Sao cho kiểm định chất lượng GD ĐH Việt Nam tiệm cận thế giới

GD&TĐ - Chuyên gia chia sẻ giải pháp nâng cao việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam...

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Là chuyên gia nhiều năm học tập, nghiên cứu, làm việc tại Hoa Kỳ, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo, TS Phạm Thị Tuyết Nhung, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) chia sẻ giải pháp nâng cao việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học Việt Nam để tiệm cận với thế giới.

Cần lộ trình cải tiến liên tục

- Thời điểm này, giáo dục đại học Việt Nam đã qua một chu kỳ kiểm định và bắt đầu chu kỳ mới. Nhìn lại chu kỳ vừa qua, Tiến sĩ đánh giá kết quả đạt được ra sao?

TS Phạm Thị Tuyết Nhung.

TS Phạm Thị Tuyết Nhung.

- Có thể thấy, đến nay, hệ thống văn bản pháp lý về kiểm định chất lượng đã đầy đủ. Quy trình và bộ tiêu chí kiểm định tiệm cận khá sát với các nước trong khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn có độ “vênh” nhất định so với thế giới. Ví dụ, cùng một tiêu chí kiểm định, yêu cầu để đạt tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở đầu vào, như có đủ số lượng giảng viên bảo đảm trình độ tham gia vào quá trình đào tạo. Trong khi đó, kinh nghiệm thế giới, cùng một tiêu chí về giảng viên, các minh chứng yêu cầu về đầu ra như tỷ lệ giảng viên cơ hữu giảng dạy/sinh viên, hay minh chứng phân bổ giờ giảng cho giảng viên cơ hữu phải đúng với chuyên ngành được đào tạo trong 5 năm. Tất cả các thông tin đều yêu cầu được trích xuất trên hệ thống quản lý, tránh trường hợp phục hồi minh chứng.

- Từ nhận định trên, Tiến sĩ nhận thấy cần điều chỉnh gì cho phù hợp với điều kiện hiện nay, góp phần nâng tầm cho giáo dục đại học Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế khi bước vào chu kỳ kiểm định thứ hai?

- Tôi cho rằng, đối với bộ tiêu chuẩn, cần rà soát lại các yêu cầu về minh chứng theo định hướng đầu ra với chu kỳ kiểm định thứ hai. Cập nhật các minh chứng đầu ra sẽ có tác động tích cực, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải thực hiện và đánh giá hoạt động bảo đảm chất lượng mới cung cấp được minh chứng.

Hiện nay, các trung tâm kiểm định không có quyền tự chủ trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí, đào tạo kiểm định viên hay các văn bản chính sách cụ thể để thực hiện quá trình kiểm định. Nên chăng, Việt Nam chỉ cần thành lập một trung tâm kiểm định chất lượng quốc gia để điều phối quá trình kiểm định.

Việt Nam có 7 trung tâm, kiểm định, đánh giá cho khoảng 400 cơ sở giáo dục. Hoa Kỳ có 6 trung tâm, kiểm định hơn 5 nghìn cơ sở giáo dục. Cụ thể, Trung tâm kiểm định HLC của Hoa Kỳ đánh giá cho hơn 1.000 cơ sở giáo dục. Đưa ra con số so sánh để thấy, với tổng số cơ sở giáo dục hiện nay của Việt Nam không nhất thiết phải có nhiều trung tâm nhằm tránh sự cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài ra, Việt Nam cần xem xét lại lệ phí kiểm định cho phù hợp với bối cảnh, tránh làm gánh nặng tài chính cho cơ sở giáo dục. Một cơ sở giáo dục Việt Nam có lệ phí kiểm định tương đương Mỹ. Tuy nhiên, so sánh trên tổng doanh thu của cơ sở giáo dục thì mức phí cho quá trình kiểm định khá nhiều.

TS Phạm Thị Tuyết Nhung tham gia tập huấn đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra theo kinh nghiệm quốc tế cho các chương trình đào tạo kế toán của đại học Việt Nam.

TS Phạm Thị Tuyết Nhung tham gia tập huấn đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra theo kinh nghiệm quốc tế cho các chương trình đào tạo kế toán của đại học Việt Nam.

Cần xem lại quá trình công nhận kiểm định, chỉ xem xét mức “Đạt”, “Đạt có điều kiện” và “Không đạt”. Mức “Đạt có điều kiện”, tùy theo mức độ, các trung tâm kiểm định đưa ra thời gian để cơ sở giáo dục tập trung cải tiến các tiêu chuẩn đến lúc đạt. Thời gian gia hạn có mức tối thiểu 6 tháng, tối đa 2 năm. Trong thời gian này, các cơ sở giáo dục tập trung thực hiện và chỉ viết báo cáo tiêu chuẩn chưa đạt có điều kiện. Việt Nam cần bổ sung các quy định chính sách để giám sát quá trình viết báo cáo giữa chu kỳ.

