Thời xưa, giới nho sĩ quyết tâm dùi mài kinh sử tìm đường tiến thân qua khoa bảng, nhưng rất nhiều người nhờ vào công lao của người vợ tần tảo nuôi chồng ăn học, thi cử cho đến lúc thành tài.
Tiêu biểu nhất về công lao của người nội tướng trong gia đình chính là Trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu (theo tài liệu để lại thì ông sinh năm 1423, mất năm nào không rõ).
Ông Tuấn Chiêu là người làng Nhật Thiên, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên (nay thuộc phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội), nhưng quê gốc ở làng Xuân Lôi, xã Cổ Ra (nay thuộc xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, Nam Định).
Giai thoại dân gian kể rằng, tuy ông có mặt mũi khôi ngô nhưng học hành tối dạ, hơn 10 năm đèn sách, đến tận ngoài bốn mươi vẫn chưa nên công trạng gì. Tuy vậy, vợ ông là bà Trần Thị Chìa vẫn luôn khuyên chồng gắng sức học tập.
Có lần thầy giáo gọi bà đến trả chồng về, không cho học nữa vì kém quá, để làm ruộng còn hơn; ông cũng đồng ý. Đi ngang qua một chiếc cầu đá bắc qua nhánh sông nhỏ nghỉ ngơi, thấy cây cột đá chân cầu bị mòn, Vũ Tuấn Chiêu lấy làm ngạc nhiên hỏi vợ.
Bà Chìa nói rằng: “Nước chảy mãi đá cũng phải mòn”. Nghe câu nói của vợ, ông Chiêu giật mình tỉnh ngộ, bỗng quyết tâm học hành cho bằng thành tài mới thôi, liền giục vợ quay trở lại nhà thầy học, nài nỉ thầy cho học tiếp.
Từ đó, ông Chiêu dồn hết tâm trí cho việc học hành, sức học cũng ngày một tiến bộ. Bà Chìa thì hết lòng chăm con, lo ruộng vườn, đều đặn tiếp tế gạo, tiền cho chồng ăn học, nhưng chưa kịp chứng kiến chồng đỗ đạt thành tài thì đã qua đời.
Thương vợ, nhớ những lời hứa quyết tâm của hai vợ chồng lúc trước, ông Chiêu càng ráng sức học. Đến khoa thi năm Ất Mùi, đời vua Lê Thánh Tông, Vũ Tuấn Chiêu đã đỗ trạng nguyên, lúc đã ngoài 50 tuổi.
Ông lần lượt được vua Lê Thánh Tông bổ dụng làm quan trải qua các chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, Tả thị lang bộ Lại. Sau này, ông tục huyền với bà Nguyễn Thị, quê ở làng Chèm (xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) và có với bà 4 người con trai, nhưng vẫn không bao giờ quên công ơn và những lời động viên, khích lệ của người vợ trước.
Thời Mạc, có Tiến sĩ Đồng Đắc cũng quyết tâm học hành và thi đỗ từ lời nói khích của người vợ. Theo sách “Tục biên Công dư tiệp ký” thì Đồng Đắc là em Đồng Hãng, quê ở làng Lôi Dương, Chí Linh, Hải Dương. Hai anh em nổi tiếng học giỏi, nhưng khi đi thi thời vua Mạc Tuyên Tông, Đồng Hãng đỗ Tiến sĩ, trong khi Đồng Đắc chỉ đỗ Tú tài.
Khi nhà có cỗ, thấy vợ Đồng Đắc ngồi cùng chiếu với chị dâu, bố chồng bà mới răn rằng:
- Chồng nó là Tiến sĩ, chồng mày là Tú tài, sao dám ngồi cùng chiếu? Từ nay không được như thế nữa.
Vợ Đắc uất ức, về nói với chồng:
- Chàng chẳng chịu học để đỗ Tiến sĩ, thiếp không làm vợ chàng nữa.
Đồng Đắc lấy làm hổ thẹn, quyết chí học hành, chẳng bao lâu nối gót anh thi đỗ, cũng được hiển quý như anh. Đồng Đắc đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Thìn (1568) đời vua Mạc Mậu Hợp, sau làm quan đến chức Công khoa Đô cấp sự trung. Sự thành công của ông, cũng xuất phát từ câu nói khích của vợ.
Cũng thời nhà Mạc, có hai vị tiến sĩ không những nổi tiếng về văn tài mà còn về chuyện ăn khỏe, là Lê Như Hổ và Nguyễn Thanh. Cả hai đều được thiên hạ khen “sang nhờ vợ”.
Theo sách “Nam Hải dị nhân liệt truyện” do Phan Kế Bính soạn, thì Lê Như Hổ quê ở làng Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, nay thuộc Hưng Yên, vốn là người ăn rất khỏe, mỗi bữa ăn hết một nồi bảy (nấu cho 10 - 15 người ăn) mà vẫn chưa no.
