Không nên có cái nhìn nặng nề, cực đoan
Cũng từng là một nhà giáo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) tâm sự: Hưởng ứng Ngày Nhà giáo Việt Nam nên bằng tuần lễ thi đua lập thành tích của thầy và trò bằng những tiết thao giảng, những hoa điểm mười, tờ báo tường với những bài văn, bài thơ mộc mạc, vụng về mà tràn đầy cảm xúc; lời nhắc nhở việc đi học đúng giờ, soạn bài đầy đủ, nghiêm túc trong giờ học và không để thầy cô giáo phiền lòng…
Theo đại biểu dịp này tránh tổ chức quá nhiều hoạt động, quá nhiều cuộc thi khiến cả thầy và trò bị áp lực.
Chia sẻ về vấn đề tặng quà cho thầy, cô giáo trong dịp này, đại biểu trao đổi: Không nên có cái nhìn nặng nề, cực đoan thái quá. “Tôi biết những năm qua, một số địa phương đề nghị giáo viên “nói không” với hoa và quà của học sinh, phụ huynh; đặc biệt không tiếp khách tại công sở, nhà riêng.
Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, đây là động thái nhằm ngăn chặn tình trạng quà cáp bị biến tướng, thực dụng, thương mại hóa giáo dục; nhưng về ý nghĩa xã hội, việc làm này có thể làm tổn thương tới nhà giáo chân chính và tình thầy trò cao đẹp.
Cần có chính sách để thầy, cô giáo toàn tâm với nghề
Theo đại biểu, nhiều nước trên thế giới cũng tổ chức các hoạt động tri ân dành cho thầy cô giáo. Chẳng hạn như: Ngày tri ân thầy cô giáo ở Mỹ thường kéo dài trong gần một tuần lễ với nhiều hoạt động thú vị, học sinh và sinh viên sẽ tặng thầy cô những món quà lưu niệm.
Ở Ấn Độ, Ngày nhà giáo được tổ chức bằng nhiều hoạt động mang tính giáo dục như học sinh khóa trên sẽ kèm cặp và hướng dẫn các em khóa dưới để thấu hiểu sự vất vả cũng như tỏ lòng biết ơn đến thầy cô giáo.
Ở Nga, các thầy cô sẽ nhận được nhiều lời chúc cùng những món quà ý nghĩa từ học trò của mình, nhiều trường học còn tổ chức vẽ báo tường để làm quà dành cho thầy cô giáo.
Ở Hàn Quốc, học sinh thường tặng các thầy cô giáo những bông hoa cẩm chướng để biểu hiện cho tình yêu và lòng tôn kính, cựu học sinh thường đến thăm hỏi và tặng những món quà ý nghĩa cho thầy cô giáo cũ.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, tình cảm tri ân nhà giáo không chỉ thể hiện rình rang những lời chúc tụng, những lẵng hoa to hay các món quà trong ngày 20/11, mà sự tôn vinh ấy phải được thể hiện mọi lúc, mọi nơi, trong các mối quan hệ: Sự quan tâm của các cấp chính quyền dành cho nhà trường; sự ứng xử văn hoá, đúng nghĩa “tôn sư trọng đạo” của phụ huynh, học sinh dành cho thầy cô.
Và điều quan trọng hơn cả là phải có cơ chế chính sách để thầy cô giáo toàn tâm toàn ý với nghề dạy học cao quý, được say mê cống hiến mà không bị chi phối bởi việc áp đặt chỉ tiêu, bệnh thành tích; đời sống giáo viên phải được nâng lên để những người đứng trên bục giảng yên tâm sống được bằng đồng lương của mình.
“Nếu chúng ta muốn có những thế hệ con người Việt Nam có tài có đức “sánh vai với các cường năm châu”, hãy quan tâm trước hết tới việc chăm lo môi trường sư phạm; làm sao để không thể, không nên, và không được thương mại hoá môi trường sư phạm. Tôi nghĩ, đề xuất này cũng chính là món quà tri ân trong Ngày Nhà giáo Việt Nam mà tôi dành cho các nhà giáo chân chính, những thầy cô của tôi, các đồng nghiệp của tôi đã và đang ngày đêm miệt mài cống hiến cho sự nghiệp trồng người” - đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa.