Nấu ngon không bằng biết ăn cùng chồng
Cơm ngon canh ngọt nhưng vợ ăn phần vợ, chồng ăn mặc chồng thì chắc hẳn cũng chỉ ngon một nửa. Nếu thêm sự vụng về, của bạn thì thật tội nghiệp, người chồng khác nào ngồi trên mâm rơm rạ với khách lạ. Vì thế, bạn nên để ý tới thái độ của chồng. Đàn ông ăn càng nhiều, càng ngon lành hơn khi người phụ nữ biết cổ vũ bằng cách gắp thức ăn vào bát và nói “anh ăn thêm đi”…
Nhưng chú ý đừng gắp đầy bát như “cúng cụ” và đừng ép chồng ăn món mà chàng lắc đầu. Nếu có dịp đi ăn cùng chồng và bạn bè cũng thế, bạn không quá chú ý tới riêng chồng nhưng đừng ơ hờ như với người lạ. Một cử chỉ âu yếm, gắp thức ăn vào bát chồng cũng có thể khiến người ngồi gần biết rằng, bạn quan tâm đến anh ấy.
Lúc ốm mới hiểu lòng vợ
Bạn thử nghĩ trong lúc anh chồng ốm mà vợ lúng túng không biết làm gì thì sẽ thế nào? Lỡ lúc ấy lại có một người phụ nữ khác đảm đương rất tốt việc này thì chẳng còn cơ hội nào tốt hơn để chồng bước ra khỏi đời vợ. Vì thế lúc anh ấy ốm, bạn nên hỏi han tình hình, cố gắng về nhà sớm (thậm chí phải tạm nghỉ), vào bếp nấu những món dễ ăn như cháo, súp, canh gà…
Nếu thấy lúng túng, không rõ tình hình sức khỏe của chồng nên tham vấn người khác, bác sỹ. Nhưng tuyệt đối đừng giao phó anh ấy cho người khác chăm sóc hộ, ngay kể cả với mẹ và em chồng.
Khi chồng đi công tác
“Anh đi mặc anh, anh cần gì tự sắp lấy, anh đi sớm thế, chưa đến giờ em dậy”, những ý nghĩ đó sẽ khiến anh ấy không vương vấn gì với người ở lại. Hãy sắp đồ giúp anh ấy. Tránh sự đoảng vị, bạn nên thống kê những thứ đã cho vào túi rồi hỏi chồng “Đã đủ chưa anh nhỉ, có gì thiếu không?”.
Ở một chuyến công tác xa, bạn để chồng phải nhờ cô đồng nghiệp, hay nhân viên khách sạn đi mua cho chiếc dao cạo râu, quần sịp thì chẳng phải mở lối cho anh ấy có cơ hội “tức cảnh sinh tình” sao? Bạn cũng nên bỏ thêm một cái gì đó đặc biệt mà thấy cần cho chồng như một chai dầu, lọ thuốc chống muỗi, kẹo gừng… Sau khi anh ấy trên đường đi hãy nhắn tin “Em có để… ở trong túi đấy”, lúc ấy chàng cho người đi cùng dùng ké và khoe “vợ tôi chuẩn bị đấy” thì thật hãnh diện.
Trong cả chuyến công tác ấy, đừng phủ sóng kiểm soát, gọi cả lúc anh ấy làm việc. Nhưng cũng đừng hôn nhiên đến mức để anh ấy không thấy vợ đang đợi chờ ở nhà.
Lắng nghe và nói đúng lúc
Đừng mang chuyện tiền bạc lên giường hay khi anh ấy mệt mỏi bảo “vai anh đau quá, bóp giúp anh chút nào” bởi nói lúc đó chắc chắn vấn đề không được giải quyết mà còn có thể gây ra cuộc chiến. Mặt khác, nếu muốn “đốn ngã” lòng tự trọng của chồng thì cứ vô tư kể lể về một mẫu đàn ông tuyệt vời khác trong lúc anh ấy mệt mỏi, lúc anh ấy đưa lương.
