Apple mở rộng học viện công nghệ tìm kiếm tài năng

GD&TĐ - Người khổng lồ công nghệ Apple đang mở rộng việc cung cấp những người trẻ tuổi tài năng có các kỹ năng số bằng cách tăng gấp đôi lượng học viên tại học viện ở châu Âu của mình.

Apple mở rộng học viện công nghệ tìm kiếm tài năng

Trong năm ngoái, công ty công nghệ hàng đầu thế giới này đã mở một học viện ở Naples, Ý, nơi sinh viên sẽ được đào tạo trong một năm để trở thành những người phát triển (developer), lập trình (coder), sáng tạo ứng dụng (app creator) và các doanh nhân start-up (doanh nhân vừa bắt đầu doanh nghiệp của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ) – những người có khả năng bắt đầu doanh nghiệp của chính mình.

Cuộc cạnh tranh mở với những bài kiểm tra năng lực được tổ chức vào tháng này ở Munich (Đức), Paris (Pháp), London (Anh), Madrid (Tây Ban Nha), Rome và Naples (Ý). Việc đào tạo ở đây sẽ không thu học phí, mở cho người ứng tuyển từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, với các khóa học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Sẽ có 400 sinh viên được tuyển vào trường mùa thu này, dự kiến sẽ trong độ tuổi từ 18 đến 30, với các khóa học được hợp tác với một trường đại học ở Naples – Đại học Federico II.

Quyết định để một công ty máy tính như thế này di chuyển trực tiếp vào lĩnh vực giáo dục như vậy vừa vì lợi ích cá nhân, cũng như vì mục đích từ thiện. Hiện nay đã và đang có những khoảng cách lớn về kỹ năng số trên thế giới, và Apple đang thực hiện các bước đi để phát triển những tài năng cho chính mình.

Những cuộc tấn công mạng

Ứng dụng máy tính, trong khoảng thời gian chưa đến mười năm trở lại đây, đã trở thành một nguồn doanh thu và một nguồn công ăn việc làm chính. Apple cho hay hiện có tới hai triệu ứng dụng có sẵn trên của hàng trực tuyến của mình, và con số này mới là chỉ tính riêng ở châu Âu – nơi nền kinh tế về các ứng dụng duy trì đến 1,2 triệu việc làm.

Thế nhưng, đã có rất nhiều cảnh báo, lặp đi lặp lại về sự thiếu phù hợp giữa các kỹ năng số cần thiết cho những công việc mới như thế này, và trình độ của những người lao động đang tìm kiếm việc làm.

Điều này có nghĩa là những người lao động giản đơn, không kĩ năng không có việc làm và người sử dụng lao động thì lại không có được người lao động có tay nghề mà họ cần. Ví dụ như tại Anh, Phòng Thương mại Anh gần đây phàn nàn rằng ba trong số bốn doanh nghiệp ở đất nước này đang phải chịu tình cảnh “thiếu thốn kỹ năng số”.

Vụ hack máy tính “ransomware” (ransomware là loại malware sử dụng một hệ thống mật mã để mã hóa dữ liệu thuộc về một cá nhân và đòi tiền chuộc thì mới khôi phục lại) toàn cầu vào tháng trước lại một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về sự thiếu hụt nghiêm trọng các kỹ năng bảo mật trên mạng ở nhiều quốc gia.

Cũng đã có rất nhiều cảnh báo về việc này – và giám đốc bảo mật của IBM – ông Marc van Zadelhoff, đã kêu gọi một cách tiếp cận khác để tuyển dụng được những người có kỹ năng cần thiết, phù hợp với tình hình hiện tại.

Lấp đầy khoảng cách kỹ năng

IBM có một mạng lưới trường đại học hợp tác quốc tế về các dự án an ninh mạng. Tuy nhiên, ông Van Zadelhoff viết trong Harvard Business Review cho biết việc lấp đầy khoảng cách kỹ năng cũng có nghĩa là phải đào tạo lại những người không có kinh nghiệm trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ. Ông viết: “Tại sao chúng ta lại cứ phải giới hạn các vị trí an ninh cho những người có bằng đại học bốn năm về khoa học máy tính, trong khi chúng ta đang bức thiết cần nhiều những kỹ năng khác nhau trong rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau mà không có được? Các doanh nghiệp nên tự cởi mở bản thân mình ra với những ứng viên có nguồn gốc phi truyền thống (những người không có bằng đại học bốn năm về khoa học máy tính), để họ có thể đưa lại những ý tưởng mới cho các vị trí này, và đồng thời thách thức việc cải thiện vấn đề an ninh mạng”.

