Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) là xã duy nhất trong cả nước 4 lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, trong đó có 2 lần Anh hùng Lao động trong lĩnh vực Giáo dục. Với khẩu hiệu “Sản xuất là khóa, văn hóa là chìa”, Cẩm Bình luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về phong trào giáo dục cả trong thời chiến lẫn thời bình.
“Sản xuất là khóa, văn hóa là chìa”
Phát huy tinh thần chiếc nôi của phong trào “Bình dân học vụ”, hiện nay, Cẩm Bình tiếp tục đẩy mạnh phong trào khuyến học sâu rộng trong toàn thể nhân dân. Từ nền tảng giáo dục vững chắc, Cẩm Bình tiếp tục nêu cao tinh thần năng động, sáng tạo, nỗ lực vượt khó, chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển KT - XH. Đặc biệt, trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Cẩm Bình đã về đích sớm 2 năm (2013), trở thành 1 trong 7 xã về đích đầu tiên của tỉnh. Ông NGUYỄN THIÊN TOÀN (Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình)
Sau Cách mạng tháng Tám, cùng với các địa phương trong cả nước, Cẩm Bình đối mặt với vô vàn khó khăn từ lương thực đến văn hóa. Hơn 90% dân số mù chữ. Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ, năm 1946, Đảng bộ và nhân dân Cẩm Bình đã hăng hái xung kích trên mọi mặt trận, trong đó có “diệt giặc dốt”.
Phong trào mở các lớp “Bình dân học vụ” phát triển sôi nổi, rộng khắp trong toàn xã. Thời điểm này, Cẩm Bình có hàng chục lớp “Bình dân học vụ” được mở tại các hội quán, nhà dân cho đối tượng từ học sinh tiểu học đến 45 tuổi.
Đã ngoài 90 tuổi, đôi tai không còn nghe rõ, nhưng ký ức về những năm tháng vừa dạy vừa học lớp “Bình dân học vụ” vẫn còn in rõ trong trí nhớ của cụ Nguyễn Quang Huy (sinh năm 1931, thôn Tân An, xã Cẩm Bình).
“Người học thì đông mà người biết chữ thì ít nên chủ trương của địa phương lúc đó là “Người biết 2 chữ thì bày cho người biết 1 chữ, người biết 1 chữ bày lại cho người chưa biết gì”. Cứ thế trong toàn xã, ngày lao động tối lại rộn ràng đi học.
Tinh thần tham gia Bình dân học vụ của người dân rất cao. Lớp học được tổ chức trong các nhà dân. Không có bàn, ghế, chỉ là mấy tấm ván được kê cao làm bàn, kê dép làm ghế. Nhưng tuyệt nhiên đều đặn đêm nào học sinh cũng giữ vững sĩ số”, cụ Huy bồi hồi nhớ lại.
Hồi ấy, cụ Nguyễn Quang Huy chỉ mới 15 tuổi nhưng đã trở thành giáo viên của lớp học với 14 học trò ở độ tuổi 45. Cụ Huy cho biết, bản thân vốn học chữ Hán, chữ Quốc ngữ cũng không hề thông thạo, chỉ lõm bõm được vài chữ cái.
Vì vậy, vừa làm thầy chàng thanh niên trẻ vừa phải đi học. Được khoảng 1 tuần, bảng chữ cái các âm vần cũng đã thuộc nằm lòng.
“Do lớp học toàn các bà, các mẹ, khả năng tiếp thu cũng hạn chế. Nhiều người học hôm trước hôm sau lại quên. Có 2 chị học hơn 1 tháng nhưng vẫn không biết gì khiến tôi vô cùng nản.
Nhưng tôi nghĩ chiến thắng giặc dốt cũng là ghi công cho Tổ quốc trong cuộc cách mạng này. Do đó, tôi lại nhẫn nại, yêu thêm công việc của mình. Không chỉ riêng tôi, mà tinh thần của cả xã ai cũng như vậy. Chỉ trong vòng vài tháng, hầu hết dân làng đều thuộc bảng chữ cái và háo hức học thêm”, cụ Huy cho hay.