Nhà nghèo nên cha mẹ phải cho gửi rể ở một nhà giàu làng Thiện Phiến. Nhà vợ cho ăn mỗi bữa một nồi năm, ông vẫn lửng lơ nhác học. Đến khi bố vợ hỏi bố đẻ Như Hổ, biết sức ăn của ông, về bảo vợ con cho ông ăn no, ông mới học hành chăm chỉ.
Năm gần 30 tuổi, Lê Như Hổ đã nổi tiếng văn chương lừng lẫy ở đời. Niên hiệu Quang Hòa đời vua Mạc Hiến Tông, ông thi đỗ Tiến sĩ. Sau khoa thi, ông kết bạn với Tiến sĩ đồng khoa là Nguyễn Thanh, người huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, cũng nổi tiếng ăn khỏe nhưng không vô địch như Lê Như Hổ.
Chuyện rằng khi hai người nói về gia cảnh, Như Hổ đùa với Nguyễn Thanh rằng:
- Gia tư nhà bác, chỉ đủ cho tôi ăn một tháng là cùng.
Nguyễn Thanh nói:
- Ông khinh tôi quá làm gì thế, tuy tôi chẳng có gì nhưng cũng đủ cung phụng ông được ba tháng.
Như Hổ cười nói: Thôi đừng nói ba tháng, ông thử cho tôi ăn một bữa xem làm sao. Nguyễn Thanh vâng lời, hẹn ngày mời Như Hổ vào Thanh chơi. Đến ngày hẹn, Như Hồ vào nhà Nguyễn Thanh, không ngờ hôm ấy lại đi vắng.
Như Hổ bảo với vợ Nguyễn Thanh rằng:
- Tôi là bạn với quan nghè đây, nhân có việc quan đi qua đây, có hơn 30 đứa đầy tớ, nhờ phu nhân làm một bữa cơm.
Phu nhân cũng sai người nhà làm thịt con lợn, dọn 5 - 6 mâm cơm ra, Như Hổ giả bảo đầy tớ ra gọi người vào, rồi một mình đánh chén hết cả 6 mâm cơm. Ăn xong, gửi lời tạ ơn rồi đi.
Tối Nguyễn Thanh về, vợ ông đem chuyện kể lại, Nguyễn Thanh biết ngay là Như Hổ.
Sau có lần hai ông ăn cơm với nhau, Như Hổ sai người nhà thịt hai con lợn béo và làm bốn mâm xôi, Nguyễn Thanh ăn rất khỏe cũng chỉ hết một phần tư con lợn và một góc mâm xôi, bên kia Như Hổ ăn hết cả con lợn và mâm xôi, lại ăn thêm một góc xôi thịt ở bàn Nguyễn Thanh nữa. Nguyễn Thanh thất kinh nói:
- Ngày xưa ông Mộ Trạch (Trạng nguyên Lê Nại, quê ở làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương, thi đỗ thời vua Lê Uy Mục) đã có tiếng ăn khỏe, mà chỉ hết 18 bát cơm và 12 bát canh là cùng. Nếu ông ấy sinh ra đồng thời với ông, thì phải kém ông ba bậc. Nói xong, hai người cùng cười ầm cả lên.
Lê Như Hổ làm quan đến chức Thượng thư, được phong làm Thiếu bảo, Lữ quận công, rồi về trí sĩ, 72 tuổi mới mất. Cả Lê Như Hổ và Nguyễn Thanh đều được nhờ vợ chăm lo cho học hành, và đều tự hào vì vợ luôn tiếp đãi chu đáo với các bạn của chồng.
Cuối thời Lê trung hưng, Tiến sĩ Nguyễn Bá Dương nhờ ơn cô gái làng Mơ giúp đỡ khi cơ hàn, mà sau khi thành danh, đã cưới cô làm chính thất, dù có nhà quyền quý muốn gả con gái cho ông.
Nguyễn Bá Dương là người làng Nguyễn Xá, huyện Thần Khê, trấn Sơn Nam hạ, nay là huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Theo sách “Tang thương ngẫu lục” của Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ, thì thuở nhỏ ông tính không tự giữ kềm chế, hay uống rượu.
Nhà nghèo nhưng ông vẫn coi như không. Hồi ông lên học ở kinh đô, ngoài tấm áo che thân, không còn một vật gì đáng giá. Ông thường uống rượu chịu của một người đàn bà ở làng Kẻ Mơ (làng Hoàng Mai ngày nay).
