Sáng tạo trong đề tài viết cho thiếu nhi

GD&TĐ - Tư duy của trẻ nhỏ luôn đầy ắp sự tưởng tượng và liên tưởng. Vì vậy, một tác phẩm văn học thiếu nhi để thu hút được các em đòi hỏi phải lay động được cảm xúc và khơi dậy được trí tưởng tượng cùng sự ham thích, khám phá. 

Sáng tạo trong đề tài viết cho thiếu nhi

Tuy nhiên, hiện nay số lượng các tác phẩm thiếu nhi lại đa phần là sách dịch. Để đến gần hơn với thế giới trẻ thơ, sách viết cho thiếu nhi rất cần sự sáng tạo bay bổng.

Sách dịch được ưu tiên lựa chọn

Cứ đến dịp hè, thị trường sách thiếu nhi lại khá nhộn nhịp. Thị trường mở ra nhằm phục vụ nhu cầu của những bạn đọc nhỏ tuổi. Bởi vậy ngay từ những tháng đầu hè, các nhà sách lớn tổ chức nhiều buổi giới thiệu ra mắt sách với nhiều độ tuổi khác nhau. Các thể loại cũng rất phong phú - từ truyện tranh, truyện cổ tích đến sách văn học, sách kỹ năng sống, sách tiếng Anh, song ngữ…

Thế nhưng, thực tế cho thấy, số lượng sách viết cho thiếu nhi Việt vẫn rất thưa thớt. Trong khi đó, sách nước ngoài lại đang chiếm vị trí áp đảo.

Ngay nhà sách Kim Đồng, ngoài một số tập truyện cổ tích của Việt Nam cùng một số tác phẩm do các tác giả Việt Nam viết cho thiếu nhi, thì các tác phẩm dịch từ nước ngoài chiếm một số lượng khá lớn. Trong đó mảng sách kiến thức - khoa học - kĩ năng dành cho thiếu nhi với ưu thế hình ảnh trực quan, sinh động cùng nội dung chắt lọc, hấp dẫn được dịch từ nước ngoài thu hút khá đông sự quan tâm của các độc giả nhí.

Bên cạnh đó các chuyện kể về các vĩ nhân như: “Phút hồi tưởng của vĩ nhân”, “Thời thơ ấu của các tổng thống Mỹ”, “Thần thoại Hy Lạp”, “Nhập môn triết học”, “Những bí mật trẻ em cần biết”, “Triết lý sống cho teen”... cũng được nhiều bạn nhỏ yêu thích. Với độ tuổi nhỏ hơn thì mảng sách tranh truyện được thiết kế với giấy in đẹp, hình vẽ ngộ nghĩnh, nội dung di dỏm được đánh giá là khá hấp dẫn với các bé từ 6, 7 tuổi trở xuống.

Theo chị Thu Hà (Lò Đúc, Hà Nội) những tác phẩm “Trên Sa mạc và trong rừng thẳm”, “Cuộc phiêu lưu của Tôm Xouyơ”, “Túp lều bác Tôm”, “Tiếng gọi nơi hoang dã”… vẫn là những cuốn truyện giàu giá trị nhân văn rất cần trong hành trang của trẻ.

Cần sự đổi mới trong đề tài

Nguyễn Nhật Ánh - một nhà văn rất thành công trong lĩnh vực viết cho thiếu nhi. Ông là tác giả hiếm hoi trong làng sách Việt đều đặn ra mắt các tác phẩm viết cho thanh, thiếu nhi vào mỗi năm. Và hầu như mỗi lần ra mắt sách mới của tác giả là các độc giả nhỏ lại say mê chờ đợi đầy hào hứng.

Tác giả từng tâm sự: Điều tâm niệm của ông là luôn phải thay đổi cách viết, tức phải tiếp cận cái mới, tạo phong cách mới. Có như thế, các em mới cảm thấy hứng thú, yêu thích mỗi khi tìm đọc tác phẩm của nhà văn Việt Nam.

Trong suốt 30 năm qua, Nguyễn Nhật Ánh đã sáng tác với một tinh thần đổi mới như vậy. Bởi vậy, dường như bất cứ tác phẩm nào của ông từ “Kính vạn hoa” đến “Chuyện xứ Lang Biang”, rồi “Tôi là Bêtô”, “Chúc một ngày tốt lành”, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Mắt biếc”… cũng luôn được công chúng đón nhận một cách hào hứng, nồng nhiệt.

Sức hấp dẫn của văn chương Nguyễn Nhật Ánh chính là ở khả năng kiến tạo sự hòa hợp, hòa điệu tâm hồn giữa tâm hồn nhà văn và bạn đọc. Tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh giúp cho các em tìm thấy cuộc sống của mình trên từng trang sách. Ngay cả người lớn đọc tác phẩm của ông cũng luôn cảm thấy hạnh phúc khi được trở về với thời thơ dại, tâm hồn thư thái hơn sau những vật lộn mưu sinh.

Chia sẻ về việc chọn lựa bản thảo để xuất bản cho thiếu nhi, theo bà Nguyễn Thúy Loan - Trưởng ban Biên tập sách Văn học của NXB Kim Đồng bày tỏ: Tiêu chí trước tiên để lựa chọn một bản thảo cho thiếu nhi là văn phong và đề tài.

Về văn phong, tác giả diễn đạt ngôn ngữ tiếng Việt chuẩn xác, trong sáng, rõ ràng, dễ hiểu sẽ phù hợp với bạn đọc trẻ em. Còn về đề tài thì nên gần gũi với cuộc sống của trẻ thơ như các câu chuyện sinh hoạt, truyện đồng thoại, cổ tích, thần tiên, kỳ ảo… gắn liền với thế giới tưởng tượng của các bạn nhỏ, nói chung là đa dạng, không quá gò bó.

Một tiêu chí nữa cũng được đánh giá cao đối với các sáng tác dành cho thiếu nhi đó là: Tính mới lạ và sáng tạo của tác giả thể hiện trong tác phẩm. Tác giả có “bản sắc riêng”, chất giọng riêng cũng rất được quan tâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.