Android đối đầu IOS
Cả Apple và Google đều góp phần tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực di động, giết chết những đối thủ đã tồn tại nhiều năm. Cách nay 10 năm, chiếc smartphone iPhone đầu tiên của công ty Apple đã được chào bán và đồng thời định hình lại kỹ nghệ điện thoại cầm tay. Chiếc smartphone dùng Android đầu tiên của Google ra đời vào ngày 23-9-2008 do công ty dịch vụ điện thoại di động T-Mobile cung cấp cho khách hàng hoà mạng.
Đến đầu năm 2011, hệ điều hành Android đã trở thành nền tảng (platform) smartphone phổ thông nhất tại Mỹ, dù điện thoại cài nó thường rẻ hơn điện thoại của Apple, với các tính năng tương đương.
Phải công nhận Apple đã tạo ra chiếc smartphone hiện đại đầu tiên để người dùng có thể làm được nhiều thứ trên nó và đưa điện thoại cầm tay tiến gần đến chiếc laptop di động cá nhân với tính bảo mật cao. Nhưng Android mới tận dụng tốt hơn “cuộc cách mạng cầm tay” với rất nhiều công ty sản xuất điện thoại sử dụng nó với giá bán thấp.
Trong quí 1/2017, có đến 86% smartphone bán ra trên thế giới chạy hệ điều hành Android (số liệu từ công ty thống kê Gartner). Dĩ nhiên, sự thống trị của Android luôn được xem là mục tiêu phải “phá” của Apple bằng các đời iPhone mới mạnh mẽ hơn về cả phần cứng lẫn phần mềm. Nếu chỉ đâu là đại diện xuất sắc nhất của Android trong cuộc chiến giữa hai nền tảng Android và iOS thì đó phải là Samsung (và mức thấp hơn là LG và HTC).
Google mua lại Android khi công ty này còn là một công ty khởi nghiệp nhỏ vào năm 2005, với mục tiêu kiếm chỗ đứng trong các công cụ di động thông qua hệ điều hành. Năm 2006, đội ngũ phụ trách Android của Google bắt đầu thiết kế một hệ điều hành riêng.
Cùng lúc đó, tháng 1-2007, Steve Jobs, giám đốc điều hành (CEO) Apple gây sửng sốt giới công nghệ, khi giới thiệu một công cụ di động rất khác biệt và cấp tiến: iPhone thế hệ đầu. “Phụ trách Android, kỹ sư Andy Rubin đang ngồi trong xe hơi lúc Jobs giới thiệu sản phẩm của Apple. Ông lập tức triệu hồi các cộng sự đến bản doanh Android và bắt đầu thiết kế lại chiếc điện thoại Android đầu tiên” - Fred Vogelstein, tác giả cuốn sách nói về cuộc cách mạng smartphone và cuộc chiến liên quan đến nó có tựa Dogfight: How Apple and Google Went to War and Started a Revolution, viết.
Năm 2008, smartphone Android có màn hình chạm lớn giống iPhone ra đời, nhưng công cụ này chưa thể đe dọa Apple, mà mối đe doạ đến từ chiến lược đi kèm hệ điều hành Android. Khác với Apple, Google xem Android là nền tảng “mở”, sẵn sàng cung cấp miễn phí cho công ty sản xuất smartphone nào cần với một số điều kiện (ví dụ như phải cài một số ứng dụng đi kèm của Google). Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất điện thoại có thể thoải mái đưa hệ điều hành Android vào các smartphone do họ sản xuất.
Năm 2010, thị trường smartphone “ngập lụt” đủ loại smartphone dùng Android đến từ các công ty Motorola, Samsung và HTC với cách biệt giá cả và sức mạnh rất rộng để người tiêu dùng chọn lựa. Nhà sản xuất smartphone Trung Quốc Huawei cũng thách thức Apple tại thị trường Mỹ, bằng cách bán sản phẩm qua hai dịch vụ bán hàng trực tuyến Best Buy và Amazon mà không cần hợp đồng với các nhà mạng Mỹ.
Đối với Jobs, kiểu tư duy này là “dị giáo” và không thể chấp nhận được. Ông tin rằng việc định hướng trải nghiệm người dùng bằng cách luôn cải tiến iPhone và tạo cho nó sức hấp dẫn không thể cưỡng lại ở những thế hệ tiếp theo sẽ buộc người dùng phải lên đời máy hoặc quay trở lại với iPhone.
Nhưng Jobs cố tình quên là Google cũng xem “trải nghiệm người dùng Android” là mục tiêu hàng đầu. Google còn lôi kéo các môn đệ iOS về phía mình bằng việc cải tiến liên tục hệ điều hành Android và khuyến khích các công ty nâng cấp phần cứng. Sự phản bội và “đào ngũ” xảy ra ở cả hai phía.