Kinh nghiệm triển khai của Hoa Kỳ là thành lập một nhóm kiểm định để đọc báo cáo và phản hồi. Các cơ sở giáo dục phải trả phí cho quá trình. Tương tự, các cơ sở giáo dục có chu kỳ kiểm định chất lượng 10 năm cũng viết báo cáo giữa chu kỳ 5 năm, nhưng đối với đánh giá giữa chu kỳ chỉ áp dụng đoàn đánh giá đến trường khi phát hiện những vi phạm nghiêm trọng.

Ngoài ra, Việt Nam có thể tham khảo thêm kinh nghiệm thế giới về quy trình công nhận kiểm định. Ví dụ, sau quá trình đánh giá ngoài, cơ sở giáo dục có 30 ngày để kháng cáo kết quả gửi trung tâm kiểm định. Sau đó, trung tâm kiểm định thành lập nhóm kiểm định khác để thẩm định lại báo cáo tự đánh giá và kết quả của đoàn đánh giá ngoài. Nhóm thẩm định là nhóm kín, các cơ sở giáo dục không biết danh tính. Quyết định đưa ra của nhóm, các cơ sở giáo dục không được kháng cáo. Các trung tâm kiểm định thường sử dụng kết quả của nhóm để đưa ra quyết định công nhận kiểm định cuối cùng.

Thống kê của 1 trung tâm kiểm định vùng Hoa Kỳ cho thấy, quyết định của nhóm này khác với đoàn đánh giá ngoài đến 20%. Nghĩa là 20% tiêu chí đoàn đánh giá ngoài cho “Đạt” thì nhóm này đã đánh giá “Chưa đạt”, hoặc “Đạt có điều kiện”, để cơ sở giáo dục tiếp tục viết báo cáo cải tiến.

Giờ học thực hành của sinh viên ngành y. Ảnh: Trung tâm Kiểm định chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội

Giờ học thực hành của sinh viên ngành y. Ảnh: Trung tâm Kiểm định chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội

Việc áp dụng hai vòng đánh giá (đặc biệt vòng đánh giá kín) giúp cho kết quả đạt được kiểm định chính xác hơn. Tiêu chuẩn để tham gia nhóm đánh giá kín là các kiểm định viên có kinh nghiệm lâu năm, kiến thức sâu rộng để đưa ra các quyết định chính xác.

Ngoài ra, cần xem xét đưa mức đạt kiểm định phải đạt 100% các tiêu chí. Chu kỳ 1 đã áp dụng mức 80% đạt là đủ điều kiện công nhận kiểm định. Nhiều cơ sở giáo dục đạt kiểm định nhưng không đạt các tiêu chí cốt lõi chất lượng, như hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, đánh giá mức độ đạt chuẩn đầu ra, đã phần nào ảnh hưởng chất lượng, kết quả kiểm định.

Do đó, tôi đề xuất phải đạt 100% các mốc chuẩn. Hiện nay, mốc chuẩn kiểm định Việt Nam theo 7 bậc của khu vực Đông Nam Á. Tôi cũng đề xuất đồng loạt đưa mức chuẩn đạt lên 5 và yêu cầu 100% các tiêu chí phải đạt. Đồng thời, trong mục tiêu kiểm định dài hạn, đưa vào mục tiêu chu kỳ 2, thì mốc 5 là mức đạt; chu kỳ 3 mức 6; chu kỳ 4 mức 7. Mục tiêu này sẽ giúp các cơ sở giáo dục chủ động và có kế hoạch phát triển dài hơi.

Muốn kiểm định Việt Nam tiệm cận thế giới cần có lộ trình cải tiến liên tục. Tôi đưa ra một so sánh nhỏ, nếu các chương trình đào tạo Việt Nam muốn đạt kiểm định Hoa Kỳ phải sẵn sàng ở tâm thế đạt 100% các tiêu chuẩn ở mức 7 của Bộ tiêu chuẩn Việt Nam.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Văn bản chính sách cần tiếp cận đầu ra

- Trong triển khai thực hiện, Tiến sĩ đánh giá như thế nào về vai trò các bên liên quan từ cơ quan quản lý Nhà nước đến các trung tâm kiểm định và cơ sở đào tạo, tới công tác kiểm định chất lượng giáo dục?

- Để hoạt động kiểm định chất lượng hiệu quả hơn, sự tham gia các bên liên quan đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, các hoạt động kiểm định Việt Nam phải “soi chiếu” nhiều quy định, chính sách, văn bản pháp luật liên quan.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, muốn bộ tiêu chuẩn kiểm định theo tiếp cận đầu ra thì các chính sách văn bản ban hành của Bộ GD&ĐT cũng cần tiếp cận đầu ra. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, quy định về chính sách mở ngành, đánh giá giám sát các chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục đã tiệm cận với đầu ra. Từ đó, bộ tiêu chuẩn kiểm định đã tích hợp các yêu cầu này vào tiêu chí về hệ thống bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo theo tiếp cận cải tiến chất lượng cấp hệ thống. Từ ví dụ đó cho thấy mối quan hệ mật thiết giữa các cơ quan chủ quản trong quá trình ban hành các chính sách liên quan mật thiết đến quản lý chất lượng.

