'Sập bẫy' công an giả: Chiêu trò cũ, hiệu quả cao

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công an quận Hà Đông, Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là 500 triệu đồng.

Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân tuyệt đối không cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo.
Để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân tuyệt đối không cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo.

Từ cụ bà bị lừa mất 500 triệu đồng đến tài khoản của nam thanh niên bỗng nhiên “bốc hơi” gần 300 triệu đồng sau những cuộc gọi tự xưng là cán bộ công an… cho thấy “hồi chuông cảnh báo” về tội phạm công nghệ cao của cơ quan hữu trách bấy lâu nay bị một bộ phận người dân “ngó lơ”.

Chiêu trò cũ, hiệu quả cao

Ngày 21/6, Công an quận Hà Đông, Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là 500 triệu đồng. Theo đó, ngày 31/5, bà L. (SN 1949, hộ khẩu quận Hà Đông, Hà Nội) có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an.

Đối tượng nói bà có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền và yêu cầu chuyển tiền để xác minh. Do lo sợ nên bà L. đã chuyển 500 triệu đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau đó, bà L. biết bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo.

Cùng với thủ đoạn mạo danh cán bộ công an như trên, anh H. (SN 1993, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị “bốc hơi” gần 300 triệu đồng trong tài khoản. Theo đó, ngày 16/6, Công an phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhận được tin trình báo của anh H. về việc nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an huyện Đông Anh yêu cầu tải app dịch vụ công để làm định danh mức 2.

Sau đó, đối tượng gửi cho anh H. đường link cài đặt phần mềm dịch vụ công “giả mạo”. Khi cài đặt xong, anh H. bị chiếm quyền sử dụng điện thoại và bị chiếm đoạt mất gần 300 triệu đồng trong tài khoản.

May mắn chưa bị mất tiền như các trường hợp ở trên, bà K.T.L. (SN 1960, trú thôn La Phẩm 2, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội) trên đường đi bán vàng để chuyển tiền cho kẻ xấu thì được công an giúp đỡ.

Trước đó (ngày 7/6), bà L. đến Công an xã Tản Hồng trình báo, nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, xưng là cán bộ công an. Người này thông báo bà đang liên quan đến một vụ án ma túy lớn. Đồng thời, yêu cầu bà lấy sổ tiết kiệm đi rút và chuyển số tiền 20 triệu đồng vào số tài khoản do đối tượng cung cấp để chứng minh sự trong sạch.

Trình báo với cơ quan công an, bà L. cũng cho biết, khi trao đổi với kẻ xấu bà nói không có tiền, chỉ có vàng. Đối tượng yêu cầu bà L. đi bán vàng để chuyển khoản. Do lo sợ, bà L. đã lấy 2 chỉ vàng để mang đi bán. Trên đường đi, bà vào trụ sở Công an xã Tản Hồng để trình báo.

Ngay sau đó, cán bộ Công an xã Tản Hồng đã xác định cuộc gọi trên là hành vi giả danh lực lượng công an nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời giải thích rõ về phương thức lừa đảo của đối tượng cho bà L. hiểu và biểu dương tinh thần cảnh giác của bà.

Cảnh giác để tránh “sập bẫy”

Bà K.T.L. được cán bộ Công an xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) tuyên truyền các thủ đoạn lừa đảo của đối tượng giả danh công an.

Bà K.T.L. được cán bộ Công an xã Tản Hồng (huyện Ba Vì) tuyên truyền các thủ đoạn lừa đảo của đối tượng giả danh công an.

Trước phương thức và thủ đoạn như trên, thời gian qua Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ phối hợp với công an các xã, thị trấn nhiều lần khuyến cáo người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền và cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Công an huyện Ba Vì khẳng định, để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an xã, thị trấn. Tuyệt đối không có việc gọi điện thoại để yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời.

Theo Công an TP Hà Nội, thời gian qua xuất hiện các đối tượng giả danh cơ quan công an gọi điện cho người dân rồi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó có chiêu trò hướng dẫn cài đặt phần mềm dịch vụ công “giả mạo”.

Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ công an gọi điện cho người dân thông báo căn cước công dân bị lỗi hoặc phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh, rồi yêu cầu người dân đến cơ quan công an để làm việc.

Các đối tượng sẽ thúc ép với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ để yêu cầu người dân tải phần mềm dịch vụ công “giả mạo” theo đường dẫn của đối tượng cung cấp.

Khi cài đặt phần mềm giả mạo này, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.

Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Đồng thời tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến.

“Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân. Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển tiền của bị hại...”, Công an TP Hà Nội lưu ý.

Công an TP Hà Nội nêu rõ, khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an gần nhất để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