Trong cuốn tự truyện xuất bản không lâu sau khi Jobs qua đời vào năm 2011, Jobs được trích dẫn là đã mở cuộc chiến không tuyên bố với Android, mà ông gọi là “sản phẩm ăn cướp”. Jobs thề để “bỏ ra từng xu” trong hàng tỉ USD sản nghiệp của Apple để “thay đổi sự bất công này”. Nhưng đó chỉ là cách “nói lấy được!”. Apple đã bỏ ra nhiều năm cho những vụ kiện bằng sáng chế với các nhà sản xuất Android như Samsung và Motorola nhưng thành công chỉ mức độ.
Tính đến thời điểm này, hầu như không có gì ngăn cản được Larry Page, đồng sáng lập kiêm CEO của Google tiếp tục tiến lên phía trước bằng con át chủ bài Android quá hấp dẫn. Năm 2013, khi được báo chí hỏi nghĩ sao về tuyên bố chiến tranh của Jobs, Page hỏi ngược trở lại: “Cuộc chiến này có thể thành công sao?”.
Hiện smartphone đang mang về nhiều lợi nhuận cho cả Google lẫn Apple. Thắng bại chưa rõ ràng nếu kể về lợi nhuận phát sinh từ nó. Mới đây, Google cho biết đã có hơn 2 tỉ công cụ di động dùng hệ điều hành Android được kích hoạt trên thế giới, đủ để bảo đảm những sản phẩm mạng của Google như Gmail, Google Search và Google Maps tiếp tục kiếm ra tiền trên smartphone cũng như laptop, desktop.
Hiện Apple gần như thâu tóm tất cả lợi nhuận của thị trường smartphone đắt tiền. iOS kiếm được nhiều tiền cho Apple hơn Android kiếm tiền cho Google, một phần nhờ đi kèm với phần cứng độc quyền, không cho người dùng chọn lựa khác. Apple cho biết, đã bán được số iPhone và iPad trị giá 36 tỉ USD trong quí 1/2017.
Cuộc chiến IOS & Android |
Chiến lược đa dạng hóa của Alphabet
Từ lâu Google được biết như siêu cường quảng cáo nhưng công ty đã bắt đầu phát triển những công cụ kiếm tiền mới. Đa số doanh thu của Google vẫn còn đến từ quảng cáo, chiếm đến 21,4 tỉ USD trong tổng doanh thu của Alphabet (công ty mẹ của Google) nhưng Google đã bán được gần 3,1 tỉ USD quí 1/2017 các sản phẩm khác gồm dịch vụ đám mây, các ứng dụng bán trên cửa hàng Google Play, các sản phẩm phần cứng ngày càng đông đúc như smartphone Pixel và Google Home, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhưng Google không phải công ty sản xuất phần cứng từ lúc chào đời. Thế mạnh nhất của họ vẫn là quảng cáo trực tuyến. Android giúp Google giữ vững vị trí này bằng doanh thu quảng cáo trên các công cụ di động.
Tuy nhiên, dù Alphabet chưa có bước đột phá đáng kể trong các lĩnh vực không phải quảng cáo, nhưng tại một hội nghị video với các nhà phân tích công nghệ thông tin vào tháng 4 vừa qua, CEO Pichai khẳng định doanh thu của công ty tiếp tục tăng trong nhiều lĩnh vực. “Chúng tôi thấy xuất hiện động lực rõ ràng trong hoạt động kinh doanh đám mây” - ông nói.
Doanh số các dự án của Alphabet như Fiber và Nest cũng tăng đến 244 triệu USD trong quí 1/2017 so với 165 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tổng số thua lỗ trong các dự án thử nghiệm của Alphabet đã lên đến 855 triệu USD. CEO Page khẳng định Google đã tiến hành tốt hơn những kế hoạch kinh doanh mới sau hai năm cấu trúc lại với công ty mẹ là Alphabet. “Chúng tôi đã học được rất nhiều về việc lèo lái thành công một công ty mới hoạt động trong các lĩnh vực mới” - ông viết trong một tin thư.
Tháng 12-2016, Google công bố tách nghiên cứu xe tự hành thành một công ty riêng có tên Waymo. Google cũng cắt giảm nhân sự của dịch vụ Internet tốc độ cao và thuê thêm tài năng mới. Giá cổ phiếu của Google tăng mạnh trong năm nay và lần đầu tiên Google đạt đến giá trị 600 tỉ USD trên thị trường chứng khoán vào tháng 4 sau khi giá cổ phiếu tăng 4%.
Mới đây, Google bị nhiều công ty lớn tẩy chay vì không muốn quảng cáo của họ đi kèm các video YouTube có nội dung bẩn và kích động bạo lực, thù hận. Vụ tẩy chay này có thể làm công ty mất 500 triệu USD trên tổng doanh thu. Pichai cho biết công ty quan tâm nghiêm túc đến phản ứng của khách hàng và hứa dùng trí khôn nhân tạo (AI) để sàng lọc những video có “vấn đề”.