Ngoài ra, còn có một chiều hướng chính trị lớn hơn đối với các kỹ năng cần thiết cho một nền kinh tế hiện đại, được nhấn mạnh bởi Triển vọng Kỹ năng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế hàng năm (Organisation for Economic Co-operation and Development"s Skills Outlook) được công bố trong tháng Tư. Báo cáo của nhóm cố vấn kinh tế nước Anh cho năm 2017 này tập trung vào tác động phân cực của toàn cầu hóa. Theo phân tích của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng một quốc gia sẽ là người chiến thắng hay kẻ chiến bại trong cuộc chiến toàn cầu hóa phụ thuộc vào trình độ kỹ năng của lực lượng lao động. Những nước có lực lượng lao động đủ trình độ, tay nghề sẽ là những người hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hóa, họ có thể tận dụng các cơ hội công việc tốt hơn, cải thiện năng suất, mở rộng thị trường và mở rộng các ngành công nghiệp số. OECD xác định Hàn Quốc và Ba Lan là những ví dụ về các nước chuyển dịch chuỗi giá trị này theo hướng đi lên; và Estonia, Nhật Bản, New Zealand là các nước thành công trong việc mở rộng các lĩnh vực công nghệ.

Công việc biến mất

Trong các nền kinh tế lớn, Đức được xem là quốc gia thành công trong việc phát triển các kỹ năng hơn cả Hoa Kỳ.

Nhưng mối quan tâm lớn là ở các nước OECD, có đến 200 triệu người có kỹ năng về đọc và tính toán cơ bản ở mức kém, rất dễ bị ảnh hưởng và tổn thương bởi các “thế lực” toàn cầu trong cuộc chiến toàn cầu hóa, khi lao động có thể tự do di chuyển hơn và cũng dễ dàng bị thay thế hơn. Những người này chỉ có kĩ năng đọc tương đương với trẻ 10 tuổi, và cơ hội việc làm của họ đang phải đối mặt với nguy cơ cao đến từ thuê gia công ở nước ngoài hoặc bị thay thế bởi công nghệ. Báo cáo của OECD xác định Hy Lạp là một quốc gia không đáp ứng được trước thách thức này và đã thất bại.

Nhưng đồng thời, báo cáo này cũng cảnh báo rằng Anh, Úc, Ireland và Hoa Kỳ “cần phải chú ý” bởi vì các kỹ năng hiện có trong lực lượng lao động hiện nay không còn “liên kết” được với nhu cầu của các ngành công nghiệp định hướng công nghệ mới.

Trong khi các dự án như Học viện của Apple đang chọn quả từ đỉnh cây – những người tài năng nhất, thì OECD cũng cảnh báo về nguy cơ bỏ qua thực tế cuộc sống trong các nhánh cây thấp – những người có kỹ năng ở mức thấp hơn.

Ông Andreas Schleicher – giám đốc giáo dục của OECD, cho biết hiện nay có một nhu cầu cấp thiết về mặt xã hội và chính trị trong việc phải trang bị kỹ năng cho mọi người thông qua việc đào tạo, để quá trình toàn cầu hóa diễn ra mà vẫn tránh được sự phân hóa xã hội. Ông Schleicher nói: “Nếu người lao động không cảm thấy rằng họ đã được chuẩn bị để có được việc làm mới hoặc có khả năng tạo ra những công việc mới, thì họ sẽ không thể chấp nhận được việc mất việc làm do thuê lao động nước ngoài hoặc tự động hóa đâu”. Vì vậy, để lao động sẵn sàng được trước những thách thức sắp tới trong thị trường lao động, thì đào tạo cho họ những kỹ năng phù hợp là việc vô cùng bức thiết hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