Nhắc lại câu chuyện cũ, cụ Huy vẫn đọc chính xác tên từng học sinh trong lớp, người ở đâu, năng lực học và cả những kỷ niệm vui buồn của thầy trò.
Là người từng tham gia lớp “Bình dân học vụ”, cụ Đặng Thị Mậu (96 tuổi, thôn Bình Quang) không khỏi bồi hồi khi nhớ lại những ngày đầu đi học. Thời gian đầu, dù được thầy tận tình cầm tay chỉ phấn nhưng cô trò Mậu vẫn không thể nhớ được. Bị thầy mắng lắm lúc trò Mậu định trốn học về nhà. Ấy thế mà chỉ vài hôm không được đi chợ khiến cô học trò quyết tâm phải học bằng được.
“Để kiểm tra việc học của người dân, ngay tại cổng chợ Đình, cán bộ xã treo 1 bảng chữ cái, đọc đúng hết mới được vào. Mấy lần tôi đi chợ đành phải đưa giỏ không về nhà vì không đọc được. Vài lần như thế, bực thì ít mà ngại thì nhiều. Không riêng tôi, nhiều người cũng chung cảnh ngộ thế là người dân làng tôi cứ như vậy mà động viên nhau học.
Người dân vẽ chữ khắp ngọn cây, bờ rào, lưng trâu, cả ngôi làng biến thành “một lớp học khổng lồ. Đến năm 1948, Cẩm Bình đã xóa được nạn mù chữ. Ai cũng biết đọc, biết viết, biết tính toán cơ bản”, cụ Mậu nhớ lại.
Cũng trong năm 1948, xã đã thành lập Trường cấp I Cẩm Bình. Với khẩu hiệu “Sản xuất là khóa, văn hóa là chìa”, Cẩm Bình tiếp tục phong trào bổ túc văn hóa trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Năm 1959, Cẩm Bình chính thức phát động phong trào bổ túc văn hóa và bắt tay vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) phổ cập cấp I trong nhân dân.
Ngày 19/5/1966, Cẩm Bình được công nhận là xã đầu tiên trong cả nước thực hiện phổ cập cấp I cho toàn dân trong độ tuổi và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Năm 1969, Bác Hồ đã gửi tặng xã Cẩm Bình bức chân dung có ghi bút tích của Người: Thân ái gửi lời khen đồng bào và cán bộ xã Cẩm Bình đã tổ chức tốt việc giáo dục văn hóa.
Xã Cẩm Bình (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) 4 lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, trong đó 2 lần Anh hùng Giáo dục. |
Tiếp nối mạch nguồn
Cẩm Bình là địa phương được Đảng, Nhà nước phong tặng 4 danh hiệu Anh hùng gồm: Anh hùng LLVT cho Ban công an xã năm 1970; Anh hùng Lao động cho ngành Giáo dục xã năm 1985; Anh hùng LLVT cho cán bộ và nhân dân năm 1995; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Trường Tiểu học năm 2005. Năm 1978, Cẩm Bình vinh dự được UNESCO tặng giải thưởng CrupsitCaiA “Đơn vị lá cờ đầu về xóa bỏ nạn mù chữ và bổ túc văn hóa của Việt Nam”.
Bước vào đầu thời kỳ đổi mới, các thế hệ lãnh đạo địa phương, cùng với đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếp tục thắp sáng “Ngọn đèn làng học Cẩm Bình”. Cẩm Bình cũng là xã duy nhất trong cả nước 4 lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, trong đó 2 lần Anh hùng Lao động trong lĩnh vực Giáo dục.
Những danh hiệu trên đã minh chứng cho truyền thống hiếu học người dân vùng đất khó. Và bây giờ, khi chất lượng cuộc sống được nâng lên, thế hệ đi sau vẫn tiếp tục bồi đắp thắp sáng ngọn đèn đất học Cẩm Bình.
Hiện nay, con em Cẩm Bình nhiều người đỗ đạt, thành tài công tác tại nhiều ngành, địa phương khác nhau trong và ngoài nước. Theo thống kê, toàn xã hiện có 3 giáo sư, 6 phó giáo sư, 28 tiến sĩ, phó tiến sĩ.
Riêng tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng trong 10 năm trở lại đây bình quân đạt trên 85%. Trong đó, có những thôn như Tân An, Bình Luật, Bình Vinh, Yên Bình… tỷ lệ con em đỗ đạt, có công ăn việc làm ổn định tại các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp lớn trên cả nước chiếm đến 50 - 60%.
Theo ông Nguyễn Văn Bộ, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Cẩm Bình, để có được những thành tích như ngày hôm nay là thành quả của quá trình hoạt động, thi đua trong công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương
Xã Cẩm Bình hiện có 48 dòng họ đều thành lập dòng họ khuyến học trong đó có 38 dòng họ được công nhận dòng họ học tập. Hoạt động khuyến học, khuyến tài của xã phát triển mạnh, tổng quỹ khuyến học các cấp của xã Cẩm Bình hàng năm vận động được hơn 100 triệu đồng, trong đó xã quản lý 40 triệu đồng, còn lại là quỹ khuyến học của các nhà trường, thôn xóm, cơ quan, các Ban khuyến học dòng họ...
Để duy trì được hoạt động khuyến học khuyến tài hiệu quả, hầu hết các Chi hội và Ban khuyến học dòng họ đều kêu gọi tự nguyện quyên góp quỹ khuyến học riêng. Ngoài ra, cũng phải kể đến công lao từ những con em thành đạt của địa phương thường xuyên hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục địa phương.
Nhiều năm qua, nguồn Quỹ khuyến học đã phát huy hiệu quả trong động viên, khen thưởng kịp thời các thành tích của con em địa phương. Qua công tác khuyến học, khuyến tài, người dân ngày càng nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của việc học tập, trau dồi tri thức trong việc kiến tạo cuộc sống.
“Ngày nay, con em tại các địa phương có nhiều con đường để tiến thân lập nghiệp, nhưng ở Cẩm Bình tiến thân bằng con đường học tập vẫn luôn được người dân nơi đây ưu tiên làm đầu. Mỗi một gia đình, mỗi một dòng họ đều luôn có ý thức và trách nhiệm trong phong trào khuyến học, dù vất vả đến đâu cũng gắng cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Chuyện mỗi gia đình có 3 đến 4 con vào đại học từ lâu đã không còn là chuyện lạ ở nơi đây”, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Cẩm Bình nói.
Gia đình ông bà Nguyễn Văn Ngợi - Nguyễn Thị Liên (thôn Bình Luật) là một trong những tấm gương sáng về sự hiếu học tại Cẩm Bình. Gia đình ông bà có 4 người con đều đỗ vào các trường đại học tốp đầu trong toàn quốc. Hiện nay, các con ông trưởng thành và tham gia công tác ở nhiều lĩnh vực như: Bác sĩ, công an, giáo viên, kỹ sư.
Để trang trải 19 năm nuôi các con học đại học, có những thời điểm 2 vợ chồng phải đi vay mượn từ vài chục nghìn gom góp gửi tiền cho các con. Đến khi các con ra trường, ông bà vẫn còn gánh khoản nợ 280 triệu đồng, số tiền này cũng vừa trả hết trong năm ngoái.
“Nhà làm nông, nhiều lúc tiền bạc bí bách nhưng hai vợ chồng tôi chưa bao giờ nghĩ đến cảnh khuyên con nghỉ học. Tôi dặn các con lấy đó là động lực để phấn đấu hơn. Có thể có nhiều con đường lập nghiệp nhưng con đường học tập bao giờ cũng vững chãi và tối ưu hơn”, ông Ngợi tâm niệm.