Khi bạn muốn chuốc bầu tâm sự, nhưng chồng lại kêu “anh mệt, muốn yên tĩnh một chút” thì đừng cố lải nhải, hoặc cấm cẳn “anh không biết lắng nghe”. Còn lúc anh ấy nói chuyện, bạn nên lắng nghe, đừng để lúc anh ấy hỏi lại thì sẽ lú lẫn “gì nhỉ, anh vừa nói gì nhỉ”.
Chồng tốt nhờ vợ hiền
Bạn tốt bụng, chân thật nhưng hay lỡ lời, vô tâm thì cũng khó có thể gây thiện cảm với những người thân của anh ấy. Khi bạn không khéo nội trợ thì nên thành thật và “nhờ vả” mẹ, chị em anh ấy hướng dẫn. Làm sai thì nhận lỗi, đừng đổ lỗi cho sự “chẳng may”. Họ có thể nói bạn vụng nhưng không thể phủ nhận tấm lòng của nàng dâu.
Khi mua quà cho gia đình chồng phải nhớ tới tất cả các đối tượng. Lỡ may khi “trao” quà lại thiếu một ai đó thì hãy lựa lời: “Vì chưa chọn được cái nào thích hợp nên (tôi) sẽ mời đi cùng và chọn sau”. Sau đó thì phải thực hiện luôn, nếu không sự đoảng vị vừa tăng điểm lại chứng tỏ thêm rằng, bạn là người thiếu chân thật.
Lịch lãm khi ra ngoài cùng chồng
Khi xuất hiện cùng chồng đi thăm sếp, đồng nghiệp, hoặc dự một buổi gặp mặt thì nên hỏi ý anh ấy: mặc thế này được chưa?; hỏi trước về nội dung cuộc gặp, những nhân vật, mức độ trang trọng. Nếu trong cuộc gặp, chị em phụ nữ tập trung nội trợ, bạn không biết làm thì cũng nên ra học hỏi, tay không làm thì miệng phải biết đỡ lời, tránh một mình ngồi cùng đám đông nam giới tám chuyện hoặc lóng ngóng đứng một chỗ không biết làm gì.
Món quà mang đến tặng các đối tượng trên cũng nên hỏi ý kiến chồng, đừng ào ào “miễn có tấm lòng”. Sẽ thật mất mặt chồng nếu một chùm nho Mỹ rất ngon mang đến biếu sếp của anh ấy lại vẫn còn lớp nước tố cáo bạn lấy ở tủ lạnh ra. Hoặc người nhận sẽ biết ngay sự thiếu tôn trọng khi bạn mang tới biếu mấy quả cam “còi” mua vội ở chợ.
Khách đến nhà, trông vào vợ
Đặc biệt là khách của chồng thì bạn nên xởi lởi, đừng lỡ mồm “người cần chả tới”. Khi chồng tiếp khách, chớ nên hóng hớt, chen ngang, nhất là khi họ đang nói chuyện đàn ông với nhau. Lúc chồng đang mải vui chuyện, đừng cắt ngang lời hay sai vặt anh ấy. Những người có mặt có thể là người bạn không thích nhưng đừng cấm cẳn ngay lúc ấy sẽ làm chồng mất mặt.
Vợ đẹp, chồng hãnh diện
Đã là vợ nên bạn tự cho mình đặc quyền ăn mặc xuề xòa? Bạn không biết chọn quần áo, không biết trang điểm? Ngoài kia, người ta mỗi ngày một đẹp hơn nên tất nhiên anh ấy sẽ chạnh lòng biết bao vì vợ không biết làm đẹp.
Chẳng ông chồng nào muốn dắt vợ đi cùng khi thấy cô ta nhếch nhác, quê kệch hơn những người xung quanh. Để vừa mắt chồng, bạn nên hỏi anh ấy về trang phục của mình, nếu không sành điệu, bạn nên chọn gu gọn gàng.