Cục Quản lý chất lượng nên là đơn vị đầu mối tăng cường tổ chức các hội thảo chuyên về bảo đảm chất lượng và kiểm định hằng năm. Qua đó, các cơ sở giáo dục chia sẻ kinh nghiệm triển khai để đạt được các tiêu chí; các nhà nghiên cứu chia sẻ kết quả nghiên cứu về các thực hành tốt, để cơ sở giáo dục và đội ngũ bảo đảm chất lượng tiếp cận thông tin mới nhất.

Trong quá trình thực hiện tại cơ sở giáo dục, sự phối hợp giữa nhà lãnh đạo, phòng ban về bảo đảm chất lượng, giảng viên và sinh viên đều góp phần tích cực đến quá trình bảo đảm chất lượng bên trong để đạt kiểm định chất lượng bên ngoài. Các cơ sở giáo dục cần có chính sách cũng như phân bổ tài chính cụ thể cho hoạt động bảo đảm chất lượng; có chính sách hỗ trợ tài chính và ghi nhận sự đóng góp của giảng viên tham gia hoạt động bảo đảm chất lượng để quá trình tham gia hiệu quả, thực chất hơn.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

- Hiện nay, còn nhiều băn khoăn về hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và bên ngoài của cơ sở giáo dục đại học. Cần có giải pháp nào để hoàn thiện, nâng cao chất lượng, đặc biệt là giải pháp về chính sách?

- Từ những chia sẻ trên, tôi nghĩ, để hoạt động bảo đảm chất lượng bên trong phát huy tác dụng thì các văn bản chính sách cần tiếp cận đầu ra. Để hoạt động kiểm định chất lượng tiệm cận theo quốc tế, cần cải tiến quy trình công nhận, mốc chuẩn để đạt kiểm định và rà soạt lại các minh chứng theo tiếp cận đầu ra.

Một số chính sách Cục Quản lý chất lượng có thể xem xét cải tiến trong thời gian tới:

Thứ nhất: Chính sách quản lý chất lượng các trung tâm kiểm định chất lượng và kết quả kiểm định chất lượng.

Thứ hai: Chính sách về quy trình kiểm định, gồm quy trình, bộ tiêu chuẩn, mốc chuẩn, minh chứng, chi phí kiểm định, đánh giá giữa chu kỳ…

Thứ ba: Chính sách về kiểm định viên, như: Bổ sung quyền được tham gia đoàn đánh giá ngoài sau khi tập huấn; quy định số lần tham gia kiểm định viên hằng năm; quy hoạch đào tạo kiểm định viên theo yêu cầu chuyên môn sâu để tránh tình trạng vừa thiếu vừa thừa; phân biệt chương trình đào tạo về bảo đảm chất lượng và kiểm định viên…

Thứ tư: Chính sách liên quan đến hỗ trợ công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng bền vững thông qua các chương trình tập huấn thường niên, hội thảo hằng năm về kiểm định chất lượng, nguồn quỹ hỗ trợ nghiên cứu sáng kiến phát triển hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng.

- Có ý kiến cho rằng, quá trình kiểm định hiện nay mới chỉ tập trung ở yếu tố đầu vào, ít chú ý đến kết quả đầu ra của quá trình giáo dục. Cụ thể là không tập trung vào chuẩn đầu ra của chương trình người học đạt được. Do đó, không thể đánh giá khách quan chất lượng từng chương trình đào tạo. Đó cũng là lý do khiến người học không thể xác định được chất lượng thực sự của ngành học, chương trình học. Tiến sĩ nghĩ sao về nhận định này?

- Như tôi đã phân tích ở trên, Bộ tiêu chuẩn của Việt Nam rất tiệm cận với khu vực và quốc tế. Điều khác biệt là mức độ để đạt và minh chứng cần cung cấp tập trung hơn vào yêu cầu đầu ra. Nếu Việt Nam cập nhật các chính sách có liên quan đến các mục này thì chất lượng hoạt động kiểm định sẽ nâng cao hơn nữa.

- Nhiều cơ sở giáo dục đại học coi đạt kiểm định là đích đến, trong khi điều quan trọng là việc không ngừng phấn đấu để ngày càng tốt hơn sau kiểm định. Tiến sĩ nhìn nhận vai trò của cơ sở đào tạo ra sao với việc này?

Tôi cho rằng, cần xem xét đề xuất cải tiến quy trình kiểm định giữa kỳ như đề cập ở trên, để các cơ sở giáo dục có động lực cải tiến và viết báo cáo cải tiến cho các trung tâm kiểm định mới được công nhận kiểm định. Việc thay đổi chính sách chắc chắn có tác động tích cực đến quá trình cải tiến chất lượng liên tục tại các cơ sở giáo dục.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