Sâu lắng, ấn tượng tuần lễ tri ân nhà giáo

GD&TĐ - Tuần qua, xã hội tri ân nhà giáo bằng các hoạt động thiết thực, ý nghĩa; trong đó phải kể đến lễ tri ân nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về thăm trường cũ.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về thăm trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) nhân kỷ niệm 70 năm thành lập.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về thăm trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) nhân kỷ niệm 70 năm thành lập.

Các cấp lãnh đạo quan tâm, khích lệ đội ngũ nhà giáo

Sáng 14/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội). Đây là ngôi trường mà ông đã học tập, rèn luyện trong 6 năm liên tục (1957-1963).

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã trao Huân chương Độc lập hạng ba tặng tập thể Trường THPT Nguyễn Gia Thiều. 

Sáng 15/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi gặp mặt thân mật với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc năm 2020 nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo tóm tắt của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và các thầy cô giáo trong buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong hoạt động Quốc hội, giáo dục luôn là vấn đề được đại biểu và cử tri quan tâm. Với trách nhiệm người đứng đầu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT luôn phải đứng trước nhiều áp lực nặng nề. Ngoài việc phải giải trình thực thi chính sách pháp luật, sửa đổi những nội dung còn bất cấp, Bộ trưởng phải trả lời chất vấn của cử tri và đại biểu Quốc hội.

“Tôi chia sẻ với ngành Giáo dục, với Bộ trưởng. Ngay trong kỳ họp này, Bộ trưởng đã nhiều lần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Câu trả lời của Bộ trưởng rất tốt, được đại biểu ghi nhận đánh giá cao” – Chủ tịch Quốc hội cho hay, đồng thời nhấn mạnh: Vai trò của Giáo dục rất lớn trong hoạt động đời sống xã hội.  Sự nghiệp giáo dục còn ở phía trước với nhiều vấn đề tiếp tục cần triển khai thực hiện và phải thường xuyên, liên tục đổi mới.

“Chúng ta đừng thấy bất cập nào đó, một sai sót nào đó chưa được để đánh giá, phủ nhận hết tất cả những vấn đề, công lao của thầy cô giáo, của ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Chương trình “Thay lời tri ân” – tối 15/11.
Các đại biểu tham dự Chương trình “Thay lời tri ân” – tối 15/11.

Phát biểu tại Chương trình “Thay lời tri ân” – tối 15/11, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương gửi đến các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, những người đang góp phần cho công tác GD-ĐT lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, GD-ĐT luôn là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; phát triển GD-ĐT là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Trưởng Ban dân vận Trung ương khẳng định: Nhiều năm, qua Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp GD-ĐT, trong đó chăm lo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp trồng người và nghề giáo luôn được Đảng, Nhà nước, xã hội trân trọng xem đó là nghề cao quý.

Tại buổi gặp 63 giáo viên dân tộc thiểu số được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết sẽ vận động các cấp, các ngành và toàn xã hội chung tay hỗ trợ, cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, đời sống sinh hoạt, tinh thần của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, 5 điều ước sẽ được thực hiện gồm: Có điện sinh hoạt; Có nhà vệ sinh; Cải thiện bữa ăn; Có đồ dùng học tập và có sóng điện thoại.

Nhân kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tới thăm hỏi, chúc mừng GS Trần Hồng Quân và GS Nguyễn Thiện Nhân, hai nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chúc hai nguyên Bộ trưởng và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc. Đồng thời bày tỏ mong muốn, sẽ tiếp tục nhận được sự sự góp ý, hỗ trợ của hai nguyên Bộ trưởng đối với các nhiệm vụ, hoạt động của Bộ, của ngành, trước mắt là một số nhiệm vụ như đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đẩy mạnh tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước…

Chiều 19/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đại diện lãnh đạo Bộ đã đến thăm và chúc mừng các nhà giáo lão thành nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Thứ trưởng bày tỏ mong muốn GS Phạm Minh Hạc, GS Đào Trọng Thi và PGS Trần Thị Tâm Đan cũng như các thầy cô giáo trên cả nước, bằng tình cảm, trách nhiệm và tâm huyết, sẽ đóng góp thêm nhiều ý kiến quý báu, góp phần giúp ngành Giáo dục thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 63 thầy, cô giáo tiêu biểu người dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 63 thầy, cô giáo tiêu biểu người dân tộc thiểu số.

Thêm các chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên

Bộ GD&ĐT đưa ra đề xuất trên tại dự thảo lần 2 ngày 21/10 về Nghị định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Nghị định này sẽ thay thế Nghị định 86 năm 2015.

Ngoài những nhóm học sinh được miễn học phí như trong Nghị định 86 năm 2015 hiện hành, dự thảo bổ sung thêm ba nhóm khác. Theo đó, học sinh THCS tại thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, và bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí từ năm học 2021-2022.

Ngoài ra, trẻ mầm non 5 tuổi và THCS ngoài những em ở nơi đặc biệt khó khăn, ven biển, hải đảo cũng lần lượt được miễn học phí từ năm học 2023-2024 và 2025-2026.

Việc bổ sung này nhằm phù hợp với quy định trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh THCS được miễn học phí theo lộ trình trong Luật Giáo dục 2019, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh giữa các vùng miền trong độ tuổi đều được đi học, góp phần thực hiện phổ cập giáo dục.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng nâng mức hỗ trợ mỗi tháng từ 100.000 đồng lên 150.000 đồng cho một học sinh để mua sách, vở và các đồ dùng học tập, giúp các em trong diện chính sách có hoàn cảnh khó khăn có kinh phí để mua sắm dụng cụ đến trường.

Tạo động lực cho giáo viên người dân tộc thiểu số tại vùng đặc biệt khó khăn. Chiều 16/11, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã có buổi gặp mặt 63 giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020.

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, nhiều thầy, cô đã bày tỏ trăn trở vì những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện sống, môi trường… dẫn đến chất lượng giáo dục cho trẻ dân tộc thiểu số còn hạn chế. Do vậy, các thầy, cô mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo, giúp giáo dục vùng dân tộc nâng cao chất lượng..., đồng thời, đề nghị tiếp tục quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho đồng bào dân tộc.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh phát biểu ghi nhận sự nỗ lực và chia sẻ với khó khăn của các thầy, cô người dân tộc thiểu số trong công tác giảng dạy, vận động học sinh đến trường. Thứ trưởng mong muốn, các thầy, cô tiếp tục cố gắng, chủ động và bản lĩnh để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục tại vùng khó, đặc biệt trong giai đoạn thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thứ trưởng cũng đánh giá cao chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", một chương trình ý nghĩa, góp phần tạo động lực cho các nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn nỗ lực phấn đấu.

Nhân dịp này, Thứ trưởng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho 63 thầy, cô giáo tiêu biểu người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