Sau vụ tấn công vào Kursk, ‘Lằn ranh đỏ’ của Nga là gì?

GD&TĐ - Tạp chí Mỹ “Foreign Policy” nhận định, cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk nhằm khẳng định sự mất thiêng “lằn ranh đỏ” của Nga.

Sau vụ tấn công vào Kursk, ‘Lằn ranh đỏ’ của Nga là gì?

Sau một tuần giao tranh tích cực ở khu vực Kursk, Quân đội Nga hiện đã ngăn chặn bước tiến của Lực lượng Vũ trang Ukraine, nhưng vẫn chưa đánh lui được các nhóm quân Ukraine về biên giới vùng Sumy.

Chưa thể khẳng định tính chất thắng thua của chiến dịch này, nhưng việc quân Ukraine đánh sang và chiếm được một phần khu vực này của Nga là thành tích lãnh thổ lớn nhất của Kiev kể từ cuộc phản công thành công ở khu vực Kharkov và Kherson vào mùa thu năm 2022.

Ấn phẩm “Chính sách đối ngoại” (Foreign Policy) của Mỹ khi đánh giá tình hình chiến sự ở đây đã nhận định rằng, mục đích hoạt động của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở khu vực Kursk có thể là mong muốn cho cộng đồng thế giới thấy không hề có sự tồn tại của cái gọi là “ranh giới đỏ” do Moscow lập ra.

Dường như Lực lượng Vũ trang Ukraine đang trả lời câu hỏi là liệu Nga có khả năng hiện thực hóa các đe dọa của họ về “sự xâm phạm lằn ranh đỏ” mà Moscow đã nhiều lần tuyên bố trước đây.

Trước đây, đã có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi ở Washington, Berlin và trên các phương tiện truyền thông phương Tây về “lằn ranh đỏ” trong ý thức của Điện Kremlin, mà nếu phương Tây vi phạm có thể dẫn đến Thế chiến thứ ba và một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Đầu tiên là việc phương Tây phá bỏ ranh giới về viện trợ vũ khí sát thương cho chính quyền Kiev, tiếp theo là việc cung cấp các hệ thống phòng không, xe tăng, pháo phản lực phóng loạt; rồi đến những vũ khí tấn công tầm xa như tên lửa không đối đất Storm Shadow, tên lửa đất đối đất ATACMS và cuối cùng là các máy bay chiến đấu có khả năng mang tên lửa hạt nhân như F-16 Fighting Falcon.

Theo Andreas Umland, một nhà phân tích tại Viện Quan hệ Quốc tế Thụy Điển, đỉnh điểm trong việc phá bỏ “Lằn ranh đỏ” của Moscow là việc chuyển cuộc xung đột sang lãnh thổ Nga, nơi được quốc tế công nhận về mặt pháp lý, với sự hỗ trợ của vũ khí tầm xa phương Tây.

Ấn phẩm “Foreign Policy” nhấn mạnh rằng, những gì đang xảy ra ở khu vực Kursk là trường hợp đầu tiên như vậy kể từ Thế chiến Thứ hai, khi quân đội nước ngoài (Đức) xâm chiếm lãnh thổ của Nga.

Hơn nữa, bất chấp việc Washington và Brussels nói rằng họ “không biết gì về kế hoạch của Kiev” liên quan đến việc tấn công sang khu vực Kursk của Nga, nhưng Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) thực sự đã hỗ trợ Ukraine, với thông báo nước này có quyền tiến hành các hoạt động như vậy.

Với những sự leo thang như vậy, phương Tây muốn thử thách “Ranh giới đỏ” của Nga, xem Moscow có thực hiện những tuyên bố cứng rắn của mình hay không, còn chính quyền Kiev muốn chứng tỏ cho NATO thấy rằng, Điện Kremlin sẽ không tung ra những biện pháp cực đoan, và phương Tây cứ thoải mái cung cấp và cho phép nước này sử dụng tất cả các vũ khí tiên tiến nhất, hiện đại nhất của phương Tây trong cuộc chiến.

Sau trận đánh này, nếu Quân đội Ukraine vẫn chưa sụp đổ thì rất có thể những vũ khí tối tân hơn, tầm xa hơn như tên lửa Taurus của Đức hay tên lửa AGM-158 JASSM của Mỹ sẽ được cung cấp cho Kiev và thực sự khi đó sẽ không còn “Lằn ranh đỏ” nào mà phương Tây không dám vượt qua.

Tuy nhiên, sự thử thách vẫn đang diễn ra khi kết quả cuộc tấn công vào khu vực Kursk vẫn chưa ngã ngũ, còn quá sớm để nói những mục tiêu chiến lược mà Ukraine hy vọng đạt được và cũng chưa xác định được chắc chắn là Moscow có đưa ra những biện pháp cứng rắn để đối phó với Ukraine, ví dụ như sử dụng tới vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Theo một trong những ý kiến giả định, Ukraine thực sự cũng không muốn đẩy cuộc xung đột với Nga leo thang lên một cấp độ nguy hiểm mới, mà chỉ muốn nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột bằng một lợi thế trên chiến trường, ép Moscow ngồi vào bàn đàm phán về một thỏa thuận hòa bình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.