iPhone cũng trở thành sản phẩm chủ lực của gã khổng lồ công nghệ này. Tuy nhiên, những chuyển biến trong kinh doanh của Apple thời gian gần đây cho thấy hãng này đang dần tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào iphone như hiện nay.
Doanh thu tăng, lợi nhuận tăng, số lượng iPhone bán ra nhiều hơn, iPad cũng khởi sắc... tất cả đều là những thông tin khá quen thuộc trong báo cáo tài chính hằng quý của Apple. Nhưng có một điểm sáng mà ít ai để ý cũng trong báo cáo này: Doanh thu từ các dịch vụ online do Apple cung cấp đang tăng liên tục từ năm 2013 đến nay, và trong quý gần nhất công ty kiếm được 7 tỉ USD chỉ từ mảng này. Sự tăng trưởng này đi theo đường thẳng, nó thậm chí còn không có quý giảm định kỳ như doanh thu hay số lượng thiết bị bán ra. Điều đó cho thấy Apple đang ngày càng kiếm được nhiều tiền hơn từ iTunes, App Store, iCloud và Apple Music.
Sự phát triển của mảng dịch vụ là một hướng đi mới đúng đắn của Apple trong bối cảnh thị trường smartphone và tablet đang bão hòa. Đúng là Apple vẫn đang bán được nhiều iPhone và iPad, vẫn đang kiếm được nhiều tiền từ các dòng phần cứng của họ và iPhone vẫn đang là nguồn thu chủ lực, nhưng xu hướng đó đang chậm lại và năm ngoái đã từng có quý doanh số iPhone bị sụt giảm so với năm trước. Giờ không khiến khách hàng mua máy mới được thì công ty phải quay sang tìm cách rút được nhiều tiền hơn từ những thiết bị đã bán ra thì mới có thể tiếp tục phát triển.
Khi tận dụng được hơn 1 tỉ chiếc iPhone, iPad và Mac đang có trong tay người dùng, chỉ cần mỗi người dùng chi vài đô la mỗi tháng cho các dịch vụ trực tuyến là Apple đã có thể hốt bạc. Đó cũng là lý do vì sao Apple đang chi rất nhiều tiền để khuyến khích các nhà phát triển làm thêm nhiều app chất lượng cao cho hệ sinh thái của họ, đồng thời khai phá những mảng mới như sức khỏe, y tế, khoa học và sắp tới là xe tự hành. Kết quả này vừa tốt cho Apple, vừa tốt cho khách hàng và cũng tốt cho các đối tác của công ty.
Hiện doanh thu từ mảng dịch vụ đang chiếm 16% tổng doanh thu của Apple trong quý 3 năm tài chính 2017, một năm trước con số này chỉ là 14%. Nếu nhóm kinh doanh này tiếp tục tăng trưởng như hiện tại, chỉ trong 1 - 2 năm nữa doanh thu từ dịch vụ sẽ chiếm tỉ trọng lớn hơn cả doanh thu từ phần cứng, điều đó giúp giảm bớt gánh nặng phụ thuộc vào việc bán phần cứng.
Cuối cùng, ngành dịch vụ cũng có thể mở ra những hướng đi mới trong tương lai cho Apple. Ví dụ, Amazon trước đây đầu tư hạ tầng để phục vụ cho việc kinh doanh của chính công ty, nhưng rồi họ quyết định mở rộng hạ tầng này ra để phục vụ cho cả những khách hàng bên ngoài. Kết quả là Amazon Web Service - dịch vụ đám mây do Amazon cung cấp - chiếm đến 88% lợi nhuận trong quý kinh doanh gần nhất chứ không phải là mảng bán lẻ. Tương tự, Apple cũng có thể cung cấp dịch vụ cloud hoặc một dịch vụ doanh nghiệp nào đó để đem lại dòng tiền ổn định cho công ty, khi đó chi phí cũng sẽ thấp hơn so với việc bán thuần phần cứng.
CEO của Apple, Tim Cook, đã chỉ ra rằng, ông và đội ngũ lãnh đạo đang muốn biến Apple thành một công ty có thể tận dụng tốt nhất vị thế của mình. Các nhà phân tích có thể liên tục kêu rằng Apple không còn sáng tạo nữa, thiết bị Apple làm ra không còn ấn tượng nữa. Nhưng họ cố tình lờ đi rằng Apple vẫn đang kiếm được rất nhiều tiền và Tim Cook có khả năng lái Apple đi theo con đường mà tới một lúc nào đó công ty vẫn giàu có dù không còn bán bất kỳ chiếc iPhone nào nữa.