Hiện đang có không ít sinh viên đi làm thêm để lấy tiền trang trải cuộc sống. Đặc biệt là những sinh viên ở thành phố, chi phí sinh hoạt nhiều nên việc đi làm thêm ngoài giờ học là lựa chọn của nhiều người.
Có nhiều công việc để sinh viên sắp xếp cho phù hợp với thời gian học trên lớp như bán hàng theo ca, phát tờ rơi, phụ bàn, làm bếp, gia sư,.. một trong số đó, chạy xe ôm hay grab được nhiều người chọn lựa hơn. Bởi, các bạn trẻ có thể chủ động được thời gian, tự sắp xếp việc học và việc làm thêm, có tiền mặt để sử dụng hàng ngày,…Tuy nhiên, sau nhiều sự việc xảy ra, nhiều bạn trẻ đã muốn bỏ nghề này.
Đặc biệt, gần đây là vụ nam sinh ở Thanh Hóa thiệt mạng sau khi chở khách là “đòn” thức tỉnh với nhiều người.
Nghiêm Quốc Anh – Sinh viên Học viện Thanh Thiếu niên – chia sẻ: Do thời gian rảnh khá nhiều, lại sẵn xe máy nên em chọn đi grab. Nếu chạy chăm chỉ thì mỗi ngày em cũng thu được 300-400 nghìn. Thời gian đầu, em thấy rất thích vì có thể chủ động được thời gian, nhưng càng làm lại càng thấy mệt mỏi khi suốt ngày rong ruổi trên đường. Nhiều hôm đến lớp, em còn ngủ gật vì mệt. Nhất là sau khi thấy được rủi ro liên quan đến tính mạng con người, em không muốn tiếp tục làm việc này nữa”.
Vụ nam sinh lái grab bị thiệt mạng gần đây khiến nhiều người đau xót. Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ lan truyền nhau cách “thoát thân” là nếu gặp kẻ gian thì sẵn sàng bỏ xe, bỏ của để cứu lấy mình. Thế nhưng, khó có thể nói trước được những tình huống có thể xảy ra.
Bạn trẻ Nguyễn Phương bình luận: “Mình phải ở trong hoàn cảnh đó mới hiểu được. Không ai lường trước được rằng kẻ gian sẽ ra tay với mình. Đi làm đương nhiên là muốn có tiền, nhất là với sinh viên nghèo nên việc bỏ xe là tài sản to nhất ở lại chỉ vì những chuyện rất nhỏ”.
Nhiều bạn trẻ không muốn bỏ nghề nên tính chuyện chuyển sang vận chuyển hàng hóa, không nhận “chở người”. Thế nhưng, những shipper đang làm việc này cũng không hào hứng gì bởi chính họ cũng gặp rất nhiều rủi ro, nhiều hôm đi làm không công. Nhất là vận chuyển đồ ăn, do thời gian khách gọi ăn uống đều là giờ cao điểm, đường xá đông đúc nên các shipper phải vật lộn giữa trưa nắng, tắc đường. Đồ ăn mang đến nhiều khi đã quá giờ, khách không chịu nhận, hoặc đồ không còn nguyên hình dạng ban đầu, chính shipper cũng phải bỏ tiền túi ra nhận lại đồ.
Shipper đang là sinh viên trường Đại học Lao động xã hội chia sẻ: “Có hôm khách gọi pizza, em đã cố đi nhanh nhưng nhiều tác động ngoại cảnh mà mình không tính toán được, khi đến nơi, khách không nhận vì đã quá giờ ăn trưa. Thậm chí, có nhiều hộp thức ăn mang đến nơi bị méo, biến dạng do va chạm trên đường, khách cũng không nhận và xác định là ngày hôm đó đi làm không công”.
Chắc hẳn không có bạn trẻ nào muốn làm công việc mà cứ lo nơm nớp chuyện gặp kẻ gian, hay đi làm mà phải bù tiền ra. Thế nên, nhiều shipper đã không còn tha thiết với nghề này nữa, họ có nhiều lựa chọn khác và quan trọng nhất, đối với sinh viên, chuyện học hành vẫn là điều cần phải làm hơn là rong ruổi trên đường.