không ổn định. Nếu ở gần sông, suối lớn là một thuận lợi đối với trường học. Nhưng đối với những trường ở địa hình cao thì thầy cô giáo phải vào sâu trong rừng để dẫn nước về. Vì vậy, vào mùa khô, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, các trường đều phải đối diện nỗi lo thiếu nước, phải sử dụng tiết kiệm, chắt chiu.

Tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, từ cuối năm 2022, Trường PTDTBT THCS Keng Đu khoan được giếng nước, nên chia sẻ cho cả trường tiểu học và mầm non.

Theo thầy Lê Xuân Khai, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Keng Đu, do cả ba trường dùng chung một giếng khoan, nên phải chia lịch để lấy nước. Ban ngày, giáo viên, học sinh đều tập trung cho các hoạt động dạy học, giáo dục nên chỉ có thể đi lấy nước vào buổi đêm.

“Lịch của trường tiểu học là vào tối thứ 3 và thứ 5. Những lúc ấy, giáo viên chia nhau mang theo vòi nhựa lắp vào giếng khoan để dẫn nước về bể dự trữ. Đường ống không cố định, các thầy cô phải trực đợi canh chừng trường hợp bị lệch, nước chảy ra ngoài… Có hôm 12h đêm về ngủ rồi 3h sáng lại dậy đi lấy nước”, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Keng Đu kể.

Thấu hiểu nỗi vất vả của thầy trò, mới đây, Trường PTDTBT Tiểu học Keng Đu được đơn vị thiện nguyện hỗ trợ 60 triệu đồng để khoan giếng, dự kiến bắt đầu vào cuối tháng 5. Chỉ khi chủ động được nguồn nước, thầy trò ngôi trường biên giới xa xôi nhất huyện Kỳ Sơn, Nghệ An mới yên tâm học tập, sinh hoạt, đặc biệt là giải quyết vấn đề vệ sinh, tắm rửa cho học sinh bán trú. Tuy nhiên, ở địa bàn cao hơn 1.000m này, có khoan đúng mạch nước hay không vẫn chưa thể khẳng định.

Chia sẻ hành trình tìm nguồn nước, thầy Phạm Hữu Luận, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Keng Đu kể, nhà trường phải khoan sang mũi thứ 2 mới thành công. Mũi khoan đầu tiên sâu xuống 60 mét nhưng gặp phải hang khô, không có nước. Bên thi công rút mũi khoan, tìm địa điểm khác, cách đó khoảng 50m. Lần này, sau khi khoan xuống độ sâu hơn 100 mét, thì may mắn đã chạm trúng mạch nước.

Trường PTDTBT THCS Keng Đu năm học học này có hơn 360 học sinh, trong đó chiếm tới 2/3 ở bán trú. Trước khi có giếng khoan, để phục vụ sinh hoạt cho cả thầy lẫn trò, nhà trường xây dựng bể nước bằng bê tông với thể tích 40 khối để trữ tất cả nguồn nước tìm được như: nước mưa, khe suối… Hiện dù đã có giếng khoan, nhưng nhà trường vẫn phải bơm nước vào bể để thuận tiện trong tổ chức nấu ăn, phục vụ sinh hoạt. Đồng thời chia thời gian lấy nước cho trường tiểu học, mầm non cũng như một số hộ dân trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