Ông nợ tiền rượu đến 900 đồng, bị người đàn bà đón đường đòi nợ. Có cô con gái người làng Kẻ Mơ cùng đi với người đàn bà đó, thấy thế vội vã đặt gánh xuống, can người đàn bà không được, liền lấy tiền lưng ra trả hộ, rồi vội quẩy gánh đi. Ông chạy theo tạ ơn, rồi hỏi họ tên, cô xua tay nói:
- Tôi thấy cậu là người học trò vì rượu chè mà bị xấu hổ với một người đàn bà, nên không đành lòng mà trả hộ, chứ không mong sự đền báo.
Nói rồi đi thẳng không ngoảnh lại. Ông trở lại hỏi người đàn bà đòi nợ để rồi ghi vào lòng.
Sau ông lên học ở Sơn Tây, trọ nhà người hào trưởng, thường ngâm nga rồi làm văn, nhiều khi không sẵn giấy, viết lên cả mặt án thư, son mực lẫn lộn, màu gỗ đen nhèm. Năm 1766, ông về quê tham gia kỳ thi hương.
Qua các kỳ thi sát hạch ở huyện và ở trấn, ông nức tiếng là người hay chữ. Khoa ấy ông thi đỗ hương tiến, năm sau lại đỗ Tiến sĩ cùng 10 người khác, lúc đó mới 18 tuổi. Ông được khắc tên vào bia tiến sĩ với chú thích “thiếu tuấn”, tức thi đỗ lúc còn trẻ, dưới 20 tuổi.
Sau khi thi đỗ, ông lên kinh đô xin cưới cô gái làng Mơ làm vợ chính. Có bà phu nhân cùng một quận với ông (làm bảo mẫu cho quận chúa) nghe tin ông đỗ, sai người đem kiệu đến đón, hứa gả con gái cho, bà đưa mấy chục con cháu, cô nào cũng tha thướt gấm là cho tùy ông kén chọn.
Nhưng ông chỉ một mực đòi lấy cô gái làng Mơ, quận phu nhân nói: “Cũng được!”, rồi đồng ý cho con mình làm vợ thứ. Việc lựa chọn của ông khiến người dân ở kinh đô nức nở ngợi khen là người chân thành.
Tiến sĩ Uông Sĩ Đoan cuối thời Lê trung hưng cũng nhờ một người phụ nữ mà công thành danh toại. Chuyện rằng khi chưa đỗ đạt, ông ở rể tại một nhà giàu kia, sinh được một con trai. Người vợ dữ tợn, hễ thấy bè bạn chồng đến chơi, đều đuổi quầy quậy và nói:
- Cái đồ dài lưng tốn vải ăn no lại nằm, làm gì mà ỏm tỏi, bắng nhắng thế?
Đến khoa thi, ông sắm sửa đi thi, người vợ keo kiệt không chịu cấp hành lí lệ phí. Ông giận dỗi vùng vằng ra đi, người vợ đuổi theo lột hết quần áo, ông phải lội xuống ao ẩn nấp.
Một cô gái làng bên cạnh, cùng bà mang vải đi chợ bán, thấy thế bảo bà hỏi xem đầu đuôi ra sao, rồi xé vải tặng để ông đóng khố. Khoa ấy ông thi đỗ, bèn cưới người con gái ấy làm vợ. Theo các sách về khoa cử thời xưa thì Uông Sĩ Đoan đỗ Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu, niên hiệu Bảo Thái thứ 2, năm 1721 dưới thời vua Lê Dụ Tông.
Tương truyền, sau khi đỗ đạt và cưới cô gái bán vải cứu mình khỏi tình huống dở khóc dở cười, bà vợ cũ của Uông Sĩ Đoan liền chạy đến kiếm chuyện. Người vợ mới của ông bình thản nói:
- Tôi chỉ lấy cái mà bà đã nhẫn tâm vứt xuống ao, chứ có tranh giành cái gì của bà đâu? Còn như áo mũ hiện giờ mà chồng tôi đang mặc là của vua ban, bà có giỏi thì cứ đến mà lột.
Bà vợ cũ nghe vậy xấu hổ quá, bỏ làng mà đi, không rõ tung tích sau này ra sao nữa, nhưng vẫn bị người đời vẫn cười chê vì không nhìn thấy tiềm năng của chồng, chỉ thấy anh học trò “dài lưng tốn vải” mà không biết còn có câu “Dài lưng đã có võng đào, tốn vải đã có áo trào vua ban”.
Uông Sĩ Đoan làm quan trong triều hơn 60 năm, được thăng đến chức Hữu Thị lang bộ Công, tước Lam Đình bá. Ông thọ tới 99 tuổi, là tuổi xưa nay đều hiếm.
Theo “Tang thương ngẫu lục” thì người con gái bán vải ấy được phong Chính phu nhân. Bà cùng ông Uống Sĩ Đoan sinh ra quan Bồi tụng Uông Sĩ Lang, quan huyện Cẩm Giàng Uông Sĩ Thiến, quan Bộ Lại lang trung Uông Sĩ Trạch, cùng ông hưởng vinh hoa dài lâu.