Nâng cao năng lực cho đội ngũ bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học

GD&TĐ - Hạt nhân trong hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong chính là những người làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng ở các cơ sở giáo dục đại học.

Các báo viên tham gia tập huấn theo hình thức trực tuyến.
Các báo viên tham gia tập huấn theo hình thức trực tuyến.

Sáng 24/12, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Ban quản lý dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học khai mạc Tập huấn bồi dưỡng về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Chương trình tập huấn diễn ra trong 2 ngày (24-25/12) theo hình thức trực tuyến. Hơn 1.400 người làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng tại 201 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đã tham gia chương trình bồi dưỡng, tập huấn.

Phát biểu tại đề dẫn, bà Trần Bích Huệ - Phó trưởng Phòng, Phụ trách Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - cho biết: trong thời gian 2 ngày, các giảng viên sẽ giới thiệu 8 chuyên đề trong 15 chuyên đề đã được xây dựng.

Những chuyên đề này được lựa chọn trên cơ sở ý kiến khảo sát các cơ sở giáo dục đại học và cán bộ làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục trong cả nước. Bà Trần Bích Huệ đề nghị, các cán bộ tham gia tập huấn tập trung thời gian trao đổi với các báo cáo viên về những nội dung được trình bày trong đợt tập huấn này.

PGS.TS Phạm Quốc Khánh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai Chương trình tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến.

PGS.TS Phạm Quốc Khánh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai Chương trình tập huấn, bồi dưỡng trực tuyến.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phạm Quốc Khánh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay, thời gian qua, nhiều chuyên gia trên cả nước đã đóng góp vào chương trình tập huấn nâng cao năng lực của đội ngũ thực hiện công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng. Theo đó, Ban tổ chức đã xây dựng 15 chuyên đề tập huấn, bồi dưỡng.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phát triển bền vững đội ngũ thực hiện công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học trên toàn quốc, PGS.TS Phạm Quốc Khánh phân tích, chúng ta cơ bản đã chuyển qua giai đoạn đầu tiên của việc tự đánh giá, đánh giá ngoài và công nhận kết quả, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam đối với các cơ sở đào tạo. Hiện có khoảng 260/275 trường triển khai công việc này và trên 525 chương trình đào tạo.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, đến thời điểm 30/11/2022, có 16 cơ sở giáo dục đại học triển khai chu kỳ thứ hai và tiếp tục đến kết thúc 31/12. “Dự kiến số lượng tăng gấp đôi các cơ sở giáo dục đại học sẽ được công nhận chu kỳ 2” - PGS.TS Phạm Quốc Khánh chia sẻ, đồng thời cho rằng, từ thực tiễn triển khai đã tạo ra ảnh hưởng và lan tỏa rất lớn về nhận thức của các cơ sở giáo dục đại học.

Đặt vấn đề, tại sao chúng ta phải thực hiện tốt công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng? PGS.TS Phạm Quốc Khánh nhìn nhận, để phát triển bền vững hệ thống, cần có những đổi mới để công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng thực sự thiết thực, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nguồn lực của mỗi cơ sở đào tạo cũng như của quốc gia.

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng nhắc lại, ngày 14/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định giáo dục đại học của Việt Nam đến năm 2030. Chương trình đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm về hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, công tác kiểm định, các tổ chức kiểm định, đội ngũ, hợp tác quốc tế, công nghệ thông tin và về hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật. Trụ cột cốt lõi căn cơ nhất của toàn bộ phát triển hệ thống trong thời gian tới chính là yếu tố con người và nhân lực.

GS.TS Mai Trọng Nhuận – Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) trao đổi về vấn đề văn hóa chất lượng - sáng 24/12.
GS.TS Mai Trọng Nhuận – Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) trao đổi về vấn đề văn hóa chất lượng - sáng 24/12.

PGS.TS Phạm Quốc Khánh thông tin, hiện nay đã có 6 tổ chức kiểm định nước ngoài tại hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có 7 tổ chức trong nước thực hiện theo bộ tiêu chuẩn mà Bộ GD&ĐT đã ban hành theo Thông tư 12 và Thông tư 04. 6 tổ chức nước ngoài đến từ các quốc gia tiên tiến về giáo dục tham gia công tác kiểm định giáo dục đại học Việt Nam sẽ có điểm khác biệt.

Tuy nhiên, điểm chung nhất vẫn là dựa trên nền tảng một hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong tốt của các cơ sở giáo dục đại học. Đó là nền tảng chính cho công tác phát triển cũng như duy trì chất lượng theo yêu cầu phát triển của đất nước và xã hội. Chính vì vậy, hạt nhân trong hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong chính là những người làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng ở các cơ sở giáo dục đại học.

“Xuất phát từ những lý do trên và từ thực tiễn khách quan, chúng tôi đã triển khai quá trình để có chương trình tập huấn ngày hôm nay. Vì là hình thức online nên mỗi người cần lựa chọn phương pháp học tập thực sự hiệu quả” - PGS.TS Phạm Quốc Khánh nhấn mạnh.

PGS.TS Phạm Quốc Khánh cho biết, bộ tài liệu được phát triển hoàn chỉnh 15 chuyên đề. Trong khuôn khổ thời gian 2 ngày của hội thảo, Ban tổ chức giới thiệu 6 chuyên đề chính, có tích hợp một số chuyên đề liên quan và dự kiến trong tương lai gần. Đầu năm 2023, toàn bộ các nội dung chuyên đề này sẽ được hoàn thiện để công bố công khai để các trường làm tư liệu tham khảo. Rất mong các học viên tham gia tích cực vào khóa học, đồng thời cũng có những chia sẻ khoa học để sản phẩm tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