Một trong những sự kiện nổi bật tại COP28 năm nay là việc Tổng thống Kenya William Ruto phát động “Sáng kiến Công nghiệp Xanh châu Phi” nhằm mục đích mở rộng quy mô các ngành công nghiệp và doanh nghiệp xanh tại lục địa này, đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho lục địa và công nghiệp hoá xanh của lục địa.
Các nhà lãnh đạo châu Phi khác đều nhất trí tham gia sáng kiến. Tổng thống Senegal Macky Sall cho biết: “Chúng tôi đang tạo ra một con đường xanh cho châu Phi. Việc thông qua hợp tác chiến lược với các nhà phát triển công nghiệp và năng lượng trên khắp lục địa sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm bền vững”.
Con đường sản xuất xanh bắt nguồn bằng việc chuyển từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Trước đó, hồi tháng 11/2015, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán châu Phi là khu vực đầu tiên trên thế giới thúc đẩy phát triển kinh tế nhờ năng lượng tái tạo thay vì các nguồn nhiên liệu hoá thạch như than đá.
Dù châu Phi là nơi sinh sống của 17% dân số thế giới nhưng châu lục này chỉ chiếm 4% nhu cầu năng lượng toàn cầu. Khoảng 43% dân số châu Phi, tương đương 600 triệu người, không được tiếp cận với nguồn điện an toàn. Có thể thấy, nhu cầu sử dụng năng lượng của châu Phi là rất lớn nhưng cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch hiện nay không đáp ứng được nhu cầu này và thậm chí không trong tương lai.
Mặt khác, các công nghệ năng lượng tái tạo có tiềm năng mang lại khả năng tiếp cận năng lượng phổ quát cho tất cả người dân châu Phi, đồng thời hạn chế các tác động bên ngoài liên quan đến khí hậu.
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) cho thấy, châu Phi chứa khoảng 39% tiềm năng năng lượng tái tạo của thế giới, nhiều nhất so với bất kỳ châu lục nào khác. Công suất năng lượng của châu Phi có thể đạt 310 GW vào năm 2030.
Khi dân số châu lục ngày một trẻ hóa, tiềm lực tăng trưởng kinh tế dồi dào, nhu cầu năng lượng tăng dần, việc chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo là điều hoàn toàn tất yếu ở châu Phi. Đến năm nay, khu vực này đã nâng thêm một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển công nghiệp là sản xuất xanh.
Tuy nhiên, việc triển khai kế hoạch này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước đây, các quốc gia chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo với quy mô trong nước và mức độ chuyển đổi khác nhau theo từng khu vực.
Nếu toàn bộ châu lục tham gia vào “Sáng kiến Công nghiệp Xanh châu Phi”, họ sẽ phải nhất trí đồng bộ chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Nhưng việc thuyết phục các quốc gia phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu mỏ như Angola hay Nigeria từ bỏ khai thác nhiên liệu hóa thạch là điều khó khăn.
Việc khai thác không chỉ cung cấp năng lượng cho sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội mà còn đem lại nguồn kinh tế dồi dào cho các quốc gia này. Đối với Angola hay Nigeria, dầu mỏ chiếm hơn 90% kim ngạch xuất khẩu và ít nhất 2/3 ngân sách quốc gia.
Chi phí là khó khăn thứ hai khi đầu tư vào công nghiệp xanh. Đơn cử, thiết bị nông nghiệp thân thiện với môi trường thường có giá thành cao hơn so với thiết bị nông nghiệp thông thường. Chưa kể nền công nghiệp xanh phải đổi mới kỹ thuật theo tình hình biến đổi khí hậu.
Nền kinh tế châu Phi hiện còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật và nguồn lực để chuyển đổi sang mô hình công nghiệp xanh là thách thức lớn. Do đó, cần sự hỗ trợ, đầu tư từ các quốc gia giàu có trên thế giới. Đây cũng là trách nhiệm của các quốc gia phát triển trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu.